Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Quang Bình
BHG - Huyện Quang Bình nằm ở phía Tây của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm, khám phá và các lễ hội truyền thống đặc sắc. Thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, đặc biệt là tận dụng thế mạnh truyền thông số, hình ảnh, văn hóa, con người nơi đây ngày càng lan tỏa rộng rãi và được nhiều người biết đến.
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Tân Bắc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2012. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16.10 âm lịch hằng năm và năm nay mở rộng quy mô hơn, có sự tham gia của các nghệ nhân đại diện cho cộng đồng người Pà Thẻn ở 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với sức hấp dẫn, huyền bí, Lễ hội Nhảy lửa thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem. Sau nghi thức cúng gọi thần, bằng đôi chân trần không chút e dè, các chàng trai lao mình vào đống than đỏ rực, tạo nên những chùm hoa lửa. Ngoài các thanh niên trai tráng, có những em học sinh lớp 4, lớp 5 cũng tham gia nhảy lửa, góp phần tạo thêm không khí sôi động.
Đồng bào Tày thôn Khun, xã Bằng Lang biểu diễn làn điệu dân ca truyền thống. |
Anh Lê Tiến Cường, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên tôi được chứng kiến Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Tôi rất tò mò khi các chàng trai đều lắc lư cơ thể như có một sức mạnh nào đó, họ nhảy giữa đống than hồng mà đôi chân không bị bỏng rát. Trong không gian lễ hội, chúng tôi được hòa mình vào các chương trình nghệ thuật ấn tượng; trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nét đẹp nghề đan lát, gói bánh sừng trâu của dân tộc Pà Thẻn. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại đây vào một dịp gần nhất để có thể tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Quang Bình”.
Cùng sắc màu văn hóa Pà Thẻn, khách du lịch được thưởng thức chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian hát Páo dung của người Dao xã Tân Nam. Đây là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa được công bố, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Đặc biệt, sau 9 năm tổ chức, lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện sông Chừng luôn có sức hút đối với người xem. Bằng sức dẻo dai, kỹ năng và chiến thuật khéo léo, các đội đua nỗ lực hết mình trong từng đường đua. Sau 3 năm liên tiếp đạt giải nhất trong lễ hội đua thuyền, anh Triệu Là Cáo, đội đua xã Tiên Nguyên chia sẻ: “Với tinh thần đoàn kết, các vận động viên quyết tâm giữ vững danh hiệu vô địch trong năm tới, tạo dấu ấn trong lòng du khách, đưa vẻ đẹp quê hương đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Đua thuyền trên lòng hồ thủy điện sông Chừng (Quang Bình). |
Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay, góp sức của các cơ quan thông tấn, báo chí và các kênh truyền thông cộng đồng, huyện Quang Bình đã và đang thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch thông qua các lễ hội, sự kiện như: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; lễ mừng cơm mới của người La Chí; lễ cầu mùa của dân tộc Dao; nghề đan nón lá Hai mê của người Tày; tham quan điểm đến hang Bó Mỳ, thôn Khun, xã Bằng Lang; di tích danh thắng hồ thủy điện sông Chừng… Năm 2024, huyện tổ chức thành công Cuộc thi ảnh người đẹp hoa Tường vi lần thứ Nhất.
Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Từ đầu năm đến nay, huyện đón trên 65.000 lượt du khách, doanh thu ước tính trên 5 tỷ đồng. Theo phương châm mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân là một chủ thể trong công tác tuyên truyền, huyện sẽ tích cực vận động Nhân dân giữ gìn hồn cốt, tài sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên báo chí, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm và trên các nền tảng công nghệ số như: Facebook, fapage, tiktok, nhằm tăng sức hấp dẫn với du khách và các nhà đầu tư; tạo động lực, môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch bền vững”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc