Bắc Mê siết chặt quản lý tài nguyên - khoáng sản
BHG - Bắc Mê là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn và chất lượng cao, như: Sắt, Mangan, Chì, Kẽm, Ăngtimon, đá vôi, cát sỏi… Đây là lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, là thế mạnh tiềm năng phát triển của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 Giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang cấp phép, trong đó có 13 dự án khai thác khoáng sản kim loại, với 3 điểm mỏ đang hoạt động và 5 điểm đang hoàn thiện hồ sơ. Nhưng nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn chính trị, mất an ninh – trật tự, khai thác bừa bãi, ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Lãnh đạo huyện kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại Bản Sáp, thị trấn Yên Phú. |
Được xác định là thế mạnh, nhưng nhằm sử dụng đúng và lâu dài những tài nguyên sẵn có của địa phương, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Nhằm siết chặt công tác quản lý TNMT, nhất là tài nguyên khoáng sản, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và từng giai đoạn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn để kịp thời xử lý sai phạm, chấn chỉnh hạn chế, yếu kém; tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh trong nhân dân. Với mục tiêu đảm bảo quản lý đúng trách nhiệm, thẩm quyền UBND huyện gắn trách nhiệm của từng cấp, ngành và từng cá nhân thuộc thẩm quyền được giao trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản; gắn với trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về TNMT…”.
Đồng chí Vũ Đức Khanh, Trưởng phòng TN&MT huyện, cho biết: “Thực hiện Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành quy chế phối hợp và trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện đã phối hợp với sở TN&MT, Sở Công thương và các sở, ngành của tỉnh kiểm tra định kỳ hàng năm về hoạt động của các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, cùng với đó huyện thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về hoạt động khai thác khoáng sản tại các xã, thị trấn. Tuyên truyền gắn với tổ chức kiểm tra việc quản lý khoáng sản chưa khai thác đối với Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản các xã. Do vậy việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện ít xảy ra…”.
Song hành với việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, huyện đẩy mạnh quản lý trên lĩnh vực TNMT với việc đã hoàn thành phân bổ sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường năm 2019 hơn 21 tỷ đồng; tổng lượng rác thải thu gom tại khu vực đô thị là 6,24 tấn/ngày, đạt 92% tổng lượng rác thải phát sinh, tại nông thôn là 2,24 tấn/ngày, đạt 80% lượng rác thải phát sinh. Cùng với đó, hàng năm huyện phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn, cơ quan và trường học thu hút được hơn 40 nghìn lượt người tham gia; tiến hành rà soát, kiểm tra các cá nhân, tổ chức có sử dụng, khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm và xả thải ra nguồn nước tại 14/14 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Bằng những cơ chế, giải pháp, thực hiện chức năng và vai trò theo đúng thẩm quyền đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của huyện.
Bài, ảnh: Hoàng Yến