Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho thanh niên Hoàng Su Phì

08:29, 11/10/2018

BHG - Những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn. Theo thống kê, nghề sữa chữa máy nông nghiệp hiện nay đang thu hút nhiều thanh niên tham gia học, lý do là người học có thể tự tìm kiếm việc làm ngay tại địa phương sau khi đào tạo và thu nhập cao hơn so với một số ngành, nghề khác.

Giờ thực hành của học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoàng Su Phì.
Giờ thực hành của học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoàng Su Phì.

Theo ông Dương Hồng Chí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (NN-GDTX) huyện Hoàng Su Phì, với đặc thù là huyện thuần nông, nên mặc dù là nghề phi nông nghiệp nhưng do tính chất gần gũi với sản xuất nên nghề sữa chữa máy nông nghiệp hiện đang thu hút khá đông thanh niên tham gia học. Về quá trình tuyển chọn học viên, Trung tâm cử giáo viên phối hợp với các phòng, ban liên quan trực tiếp xuống các xã, thị trấn làm công tác tuyển sinh dựa trên danh sách đăng ký của các địa phương và nhu cầu của người dân. Hiện nay, số lượng học viên đăng ký học nghề sửa chữa máy nông nghiệp của các xã, thị trấn khá lớn; tuy nhiên, do thiếu giáo viên giảng dạy nên Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân.

Trong thời gian học 3 tháng, các học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp được hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng và kỹ thuật vận hành, khắc phục sự cố, an toàn lao động trong quá trình vận hành máy móc. “Với thời gian học ngắn, vì vậy thay vì học lý thuyết suông và quan sát giáo viên thực hành trên những máy móc còn mới, Trung tâm đã mua những máy nông nghiệp hỏng và phụ tùng về để học viên tự “bắt bệnh” và sửa chữa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cách học gắn với thực hành như vậy nên các em mặc dù học nghề trong thời gian ngắn nhưng sau đào tạo đa số học viên đều có tay nghề rất vững, thậm chí nhiều em ngay trong quá trình học đã tự sửa chữa được những máy nông nghiệp bị hỏng tại địa phương nơi cư trú” – ông Lộc Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục NN-GDTX huyện Hoàng Su Phì cho biết thêm.

Anh Lù Văn Tiến, trú tại xã Nam Sơn chia sẻ: Vài năm trước, gia đình tôi mua máy cày về làm đất phục vụ gia đình và làm thuê cho các hộ trong thôn khi vào mùa vụ. Mỗi lần máy hỏng, tôi phải đem ra trung tâm huyện để sửa chữa, rất mất thời gian đi lại và chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Sau khi tham gia học lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục NN-GDTX huyện vào năm ngoái, tôi đã có thể tự sửa chữa. Nhiều hộ dân trong xã và khu vực lân cận khi có máy cày, máy tuốt lúa mini bị hỏng cũng thường gọi tôi đến sửa. Với mức giá sửa chữa từ 300 – 500 nghìn đồng/1 máy nông nghiệp, đã tạo thêm việc làm và thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình.

Phần lớn các học viên sau khi học nghề đều tự tạo việc làm ngay tại địa phương bằng cách sửa chữa máy nông nghiệp bị hỏng cho các hộ dân trên địa bàn. Có một số học viên liên kết lại để mở xưởng cơ khí, tuy nhiên số lượng không nhiều do khó khăn về vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy, hầu hết thanh niên sau khi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp đều là công việc làm thêm chứ chưa trở thành công việc chính đem lại thu nhập ổn định cho bản thân người học.

Theo thống kê, hiện nay số lượng đăng ký học nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì khá lớn, với khoảng trên 300 người có nhu cầu học trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục NN-GDTX huyện mở được 2 lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 70 học viên. Dự kiến trong tháng 10 tới sẽ mở thêm 1 lớp, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn.

“Mặc dù rất muốn mở thêm các lớp sửa chữa máy nông nghiệp nhưng do thiếu giáo viên giảng dạy và nguồn kinh phí hạn hẹp nên Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân. Thời gian tới, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các phòng, ban và các xã, thị trấn tiến hành mở lớp theo các cụm xã và mời thêm giáo viên thỉnh giảng; đồng thời liên kết với các cơ sở dạy nghề ngoài huyện để, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.” – Giám đốc Trung tâm Giáo dục NN-GDTX huyện, Dương Hồng Chí cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội Nông dân Mèo Vạc: Tín chấp gần 50 tỷ đồng cho Hội viên vay phát triển kinh tế

BHG - Tính đến đầu tháng 10. 2018, các cấp Hội Nông dân huyện Mèo Vạc đã tín chấp trên 54,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hàng nghìn hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Nhìn chung, các hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Phần lớn vốn vay để phát triển chăn nuôi và kinh doanh, buôn bán nhỏ.

10/10/2018
"Vị ngọt" làng Mông kiểu mẫu Vĩnh Sơn

BHG - "Thôn Vĩnh Sơn hiện chỉ còn 4/158 hộ đồng bào Mông thuộc diện nghèo đa chiều; 84 hộ khá, giàu; các hộ còn lại đều có của ăn, của để; đời sống của người dân trong thôn xếp hàng khá nhất địa phương" - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) Hoàng Hải Chư vui mừng chia sẻ. Cách đây gần 16 năm, tôi có viết Ký sự về những thành tích ổn định cuộc sống sau chuyển cư từ biên giới về Vĩnh Sơn của đồng bào Mông đăng trên Báo Nhân dân. Ngày ấy, Vĩnh Sơn chỉ có 15 hộ đồng bào Mông, hơn 200 khẩu đã bám đất này vượt khó vươn lên...

10/10/2018
Từng bước xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Tân Bắc

BHG - Chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Tân Bắc (Quang Bình). Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm", cấp ủy, chính quyền xã đã và đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

10/10/2018
Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

BHG - Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là một tiện ích, góp phần mang lại hiệu quả quản lý, giám sát, giảm sử dụng tiền mặt trong các hoạt động thanh toán. Đồng thời, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng hành chính công trực tuyến, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của tổ chức, cá nhân.

10/10/2018