Việc làm cho lao động nông thôn Mèo Vạc
BHG - Nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH; các cấp, ngành của huyện Mèo Vạc đang nỗ lực giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).
![]() |
Thanh niên học nghề lâm sinh tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên Mèo Vạc. |
Hiện nay, huyện Mèo Vạc có trên 35.000 người trong độ tuổi lao động; trong đó, hơn 90% lao động ở khu vực nông thôn. Nhằm giải quyết việc làm cho LĐNT, công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho nông dân được các cấp, ngành huyện Mèo Vạc triển khai kịp thời, hiệu quả. Hiện, trên địa bàn có 1 cơ sở tham gia ĐTN cho LĐNT là Trung tâm GDNN - GDTX. Ngoài ra, huyện cũng chủ động phối hợp, liên kết với Trường Cao đẳng KT&CN Hà Giang cũng như các cơ quan, đơn vị của tỉnh mở các lớp ĐTN cho LĐNT. Nhờ đó, tỷ lệ LĐNT qua đào tạo không ngừng tăng qua các năm; nếu năm 2013 đạt 18% thì năm 2019 được nâng lên 36%; ước thực hiện hết năm 2020 đạt 38%. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề duy trì trên 80%.
![]() |
Hợp tác xã Hoa Long (tổ 3, thị trấn Mèo Vạc) giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương. |
Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Mèo Vạc, Nguyễn Thị Sơn, cho biết: Việc ĐTN cho LĐNT đã trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi,... giúp họ biết cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, phổ cập kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo giúp họ từng bước sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và giá trị hàng hóa trên cùng một diện tích; có cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Cùng với ĐTN, huyện còn chú trọng công tác giải quyết việc làm tại chỗ và đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước cho LĐNT; thông qua các hoạt động, như: Tổ chức hội chợ việc làm, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh và Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng lao động. Cùng đó, vận dụng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất cho người dân, như: Hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, vay vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm… Mặt khác, việc khuyến khích các chủ thể thành lập tổ chức kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã giúp tạo thêm việc làm cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 45 HTX với 414 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện. Trong gần 6 tháng đầu năm 2020, hơn 1.500 lao động được tạo việc làm mới; trong đó, trên 600 lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác ĐTN và giải quyết việc làm cho LĐNT của huyện Mèo Vạc vẫn gặp không ít khó khăn; sức ép về việc làm khá lớn, số lao động thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn nhiều; tỷ lệ lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, số lượng người tham gia đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và tại Trung Quốc đạt thấp. Mặt khác, lao động xuất thân từ nông thôn nên tay nghề, thể lực, tác phong, tính kỷ luật không cao,… gây khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động của huyện…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