Vị Xuyên làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng cầu dân sinh
BHG - Vị Xuyên là địa bàn có hệ thống sông, suối khá dày và phức tạp, chia cắt các tuyến giao thông. Để củng cố hạ tầng giao thông, huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cầu dân sinh, nối liền “huyết mạch” phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Là xã vùng cao, Thượng Sơn có nhiều thôn, bản bị chia cắt bởi các con suối nhỏ nên việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Trong điều kiện ngân sách của Nhà nước còn hạn hẹp, cấp ủy, chính quyền xã đã kết nối được nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu dân sinh. Những cây cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép có giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng đã đáp ứng được mong đợi của nhiều người dân, giúp giải quyết việc đi lại thuận lợi, an toàn. Đồng chí Hoàng Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn cho biết: Từ năm 2023 đến thời điểm hiện tại, xã Thượng Sơn đã kêu gọi xã hội hóa được 7 cây cầu dân sinh theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây là cách vừa phát huy nội lực của người dân, vừa gắn kết cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào và thay đổi diện mạo nông thôn.
Các đại biểu và nhân dân phấn khởi khi cây cầu Bó Đướt, xã Thượng Sơn được đưa vào sử dụng. |
Ông Hoàng Xuân Đương, người dân xã Thượng Sơn vui mừng chia sẻ: Bản thân tôi cũng như bà con ở đây rất vui mừng, phấn khởi khi cây cầu được xây dựng kiên cố. Cầu cống giao thông được thông suốt đã đáp ứng tốt việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân, các cháu học sinh yên tâm đến trường. Có được kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự chung tay góp sức của nhân dân.
Là huyện có diện tích rộng, địa hình chia cắt với nhiều khe suối, huyện xác định tập trung vào hoàn thiện hạ tầng giao thông. Chủ trương này được BCH Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 17 “Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025”. Xác định nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn chế và tập trung vào các công trình trọng điểm, quy mô lớn, vì vậy hạ tầng giao thông nông thôn huyện xác định kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như cầu dân sinh, nhà văn hóa, lớp học. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện xây dựng 22 công trình cầu qua suối, với tổng giá trị trên 7,7 tỷ đồng. Những cây cầu này khi đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân đi lại thuận tiện, lao động sản xuất, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với khai thác, sử dụng hiệu quả, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ công trình để không bị xuống cấp, hư hỏng, kéo dài thời gian sử dụng.
Đồng chí Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Xác định phát triển giao thông nông thôn là “chìa khóa” để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương tranh thủ sự ủng hộ của người dân, mạnh thường quân gần xa, đến nay hệ thống giao thông nông thôn của huyện, đặc biệt trong xây dựng cầu dân sinh từng bước hoàn chỉnh, góp phần vào xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Bài, ảnh: Thu Biên – Quỳnh Anh (Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc