Nơi biên cương là đây…

11:04, 29/03/2013

HGĐT - Tuyên Quang và Hà Giang được ví như hai anh em sinh đôi. Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang từng sinh ra từ Báo Hà Tuyên. Đợt này lên giao lưu với Báo Hà Giang, trong lòng cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang ai cũng háo hức. Bởi nhiều đồng chí trước kia đã từng công tác ở Hà Giang lại bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa. Còn chúng tôi là thế hệ đi sau, nhiều người cũng chỉ mường tượng Hà Giang qua bài hát “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sỹ đa tài Thanh Phúc.


Từ Thanh Thủy đến Lũng Cú

 

Gần 17 giờ ngày 22-3, đoàn chúng tôi gồm gần 20 đoàn viên thanh niên và một số đồng chí "cựu đoàn viên" do chị Ngô Thị Thu Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang làm trưởng đoàn đã có mặt tại tòa soạn Báo Hà Giang. Đi qua các địa danh Bắc Quang, Vị Xuyên, rồi giờ đây đứng ở trung tâm thành phố Hà Giang mới thấy hết sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Nói là vùng cao nhưng phố sá khá đông vui nhộn nhịp, các dịch vụ chẳng kém gì miền xuôi. Mấy năm gần đây việc tăng cường buôn bán giao thương với nước bạn Trung Quốc, người Hà Giang ngày càng năng động hơn. So với các thành phố khác, tôi cảm nhận sự phát triển trong cái thanh bình của thành phố Hà Giang. Ở các ngõ phố các cây cổ thụ còn nhiều, ôm sát thành phố với những dãy núi đá vôi toả không khí trong lành ra đô thị thung lũng.

 

Sau chén trà nóng mang dư vị đất vùng cao mà các bạn đồng nghiệp Báo Hà Giang đón tiếp khiến cái mệt của chúng tôi gần như tan biến. Các bạn nữ gần như “tỉnh hẳn” khi Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập thông báo đưa đoàn đi thăm Cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên). Giờ này cửa khẩu đã đóng cửa, không sang bên kia đất Trung Quốc để mua sắm được, song mọi người vẫn quyết đi. Ngược quốc lộ 4C tầm hơn 20 km là lên đến Cửa khẩu Thanh Thủy, hai bên đường ấn tượng với tôi là những ngôi nhà sàn lợp lá cọ của đồng bào Tày, mái cọ lợp cụp xuống rất đặc trưng cho vùng địa hình đồi núi dốc và tốc độ gió lớn.

  
Cửa khẩu Thanh Thủy đã hiện ra trước mắt chúng tôi khang trang giữa một hẻm núi, bên cạnh đầu nguồn con sông Lô chảy vào đất Việt. Ở Tuyên Quang, sông Lô hợp với sông Gâm được ví như bụng con rắn, thì sông Lô ở Vị Xuyên như đuôi con rắn, dòng chảy chỉ to hơn con suối một chút. Thời chiến tranh biên giới phía Bắc, nhiều thế hệ phóng viên Báo Tuyên Quang đã từng làm phóng viên mặt trận ở địa điểm ác liệt này. Nhà báo Đỗ Hùng và nhà báo Nguyễn Chính hiện vẫn đang công tác ở Báo Tuyên Quang thường kể cho chúng tôi nghe, khổ nhất vẫn là chuyện chuyển tin, bài, ảnh về tòa soạn. Một là gửi thư, hai là gửi ô tô, nhiều khi thư ký toàn soạn đợi “mỏi cổ” mà vẫn chưa nhận được “tin nóng” gửi về. Giờ đứng trên mảnh đất thanh bình này, hoa gạo nở đỏ thắm cả một vùng rừng núi, những ngôi nhà vùng biên không quên treo cờ Tổ quốc khiến ai cũng thấy thiêng liêng và tự hào.


