Thị trấn Yên Phú khắc phục hậu quả thiên tai
BHG - Trong những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) có mưa to kèm theo gió lốc làm thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hiện cấp ỦY, chính quyền và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Với phương châm chủ động “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, những ngày này, cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân thị trấn Yên Phú và nhất là những hộ dân trong vùng lũ đi qua đã, đang tập trung phát huy nội lực, chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Lãnh đạo thị trấn Yên Phú thăm hỏi gia đình bà Chu Thị Đáo nhà có nguy cơ bị đổ sập. |
Tận mắt chứng kiến hậu quả để lại khi trận lũ quét đi qua tại thôn Bản Sáp mới thấy sức tàn phá của thiên nhiên khốc liệt tới mức nào. Qua trận lũ lớn làm bồi lắng phù sa và cát vùi lấp trên nhiều diện tích ruộng lúa mới cấy của người dân nơi đây. Xác định rõ không thể khắc phục được trong thời gian ngắn để trồng lại lúa cho kịp thời vụ, người dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ngô trên diện tích ruộng bị vùi lấp, tận dụng tối đa đất sản xuất và chờ hết mùa mưa lũ năm nay sẽ khắc phục lại những thửa ruộng bị ảnh hưởng. Anh Nguyễn Văn Thể, thôn Bản Sáp, thị trấn Yên Phú, tâm sự: “Trận mưa lũ vừa qua đã làm những thửa ruộng 2 bên bờ suối bị thiệt hại nhiều lắm, như thửa ruộng này lúa đang chuẩn bị trổ bông đã bị vùi lấp hoàn toàn. Để đảm bảo lương thực, tiến độ gieo trồng, nhà tôi chuyển sang trồng cây ngô vào những thửa ruộng bị bùn đất vùi lấp”.
Là hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đất vào rạng sáng ngày 5.8 làm ngôi nhà của bà Chu Thị Đáo có nguy cơ bị đổ sập. Được sự giúp đỡ của người dân trong thôn, gia đình bà Đáo đã chủ động tháo rỡ nhà và dựng nhà tạm để ở, chờ sau đợt mưa lũ này với sự hỗ trợ của thị trấn Yên Phú và người dân trong thôn sẽ dựng lại ngôi nhà trên khu vực đất đảm bảo an toàn. Là gia đình khó khăn trong thôn, nên khi tháo dỡ nhà và ở lán tạm, gia đình bà đã được người dân trong thôn giúp đỡ toàn bộ về ngày công và ủng hộ thêm nhiều nhu yếu phẩm giúp ổn định cuộc sống. Rưng rưng nước mắt, bà Chu Thị Đáo, thôn Bản Sáp, thị trấn Yên Phú cho biết: “Tôi thì gần 70 tuổi sức yếu rồi và đang sống cùng người con trai cũng bị khuyết tật nên cuộc sống lại càng khó khăn. Ngôi nhà mấy đời ở vị trí gần suối đến nay sau trận lũ đã bị sụt lún có thể sập bất cứ lúc nào. Cũng nhờ có chính quyền và bà con trong xóm tháo dỡ, di chuyển tạm xuống vị trí an toàn chờ qua đợt mưa này để dựng lại nhà trên vị trí đất đảm bảo an toàn”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thể, thôn Bản Sáp trồng cây ngô vào diện tích ruộng lúa bị bùn đất vùi lấp. |
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Phú, Hoàng Thống Chiêu cho biết: “Vào rạng sáng ngày 5.8, trên địa bàn xảy ra mưa to kèm theo gió lốc đã gây ra những thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân. Có 5 hộ gia đình bị sạt lở đất đá tràn vào nhà; 7 hộ có nguy cơ sạt lở cao cần di dời ; một nhà ở bị vùi lấp. Mưa lũ cũng làm bồi lấp nhiều diện tích hoa màu của người dân, một số tuyến đường giao thông trong thị trấn bị sạt taluy âm, đứt, gẫy, sụt lún đường bê tông, hở hàm ếch sâu 2/3 mặt đường; một cầu bị gãy sập hoàn toàn. Tuy nhiên, do thời tiết vẫn diễn biến phức tạp nên hiện cấp ủy, chính quyền thị trấn Yên Phú tạm thời di chuyển những hộ bị mất nhà cửa và các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến vị trí an toàn, ổn định đời sống và các hoạt động sản xuất của người dân. Ngay sau đợt mưa này sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường; ưu tiên đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính”.
Không chỉ thị trấn Yên Phú bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trên địa bàn toàn huyện cũng đã có nhiều thôn, xã bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng. Cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Mê đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai để nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân và chủ động các biện pháp ứng phó với các loại hình thiên tai. Tiếp tục làm tốt công tác dự báo, thường xuyên cập nhật tin tức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến thời tiết để phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng tránh, ứng phó. Xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể về công tác phòng, chống thiên tai, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành, xã chủ động các biện pháp ứng phó theo chức năng nhiệm vụ, chủ động các phương tiện tham gia ứng cứu, các nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng cho công tác phòng, chống; tổ chức thăm hỏi, động viên và có giải pháp khắc phục kịp thời khi có thiên tai để nhân dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Bài, ảnh: PHI ANH
Ý kiến bạn đọc