"Vị ngọt" làng Mông kiểu mẫu Vĩnh Sơn

09:34, 10/10/2018

BHG - “Thôn Vĩnh Sơn hiện chỉ còn 4/158 hộ đồng bào Mông thuộc diện nghèo đa chiều; 84 hộ khá, giàu; các hộ còn lại đều có của ăn, của để; đời sống của người dân trong thôn xếp hàng khá nhất địa phương” - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) Hoàng Hải Chư vui mừng chia sẻ.

Cách đây gần 16 năm, tôi có viết Ký sự về những thành tích ổn định cuộc sống sau chuyển cư từ biên giới về Vĩnh Sơn của đồng bào Mông đăng trên Báo Nhân dân. Ngày ấy, Vĩnh Sơn chỉ có 15 hộ đồng bào Mông, hơn 200 khẩu đã bám đất này vượt khó vươn lên. Vĩnh Sơn khi xưa là một vùng đất rộng, thưa người, đường mòn, không điện, không trường, không trạm... Thấy con em mình thiệt thòi, từ năm 1999 - 2001, ông Vàng Seo Pao, lúc đó là Trưởng xóm đã nhiều lần lên UBND tỉnh xin kéo điện về làng cho “sáng”. Được sự ủng hộ của nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm, gần Tết Nguyên đán năm 2002, ánh sáng của Đảng chính thức toả sáng làng Mông nhỏ này. Ký ức làng Mông mở hội, đón điện về làng, đón Tết Nguyên đán năm đó ông Pao vẫn luôn tự hào.

Lớp học Mầm non thu hút đông đảo con em tham gia học tập.
Lớp học Mầm non thu hút đông đảo con em tham gia học tập.

Lần này gặp lại, ông Pao vui mừng tâm sự: Giờ mình chân yếu, tay run, lùi lại phía sau để lũ trẻ phấn đấu, nhưng rượu mình vẫn uống, bụng vui lắm. Làng Mông mình ngày nay đông vui lắm, nhiều hộ giàu lắm, khá lắm, nhà to, xe ô tô đẹp, đắt tiền, vườn rộng, quanh nhà quả ngọt bốn mùa, con cái học hành tiến bộ. Trong thôn còn 4 hộ nghèo, họ thuộc diện “bất khả kháng” chứ không phải do lười đâu nhé. Các hộ này được dân làng đùm bọc, giúp đỡ từ những cành giống để trồng, con giống để nuôi, cân gạo lúc lỡ mùa... Người Mông mình xưa nay, gặp nhau ở đâu, nói được tiếng Mông là hiểu lòng nhau, hiểu rồi thì thương nhau như anh em. Bởi lẽ này mà người Mông đâu đâu trên đất nước mình đều là anh em, mừng lắm!

Kéo tôi ra con đường bê - tông chạy dọc làng Mông, anh Giàng Quang Hà, một người dân trong thôn cho hay: Làng Mông, thời điểm này toàn một màu quả ngọt, thơm ngát. Vĩnh Sơn hiện có trên 144 ha cam, quýt đang vào vụ chín, sai trĩu các vườn, đồi. Tính sơ bộ, làng Mông Vĩnh Sơn mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 2 nghìn tấn quả ngọt; cứ đến Rằm Trung thu là cam Vinh, bưởi đặc sản được tung ra thị trường; áp Tết Nguyên đán là cam Sành theo những chuyến xe, về từng gia đình trên các nẻo đường đất nước; còn dịp vào Hè là mùa xoài xanh, nhãn Lồng ngọt lịm làm dịu đi cái nắng oi nồng. Anh Hà nói, đặc điểm canh tác của làng Mông Vĩnh Sơn là trồng cây cho quả ngọt, vị ngọt đó ví như cuộc sống người Mông vốn gian nan, vất vả nhưng cũng thật hạnh phúc, êm đềm khi chính mình tạo ra và thưởng thức nó.

Ngôi nhà đẹp ở làng Mông Vĩnh Sơn
Ngôi nhà đẹp ở làng Mông Vĩnh Sơn

Tâm sự về cung cách làm ăn của làng, anh Giàng Quang Hà cho biết thêm: Bí quyết làm ăn ở làng Mông Vĩnh Sơn là trồng rải vụ để tránh mất mùa toàn diện; chọn những cây ăn quả đặc sắc, thậm chí “độc đắc” để làm; sau đó, là phải đi trước, làm trước, làm khác biệt mọi người. Nguyên tắc của sản xuất nông nghiệp là tránh làm tràn lan, làm theo phong trào dẫn đến ứ thừa sản phẩm, khó tiêu thụ. Cụ thể, trong 144 ha cam, quýt thì có khoảng ½ diện tích cam Vinh chín sớm, bán đầu vụ lúc tiết trời vào Thu. Điều này, rất phù hợp với đặc điểm khô hanh, háo nước tại các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Trung bộ; sau cam Vinh là quýt vỏ giòn, quýt ngọt, quýt đường canh. Còn lại là cam Sành bán vào dịp áp Tết Nguyên đán, thời điểm này cả làng, cả huyện bán cam Sành ra thị trường, từ đó sẽ tạo áp lực rất lớn đối với mỗi nhà vườn. Do vậy, người Mông Vĩnh Sơn bán cam Sành theo cách: Bán cận kề ngày Tết đối với những trái cam đẹp về hình thức, chất lượng tốt và dưỡng cây, giữ quả kéo dài thời gian thu hoạch bán vào dịp khai hội Xuân…

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc Hoàng Hải Chư cho biết thêm: Làng Mông Vĩnh Sơn không chỉ điển hình về cách thức làm kinh tế, mà còn là làng Mông kiểu mẫu về tính cộng đồng trong đời sống xã hội. Người Mông sinh sống ở đâu cũng là anh em một nhà, ở làng Mông Vĩnh Sơn việc của nhà này cũng là của nhà kia, không phân chia giàu, nghèo, mọi người đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống ngày một no ấm, hạnh phúc. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Quang, Hoàng Quang Phùng đánh giá, hiếm có làng Mông nào tiêu biểu như Vĩnh Sơn. Ở đó, kinh tế phát triển mạnh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể hoạt động rất tốt. Vĩnh Sơn là một làng Mông no ấm, hạnh phúc rất đáng để học tập, nhân rộng.

Bài, ảnh:  NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từng bước xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Tân Bắc

BHG - Chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Tân Bắc (Quang Bình). Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm", cấp ủy, chính quyền xã đã và đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

10/10/2018
Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

BHG - Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là một tiện ích, góp phần mang lại hiệu quả quản lý, giám sát, giảm sử dụng tiền mặt trong các hoạt động thanh toán. Đồng thời, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng hành chính công trực tuyến, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của tổ chức, cá nhân.

10/10/2018
Tăng cường liên kết sản xuất mía đường ở Quang Bình

BHG - Toàn huyện Quang Bình hiện có 72 ha mía, chủ yếu là mía nguyên liệu được trồng theo cơ chế liên kết đầu tư có thu hồi với Công ty Cổ phần Mía đường (CTCPMĐ) Sơn Dương (Tuyên Quang); còn lại được bà con tiêu thụ trên địa bàn. Trong những năm gần đây, cây mía đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình; góp phần vào xóa đói, giảm nghèo và mở ra tiềm năng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

10/10/2018
Tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

BHG - Cá Bỗng, cá Chiên, Dầm xanh, cá Anh vũ… là những loại cá đặc sản nổi tiếng, được nuôi chủ yếu trên sông Gâm, sông Chừng, sông Miện và sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, việc nuôi trồng thủy sản tại tỉnh ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

10/10/2018