 
            Nghe thuyết minh tại Khu di tích Nhà Vương (Mạnh Thái)
 

Sáng hôm sau, chúng tôi cùng Báo Hà Giang đi lên huyện Đồng Văn thăm cột cờ quốc gia Lũng Cú. Tối hôm trước, sau bữa cơm chiều là buổi giao lưu văn nghệ giữa hai chi đoàn kéo dài đến khuya nhưng dường như không thấy ai tỏ ra mệt mỏi. Nghe anh Mai Ngọc Quỳnh-Trưởng Phòng Phóng viên Báo Hà Giang nói từ thành phố Hà Giang lên trung tâm huyện Đồng Văn tầm 150 km, nhưng đường quanh co hiểm trở lắm. Nói thật, nghề làm báo đi xe ô tô nhiều tưởng không còn biết đến say xe nữa nhưng con đường xoắn vỏ đỗ đi lên cao nguyên đá khiến mọi người nao nao. Mới được non nửa đường mà nhiều phóng viên của đoàn đã thi nhau “ly vơ phun” mật xanh mật vàng. Mỗi lần tài xế đạp phanh người chúng tôi như dán vào thành xe, sức ép ly tâm khiến những gì ăn buổi sáng đều muốn lôi hết ra. Đi trên những cung đường cheo leo vùng cao, chẳng khác nào đang ngồi bên cửa sổ máy bay vậy. Mây men theo kính xe, xa xa tít tắp dưới thung thũng mênh mông là những ngôi nhà người Mông nhìn nhỏ líu xíu như... bao diêm.


 
.
Quẩy tấu một vận dụng không thể thiếu của người Mông (Lê Quang Hòa)

Phong cảnh vùng cao Hà Giang thật kỳ vĩ, cả một dải biên cương rộng lớn, đây đúng là nơi gặp gỡ giữa “đất-trời và người”. Men theo cung đường như một sợi chỉ vắt qua các sườn núi là những ngôi nhà trình tường của người Mông xuất hiện khá ấn tượng với hàng bờ rào đá. Tháng ba này mùa hoa cải vàng, màu hoa gạo đỏ, màu hoa xoan phớt trắng, những cây thông rì rào trong gió như tô điểm thêm cho những vườn ngô non chỉ hợp trồng bằng giống bản địa đang nhú lên trong từng kẽ đá. Đây cũng là xứ sở của cây đào, mận, lê xen cùng cuộc sống của con người vùng cao thanh bình với sức sống mãnh liệt trên vùng đất khó. Xe chúng tôi qua các địa danh Cổng Trời, Núi Đôi (Quản Bạ) rồi dừng lại ở Khu di tích Nhà Vương (Vua Mèo) cũng vào lúc xế trưa. Quần thể khi di tích 2.0002 này được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX với lối kiến trúc Trung Quốc hướng nhìn ra "chợ lùi" (tuần này họp chợ vào thứ sáu, thì tuần sau vào thứ năm) và thung lũng xã Sà Phìn (Đồng Văn) rất đẹp, cách biên giới Việt –Trung không xa. Cô hướng dẫn viên Vương Thị Chở, cháu đời thứ tư của vua Mèo Vương Chính Đức giới thiệu cho đoàn biết về lịch sử, kiến trúc và sự tự trị ở bốn huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc trong thời Pháp thuộc của dòng họ Vương. Ông Vương Chính Đức là bố đẻ của vua Mèo thứ hai là Vương Chí Sình. Sau này ông Sình theo Bác Hồ về Hà Nội công tác được Bác nhận anh em kết nghĩa và đặt tên là Vương Chí Thành, trở thành đại biểu Quốc hội. Ngôi nhà Vương xây dựng trong 9 năm bằng vật liệu đá, gỗ thông đá, ngói ống, ngói máng có giá trị 15 vạn đồng hoa xèo, tương dương 150 tỷ đồng, bây giờ là di tích quốc gia, điểm dừng chân lý thúkhông thể bỏ qua của khách du lịch thập phương.

 

Rời khu di tích nhà Vương, nhớ những bóng cây sa mộc (loại cây ưa khí hậu lạnh) hàng trăm năm tuổi vẫn vươn lên trời cao, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên đồn biên phòng Lũng Cú. Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú cùng anh em trong đồn rất xúc động khi hai chi đoàn báo lên thăm tặng bức ảnh “Lán Nà Nưa”. Chị Ngô Thị Thu Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang cũng không giấu nổi cảm xúc của mình. Chị đã từng là phóng viên Báo Hà Tuyên, nhưng chưa một lần được đặt chân đến Lũng Cú. Đến nơi địa đầu của Tổ quốc không chỉ là niềm mơ ước bấy lâu của chị mà còn là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là các bạn đoàn viên thanh niên Báo Tuyên Quang.

 

Tạm biệt các anh ở Đồn biên phòng trong sự bịn rịn lưu luyến, đoàn chúng tôi lên thăm cột cờ quốc gia Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng thời thời nhà Lý, qua thời Pháp thuộc, đến năm 2010 mới được đầu tư tu sửa khá hoành tráng. Trên đỉnh ngọn núi Rồng có độ cao 1468,73 m so với mực nước biển, ngọn cờ đỏ sao vàng rộng 54 m đại diện cho 54 dân tộc anh em đang hiên ngang tung bay trước gió. Cả đoàn leo lên đài quan sát cao hơn 30 m cách mặt đất trên thân cột cờ, cùng hát vang bài Quốc ca hùng tráng trong cái linh thiêng của đất trời. Đúng là nơi biên cương là đây, điểm đầu cực Bắc Tổ quốc ta là đây và công viên địa chất toàn cầu cũng là đây.

 

Qua Mã Pì Lèng tới chợ phiên Mèo Vạc

 

Con đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc chừng 20 km nhưng chúng tôi ngỡ như là xa lắm, bởi xe phải đi chậm vì đường đèo dốc hiểm trở. Qua đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu xa tít, sông Nho Quế như một dải lụa mềm. Đây là cảm hứng bất tận cho các "phó nháy" của hai báo trổ tài. Hôm nay lên vùng cao cũng may mắn cho đoàn trời nắng nhẹ, rất thuật lợi cho việc chụp ảnh. Chứ cứ đi vào mùa đông, ruộng bậc thang lúa chín, mùa tam giác mạch đẹp đấy nhưng sương răng mù trời. Chúng tôi dừng xem tấm biển ghi dấu con đường này là do dân công của các tỉnh Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái và Hải Dương, Nam Định phải mất gần 7 năm ròng rã (1959-1965) mới mở thông đường. Riêng dốc Mã Pì Lèng công nhân đã phải buộc dây treo mình trên vách gần một năm trời để phá đá. Con đường đi đối với người dân vùng cao Hà Giang là mơ ước bao đời nên nó được mang tên “Con đường hạnh phúc”.

 
     
     Dãy hàng bán lưỡi cày thu hút nhiều bà con đến mua (Lê Quang Hòa).

    
Nếm thử rượu ngô nét văn hóa độc đáo của chợ phiên huyện Mèo Vạc (Lê Quang Hòa).


Cuối giờ chiều chúng tôi cũng đến được trung tâm huyện Mèo Vạc nằm trong một thung lũng đá vôi khá thanh bình. Chuyện xây nhà ở vùng cao không dễ chút nào, thế mà giờ các đô thị trung tâm vùng cao nhà xây mọc lên san sát. Trên những con đường hoa ban tím nở rực cả một góc phố. Người dân bản địa ở đây cho biết, đây là những cây hoa ban do tỉnh Sơn La gửi tặng nhưng về đất này do thời tiết nên hoa có sắc tím. Buổi tối đoàn chúng tôi ngủ tại nhà khách của huyện Mèo Vạc, các anh báo Hà Giang bảo hôm nay tất cả các nhà nghỉ, khách sạn ở đây đều kín phòng rồi. Du lịch vùng cao giờ hút khách thật, nhiều doanh nghiệp ở rất xa cũng “mò” đến đây đầu tư xây dựng nhà hàng lịch sự, sạch sẽ, rộng rãi, khang trang. Đêm ngủ lại Mèo Vạc thật yên tĩnh với không khí trong lành. Buổi sáng đánh thức chúng tôi dậy bằng những tiếng hót chim họa mi của người Mông nuôi khá nhiều ở đây.


 

Dắt lợn xuống chợ phiên Mèo Vạc bán (Lê Quang Hòa).



Đợt này may mắn cho đoàn chúng tôi lên Mèo Vạc đúng vào chợ phiên ngày chủ nhật, chợ hàng ngày thì ở thị trấn lúc nào cũng có.
Từ sáng sớm, bà con từ các bản trên các sườn núi cao đổ về thị trấn ngày một đông với đủ sắc màu dân tộc, nhưng chủ đạo vẫn là người Mông. Chợ phiên Mèo Vạc đã thực sự cuốn hút đoàn nhà báo chúng tôi với các mặt hàng vùng cao như quẩy tấu, rau cải, xu xu, măng rừng, bí non, dao, lưỡi cầy và hai dãy hàng bán rượu ngô dài dằng dặc. Ai muốn mua đều có thể nếm thử, nếu nếm đủ cả dãy chắc nhiều người say không về được. Ở Hà Giang, trung bình mỗi huyện có hai loại rượu ngon trở lên và uống vào thì khó mà quên được dư vị của nó. Ngoài chợ bò, người ta còn mang cả ngựa, dê, lợn, chó, mèo, gà…xuông đây bán. Những con lợn mũm mĩm, có dây chạc buộc chéo qua người cứ nằm ngủ ngoan dưới chân chủ. Chắc lợn đi bộ nhiều quá giờ đã thấm mệt, nhiều con không đi được nữa, người ta phải cắp nách. Thế là “lợn cắp nách” như là thương hiệu của vùng cao.

 


                      Chụp hình ở Núi Đôi Quản Bạ (Mạnh Thái)

Chúng tôi rời Mèo Vạc, đi xuyên qua Yên Minh rồi dừng chân ăn trưa ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Rượu ngô Thanh Vân ở đây ngon thật, nhà báo Nguyễn Chính hôm nay rất vui, ông uống khá bốc, chắc là do chụp được những khuôn hình ưng ý. Trên đường trở về Tòa soạn Báo Hà Giang, chúng tôi được nghe Bí thư Chi đoàn Báo Hà Giang Nguyễn Huy Toán rôm rả kể về chuyện nghề. Anh cho biết, lên công tác các huyện vùng cao phải ở một tuần mới bõ công đi. Báo Hà Giang phân công phóng viên phụ trách lĩnh vực chỉ là tương đối, phụ trách địa bàn phải “ôm” hết mọi việc. Cả Tòa soạn có mười mấy phóng viên phải căng ra một địa bàn đồi núi rộng lớn như thế. Một huyện trên này có diện tích bằng cả một tỉnh dưới xuôi đấy.

 

Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, phóng viên Báo Hà Giang về chuyến đi nhiều ý nghĩa và cảm xúc này. Chén rượu ngô tiễn đoàn thoang thoảng hương sắc vùng cao như muốn níu chúng tôi ở lại...


Ghi chép: Lê Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình, kịp thời khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa đá, gió lốc
HGĐT - Đêm 26 và đến hết trưa ngày 27.3 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Quang Bình đã xảy ra hiện tượng mưa đá, kèm theo gió lốc cục bộ, làm thiệt hại khá lớn về tài sản và hoa màu của nhân dân.
29/03/2013
Quang Bình, Bắc Quang: Nhiều xã bị thiệt hại do gió lốc và mưa đá bất thường
HGĐT- Đêm 26, rạng ngày 27.3, một trận mưa đá có kèm theo lốc mạnh đã xảy ra trên diện rộng tại huyện Quang Bình. Trận mưa đá lẫn với mưa rào, đường kính hạt đá trung bình khoảng từ 1 - 2 cm, đã gây thiệt hại lớn cho nhân dân các xã Bằng Lang, Tân Trịnh và thị trấn Yên Bình.
28/03/2013
Khia Lía bừng lên sức sống mới
HGĐT- Từ huyện lỵ Đồng Văn đi xã Lũng Cú khoảng 7 km, gần đến ngã ba rẽ xã Lũng Táo và Ma Lé – Lũng Cú (con đường này rất nhiều du khách cũng như các đoàn công tác của T.Ư, địa phương đi qua khi đến với Cột cờ Lũng Cú), là địa bàn thôn Khia Lía, thuộc xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn.
28/03/2013
Mưa đá ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh
HGĐT - Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên đêm 26 và rạng sáng ngày 27.3, trên địa bàn tỉnh đã có mưa rào và dông ở nhiều nơi. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 01h30 - 4h30 sáng ngày 27.3, đã xảy ra dông mạnh, kèm theo gió lốc và mưa đá ở một số nơi
27/03/2013