Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Mê Hoàng Văn Vương và những kỷ niệm ngày đầu thành lập huyện
BHG - Trong những ngày cuối năm, khi cả huyện Bắc Mê đang tất bật chuẩn bị cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập huyện, chúng tôi có dịp gặp bác Hoàng Văn Vương, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Mê khóa đầu tiên. Người đã cùng Đảng bộ và Nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn và là nhân chứng lịch sử chứng kiến sự hình thành và phát triển của huyện trong suốt thời gian qua.
Tại nhà riêng, bên ly trà ấm, bác Hoàng Văn Vương bồi hồi kể về năm tháng lãnh đạo huyện trong những ngày đầu thành lập. Bác chia sẻ: “Ngày 18.11.1983, trước những yêu cầu từ thực tiễn, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 136/HĐBT về việc chia tách huyện Vị Xuyên thành hai huyện là Vị Xuyên và Bắc Mê. Khi đó, huyện Bắc Mê thuộc tỉnh Hà Tuyên bao gồm 10 xã với 2.865 hộ, 18.896 nhân khẩu của 13 dân tộc cùng chung sống. Trung tâm huyện lỵ đặt tại xã Yên Phú. Để đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, các tổ chức Đảng ở Bắc Mê cũng được thành lập tương ứng với tổ chức hành chính nhà nước; chỉ định BCH Huyện ủy gồm 15 đồng chí, trong đó có 5 đồng chí Thường vụ Huyện ủy”.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Mê Hoàng Văn Vương |
Nhớ lại những năm đầu khi huyện mới được thành lập, trong bối cảnh tình hình KT – XH cả nước gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như chưa có gì, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa am hiểu địa bàn đó là những thách thức lớn cho Đảng bộ và Nhân dân trong huyện. Cùng với công tác ổn định tổ chức bộ máy, từ ngày 10 – 11.1.1984, BCH lâm thời Đảng bộ đã tiến hành họp phiên đầu tiên, tại phiên họp này Đảng bộ xác định rõ hai nhiệm vụ chiến lược đó là: Vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ, tham gia chiến đấu coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong những năm đầu mới thành lập. Hội nghị phân tích đánh giá làm rõ những khó khăn, thuận lợi của huyện trong điều kiện hoàn cảnh vừa mới được chia tách. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thống nhất ra Nghị quyết xác định những nhiệm vụ lớn trong năm 1984.
Từ nhận thức coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước tự cân đối nhu cầu lương thực trên địa bàn huyện và hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân đạt 23 tạ/ha, ngô đạt 11 tạ/ha để đạt 8.000 tấn lương thực quy ra thóc trong năm 1984. Các cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm như: Bông, lạc, đậu tương, đậu xanh, đều tăng so với những năm trước cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Năm 1984, huyện giao nộp cho nhà nước 525 tấn lương thực. Xác định là thế mạnh của huyện là chăn nuôi đại gia súc, phong trào chăn nuôi, đàn gia súc đã được tăng cường, giá trị tổng sản lượng chăn nuôi ngày một tăng, bảo đảm nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu.
Là người chứng kiến huyện Bắc Mê qua 40 năm xây dựng và phát triển, bác Hoàng Văn Vương thật sự tự hào khi giờ đây Bắc Mê đã có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày một mở rộng, “bức tranh kinh tế” có nhiều thành tựu đáng kể. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã từng bước hình thành; các mô hình sản xuất hàng hóa, kinh tế nông, lâm nghiệp và các chuỗi giá trị sản xuất, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 56,7 triệu đồng; sản lượng cá nuôi ước đạt 21,51 tấn; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 17,29 tấn; cùng với đó là nhiều trang trại chăn nuôi được hình thành… Đó là những kết quả đáng tự hào và tạo niềm tin hy vọng về một huyện Bắc Mê giàu đẹp.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc