Phấn đấu trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh
BHG - 60 năm (15.12.1962 - 15.12.2022) đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quản Bạ. Cùng nhìn lại sự đổi mới và những thành tựu đạt được với bao niềm tự hào, tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Quản Bạ đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, khắc phục những khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, phấn đấu sớm xây dựng Quản Bạ trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh.
Một góc thị trấn Tam Sơn. |
Những ngày tháng 12, vùng cao Quản Bạ như đang khoác lên mình tấm áo mới trẻ trung, năng động. Vào ngày 15.12.1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/QĐ-CP thành lập huyện Quản Bạ trên cơ sở những xã được tách ra từ huyện Vị Xuyên thành huyện Quản Bạ. Từ đây, Quản Bạ chính thức có tên trên Bản đồ đơn vị hành chính, là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh; phía Đông giáp huyện Yên Minh; phía Tây và phía Bắc giáp huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 54,32 km đường biên giới; phía Nam giáp huyện Vị Xuyên. Ngoài những chứng tích lịch sử được lưu giữ của thời chiến như nhắc nhở những người con vùng cao về niềm tự hào của một vùng đất có truyền thống kháng chiến hào hùng thì bây giờ, bộ mặt Quản Bạ đang đổi thay từng ngày.
Đường phố rực rỡ cờ hoa chào mừng Ngày thành lập huyện. |
Từ một vùng miền núi nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Quản Bạ đã có trên 56.000 dân, gồm 12 xã và thị trấn Tam Sơn đạt đô thị loại V; với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc rất ít người như: Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pu Péo,... nền kinh tế của huyện có bước phát triển toàn diện, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, năm sau luôn cao hơn năm trước. Công tác giảm nghèo thu được nhiều kết quả quan trọng, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 53,04%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Chương trình khởi nghiệp có sức lan tỏa, tạo ý chí vươn lên làm giàu trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các thôn, bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. Mạng lưới điện nông thôn ngày càng phát triển, có trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; thực hiện Chương trình “Thắp sáng làng quê” đã có 90 tuyến đường, với 1.782 cột, bóng đèn và 306 camera an ninh nông thôn được lắp đặt từ các nguồn lực xã hội hóa.
Lãnh đạo huyện kiểm tra diện tích rau vụ Đông. Ảnh: LÊ HẢI |
Sản xuất nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa ngày càng được quan tâm. Chương trình cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng Nông thôn mới được triển khai đồng bộ, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Công tác quản lý môi trường được quan tâm thực hiện; huyện đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Dịch vụ du lịch phát triển khá, doanh thu tăng nhanh. Cải cách hành chính được đẩy mạnh thực hiện hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo thực hiện ứng dụng chuyển đổi số, đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống họp trực tuyến của huyện và 13 xã, thị trấn. Toàn huyện có 56,75% trường học đạt chuẩn quốc gia, phong trào xây dựng “Trường học tiêu biểu toàn diện” đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 98,8%. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Đồng thời, huyện cũng triển khai quyết liệt, hiệu quả việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân.
Qua đó, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đã huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng được 470 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Toàn Đảng bộ hiện có 49 Chi, Đảng bộ trực thuộc; 187 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với tổng số 4.136 đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng cao. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền được nâng lên. Với những thành tích đạt được, Đảng bộ huyện Quản Bạ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002 và năm 2017), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2012) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2022).
Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn những khó khăn, thách thức. Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2025, Quản Bạ là huyện phát triển khá trong tỉnh; đến năm 2030 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; đến năm 2045 là huyện phát triển của tỉnh”, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực, tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh xây dựng Nông thôn mới; tranh thủ sự giúp đỡ từ Trung ương đến địa phương để đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội... từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân về mọi mặt, để Quản Bạ ngày càng phát triển hơn.
Đỗ Văn Hùng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ
Ý kiến bạn đọc