Từng bước xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Tân Bắc

09:31, 10/10/2018

BHG - Chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Tân Bắc (Quang Bình). Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xã Tân Bắc hiện có tổng diện tích chè 354 ha, trong đó có 255 ha đang cho thu hoạch; năng suất bình quân 46 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi từ đầu năm đến nay ước đạt trên 520 tấn. Trên địa bàn xã hiện có 13 cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ chè gồm: Cơ sở chế biến chè chất lượng cao của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển chè Quang Bình; Hợp tác xã Nam Hải và 11 cơ sở chế biến chè mini tư nhân.

Sản phẩm chè Shan tuyết Tân Bắc được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Quang Bình (thôn Nà Tho, xã Tân Bắc).
Sản phẩm chè Shan tuyết Tân Bắc được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Quang Bình (thôn Nà Tho, xã Tân Bắc).

Để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Tân Bắc, xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, bản vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất chè theo hướng VietGAP; từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn. Đến nay, xã đã thành lập Tổ trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các thôn Nà Tho, Nặm Khẳm với diện tích 100 ha. Thêm nữa, xã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cây đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ nông nghiệp xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè...

Cùng với đó, xã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để người dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu năm đến nay, có 7 hộ được giải ngân vốn vay phát triển sản xuất chè theo Nghị quyết số 209 với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, đầu năm 2017, xã đầu tư 50 triệu đồng xây dựng bao bì đóng gói sản phẩm chè, làm tem, mác truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm chè được đóng gói đựng trong túi thiếc, hộp nhựa đã qua hút chân không với trọng lượng 100g, 200g và 500g; giá bán dao động từ 250 – 300 nghìn đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm chè Tân Bắc không chỉ được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Quang Bình (thôn Nà Tho, xã Tân Bắc) mà còn được trưng bày tại các hội chợ, lễ hội, triển lãm sản phẩm nông nghiệp huyện, tỉnh…

Ông Phạm Nam Hải, Giám đốc HTX Nam Hải, thôn Nà Tho, cho hay: Từ năm 2017 đến nay, thực hiện chính sách phân vùng nguyên liệu chè của huyện, HTX chủ yếu thu mua, bao tiêu chè búp tươi của người dân xã Tân Bắc (giá từ 6.500 – 10.000 đồng/kg). Từ đó ổn định được nguồn nguyên liệu cho HTX cũng như nguồn thu nhập cho bà con. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất 3 – 4 tấn chè búp tươi, chế biến thành sản phẩm chè vàng, chè đen và chè xanh theo đơn đặt hàng của thương lái Hà Nội, Hải Phòng và xuất khẩu sang Trung Quốc. Doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, HTX đang đầu tư xây dựng nhãn mác, thương hiệu để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm chè địa phương.

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc, anh Đỗ Bằng Giang khẳng định: Chè Shan tuyết là cây trồng thế mạnh, do đó, xã sẽ từng bước mở rộng diện tích chè, đẩy mạnh thực hiện sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Thực hiện tốt chính sách phân vùng nguyên liệu chè để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua, chế biến chè trên địa bàn; nâng cao giá trị chè búp tươi, đem lại nguồn thu nhập khá cho nhân dân địa phương. Xã cũng kiến nghị huyện, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm chè Shan tuyết thành sản phẩm tiêu biểu theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, từ đó thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Bài, ảnh:  YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018
Đặc sản chè Bản Vẽ, đậm đà hương vị "đèo Gió, thác Tiên"

BHG - Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì (huyện Xín Mần) khoảng 5 km về phía Tây Bắc, nơi đây trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín của riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận. Nằm cuối phía Tây rặng Tây Côn Lĩnh và nơi bắt đầu khu rừng đèo Gió, cửa ngõ đến trung tâm huyện Xín Mần; Nơi dòng Nậm Luông (theo tiếng Tày có nghĩa là "dòng suối lớn") bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi chảy dọc thôn Bản Vẽ. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban cho cây chè ở nơi đây hương vị riêng biệt...

28/09/2018
Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ cuối: Đi tìm các "cụ" chè Shan khổng lồ

BHG - Nhắc đến Hà Giang, đầu tiên mọi người sẽ nhắc đến miền đất chè. Nếu có niềm đam mê khám phá, ngoài việc được thưởng thức những hương chè riêng, lạ, bạn có thể bắt gặp nhiều điều đặc biệt từ những vùng chè nơi đây. Một trong những điều đặc biệt, đó là bạn có thể tận thấy những cây chè cổ thụ, khổng lồ hàng trăm tuổi, được coi là những di sản sống, biểu tượng cho lịch sử và sự phát triển của vùng chè Shan Hà Giang.

 

27/09/2018
Hữu Vinh - "miệt vườn" trên "Công viên đá"

BHG - "Miệt vườn" – cụm từ chỉ vùng đất phù sa rộng lớn, có nhiều cây ăn quả, dân cư đông đúc và thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nay, khi đặt chân đến vùng đất Hữu Vinh (Yên Minh), mọi người được đắm mình trong những vườn xoài, vải, dứa, hồng... đan xem nhau, rất thơ mộng. Nằm bên trục Quốc lộ 4C, các thôn Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng của xã Hữu Vinh đang sở hữu hơn 20 ha cây ăn quả. 

27/08/2018