Đồng Văn kiên trì xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh
BHG - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân, đến nay, huyện Đồng Văn là địa phương có nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ này. Với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện luôn xác định đây là nhiệm vụ cần phải kiên trì, bền bỉ, có nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, từng bước thay đổi tư duy người dân, tiến tới xây dựng huyện Đồng Văn tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc.
Xác định công tác tuyên truyền là “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết về bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Các cấp, ngành, địa phương huyện Đồng Văn đã thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả như: Phát thanh trên hệ thống loa phát thanh không dây của xã các nội dung về xóa bỏ hủ tục vào buổi sáng và chiều hàng ngày bằng 2 thứ tiếng là tiếng phổ thông và tiếng Mông; tổ chức tuyên truyền lưu động tại các thôn, khu dân cư, tuyên truyền tại các chợ phiên; nhiều xã thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các dòng họ tiêu biểu như xã Thài Phìn Tủng, Vần Chải...
Xã Sà Phìn tổ chức hội thi xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. |
Với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, mặc dù còn nhiều khó khăn do hủ tục ăn sâu vào nếp sống của người dân nhưng đến nay cơ bản nhân dân các dân tộc đã nhận thức được hệ lụy của các hủ tục, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm. Các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh với tinh thần vui tươi, tiết kiệm hơn so với trước; tỷ lệ tảo hôn giảm rõ rệt, không còn các hủ tục kéo vợ và không còn hôn nhân cận huyết thống; việc tổ chức tang ma đã có sự chuyển biến, các hủ tục trong đám tang đã dần được loại bỏ. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia như: Lễ hội Gầu tào, Khèn Mông; thi bắn nỏ, đánh yến, tung còn, chọi chim… Đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân được nâng lên góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo báo cáo, trong quý I, toàn huyện Đồng Văn có 63 đám tang đã đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang ma tại nhà, 96 đám tang được tổ chức không quá 48 tiếng đồng hồ, 116 đám không giết mổ từ 2 con gia súc trở lên. Đặc biệt xã Vần Chải đã vận động được thêm 1 nhánh dòng họ Ly tại thôn Tả Lủng A đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang lễ tại nhà. Đây là nhánh dòng họ đầu tiên thực hiện đưa người chết vào áo quan. Đã nâng tổng số nhánh dòng họ đưa người chết vào áo quan toàn huyện là 7 nhánh dòng họ. Đối với việc cưới, toàn huyện có 71 cặp đăng ký kết hôn, các đám cưới cơ bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm; các nghi lễ được tổ chức đơn giản hoá, gọn nhẹ, phù hợp với văn hoá truyền thống của từng dân tộc; huyện đã triển khai đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn tập trung cho 50 cặp vợ chồng. Đây là sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương trong huyện.
Đặc biệt, đến nay trên địa bàn huyện duy trì các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Điển hình như Đoàn Thanh niên đã xây dựng mô hình “Thanh niên tự quản” về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đã phát triển và nhân rộng lên được 14/19 xã với gần 150 thành viên tham gia.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Với sự quan tâm vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nghị quyết số 27 và Chỉ thị số 09 đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện về việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội. Đối với nhiệm vụ này, huyện cũng luôn xác định cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, giúp nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp. Từ đó nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển du lịch, tạo thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc