Mèo Vạc bảo vệ và phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG - Những năm qua, huyện Mèo Vạc luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT - XH. Cũng chính từ BV&PTR mà cuộc sống của người dân gắn với rừng đã, đang từng bước thay đổi đáng kể. Qua đó, nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
Với vai trò là Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng tổ quần chúng bảo vệ rừng Phố Mỳ thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, huyện Mèo Vạc, thời gian qua anh Hoàng Lão San và các thành viên trong tổ đã tích cực cùng với người dân nắm bắt tình hình, phân công lịch trực, tuần tra để bảo vệ rừng đầu nguồn. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù số tiền chi trả không nhiều, nhưng các thành viên trong tổ luôn tích cực tham gia tuần tra rừng không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa việc giữ lại màu xanh của những cánh rừng, góp phần giữ gìn nguồn sinh thủy, đảm bảo có nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất đã tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên trong tổ giữ rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc tuần tra bảo vệ rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. |
Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc luôn chủ động phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, chủ rừng trên địa bàn huyện. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại các khu vực trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, phá rừng, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và chi trả DVMTR. Trong năm 2024, theo kiểm tra, rà soát diện tích rừng được chi trả từ chính sách DVMTR trên địa bàn huyện Mèo Vạc là trên 23 nghìn ha. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, hàng năm rà soát, kiện toàn 18 đội xung kích phòng, chống chữa cháy rừng xã, thị trấn với 449 thành viên, 199 tổ quần chúng bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên diện tích rừng của huyện luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, không xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép và không để xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Hàng năm, nhờ được đầu tư, hỗ trợ tiền công trồng, chăm sóc , bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo, chi trả DVMTR rừng, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác BV&PTR. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ đó diện tích rừng trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên từng năm cả về số lượng và chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc cho biết: “Thời gian qua bằng nguồn tiền DVMTR đã góp phần lớn vào công tác BV&PTR của huyện. Hàng năm diện tích rừng đủ điều kiện để đưa vào chi trả bằng nguồn DVMTR được giữ ổn định. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác BV&PTR của các cấp chính quyền, các ban, ngành và các đơn vị sử dụng, cung ứng DVMTR; đặc biệt là trong công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Ngoài việc tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư với chủ rừng và chính quyền địa phương, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng được tốt và thường xuyên hơn”.
Có thể thấy, nhờ hưởng lợi từ rừng nên nhận thức của người dân về bảo vệ rừng đã được nâng lên từng ngày, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng cao, để có được kết quả giữ rừng tốt như hiện nay, có phần không nhỏ từ các thôn làng, cộng đồng, người dân cùng chung sức, đồng lòng tham gia bảo vệ rừng; nguồn tiền chi trả DVMTR trở thành nguồn thu nhập ổn định, tạo động lực cho bà con giữ rừng.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc