Mèo Vạc tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
BHG - Thời điểm cuối năm, đặc biệt là chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền là thời điểm thị trường thực phẩm nhộn nhịp nhất. Cũng là thời điểm nhiều thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong thực hiện các chính sách, pháp luật đảm bảo ATTP.
Để làm tốt công tác đảm bảo ATTP, huyện Mèo Vạc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trọng tâm vào các dịp cao điểm bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống đài truyền thanh, băng rôn, tờ rơi. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Phối hợp với các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông và các hộ tư nhân kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, hàng hóa tổng hợp...
Đội Quản lý thị trường số 6 khu vực Đồng Văn – Mèo Vạc kiểm tra hàng hóa tại chợ trung tâm huyện Mèo Vạc. |
Chủ cửa hàng tạp hóa Nhan Phạm, tổ 4 thị trấn Mèo Vạc, Phạm Thị Nhan cho biết: “Tôi kinh doanh cửa hàng tạp hóa trên 10 năm. Hàng năm, tôi đều tham dự lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phân biệt thực phẩm sạch và bẩn. Trong kinh doanh, tôi lựa chọn sản phẩm có chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, phụ gia thực phẩm... bán trong dịp Tết đều được lấy từ công ty lớn, có thương hiệu, uy tín, có thông tin về tổ chức, cá nhân, có công bố hợp quy sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”.
Ông Hoàng Đường Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay, ở địa bàn vùng cao biên giới phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, tính chất tự phát, không tập trung gây khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra, hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu về rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản. Tại chợ trung tâm huyện, chợ phiên ở các xã cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác... làm cho công tác đảm bảo ATTP gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thời gian tới, Trung tâm Y tế, Công an, Quản lý thị trường của huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thay đổi trong nhận thức và hành vi về ATTP trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện lớn hàng năm của địa phương.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, mỗi người dân cần thận trọng lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho gia đình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc