Cảnh giác với lừa đảo quốc tế

10:45, 30/05/2008

Vào thời điểm internet mới bùng phát ở Việt Nam, hình thức lừa đảo phổ biến chỉ là những e-mail kể khổ xin tiền, rồi đến giai đoạn bùng phát tin báo "trúng số" hay trò huy động vốn siêu lãi suất. Nay, tội phạm quốc tế đã và đang áp dụng những trò lừa mới tinh vi hơn rất nhiều...


 Bày binh bố trận

Giữa năm 2006, anh Nguyễn Quốc B., một nhân viên môi giới bảo hiểm ở TP.HCM, bất ngờ nhận được e-mail của một người xưng là Abubaca Ali, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng châu Phi (Bank of Africa - BOA) có trụ sở đặt tại Senegal. Abubaca Ali tiết lộ thông qua công việc mà anh ta nắm được chi tiết tài khoản tại BOA của một doanh nhân người Ai Cập tên Hazim Ibrahim, vừa thiệt mạng trong một tai nạn máy bay. Trong tài khoản này có đến 22,3 triệu USD mà khi còn sống, Hazim Ibrahim dùng để kinh doanh vàng và kim cương. Cuối thư, Ali gợi ý nếu B. "hợp tác làm ăn" thì anh ta sẽ bày cách để BOA chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của Hazim Ibrahim sang tài khoản của B. một cách hợp pháp, rồi thỏa thuận chia nhau!

Những tài liệu giả liên quan đến vụ lừa do anh B. cung cấp

Vốn biết tiếng Anh và đã nghe qua những trò lừa đảo trên mạng, B. muốn thử khám phá sự việc xem sao. Theo gợi ý của Ali, B. viết một đơn đề nghị phong tỏa tài khoản của doanh nhân Hazim Ibrahim với lý do đây là tài khoản mở chung của hai người dùng để kinh doanh, gửi trực tiếp cho BOA. 2 ngày sau B. nhận được e-mail  hồi âm của BOA, yêu cầu B. khai chi tiết mối quan hệ với Hazim Ibrahim vào một form định sẵn gồm 15 câu hỏi rõ ràng, từ tên chủ tài khoản, số tài khoản, nhân thân chủ tài khoản (tên vợ, con của Hazim Ibrahim), số tiền... Cầm bản khai quá chi tiết này, B. bắt đầu hoài nghi chính mình vì "có vẻ như tài khoản này là có thật" và mail qua hỏi thăm thông tin từ Ali.

Nhận mail của B., Ali không quá vồ vập, chỉ hứa sẽ cố gắng tìm cách thu thập thông tin. Hôm sau B. nhận được mail của Ali với đầy đủ các thông tin cần thiết kèm theo lời dặn "phải tuyệt đối giữ bí mật, vì đây là thông tin nội bộ của ngân hàng, nếu lọt ra ngoài sẽ bị tù". Đến đây thì B. gần như đã bị chinh phục.

* Theo luật sư Lê Thành Kính, nếu đã bị lừa, nạn nhân nên quên số tiền mất đi và coi đó như học phí cho sự trưởng thành. Bởi muốn đi kiện cũng không có bằng chứng, vì bản thân những câu chuyện là không có thật, các chứng cứ thu thập từ vụ việc cũng là "đồ giả", bọn tội phạm ẩn sau bức màn internet không để lại dấu vết gì, còn tài khoản chúng mở ở ngân hàng, hay địa chỉ để nhận tiền đều dùng giấy tờ giả, sau khi "hạ màn" là chúng xóa đi ngay... "Nói chung tất cả đều là giả, chỉ trừ số tiền của nạn nhân gửi đi là thật. Vì thế, có muốn kiện cũng khó. Trường hợp có thu được bằng chứng thật thì việc đeo đuổi một vụ kiện ở nước ngoài không hề dễ chịu, chi phí đi kiện có khi gấp mấy lần số tiền bị lừa" - luật sư Kính phân tích và khuyến cáo: "Cần phải hiểu là không cái gì từ trên trời rơi xuống. Vì thế tốt nhất khi nhận được những e-mail dạng này, người nhận nên tỉnh táo mà xóa chúng ngay để khỏi tiền mất tật mang".

* Lời khuyên của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc phòng chống lừa đảo qua mạng:

- Hãy tìm hiểu xem người mà ta sắp làm ăn là ai.

- Để tránh bị mất mát, chớ chạy theo đám đông.

- Khi đã bị lừa đảo, chớ tiếc của để rồi lao thêm vào vực sâu.

Bốn ngày sau khi bản khai chi tiết gửi đi, B. nhận được hồi âm của BOA, cho biết ngân hàng này chấp nhận phong tỏa tài khoản của Hazim Ibrahim, đồng thời sẽ chuyển số tiền đó sang tên B. do anh đã chứng minh được mối quan hệ. BOA còn cẩn thận gửi trả B. một bản sao tờ khai chi tiết 15 câu hỏi, có con dấu, các chữ ký của chức sắc BOA hẳn hoi. Tuy nhiên, BOA yêu cầu B. phải có giấy chứng nhận hợp pháp của Tòa án tối cao Senegal (tương đương công chứng) về việc B. là người đã thực hiện toàn bộ các giao dịch này, để tránh những trường hợp khiếu nại về tài khoản của Hazim Ibrahim sau khi đã chuyển sang tên B. Đặc biệt, BOA cho biết tất cả các giao dịch trên chỉ thực hiện trong 48 tiếng đồng hồ, nếu quá hiệu lực sẽ tự hủy bỏ!

B. đang phân vân chưa biết làm sao thì Ali lại xuất hiện như có "thần giao cách cảm", gợi ý B. nên bay ngay sang Senegal để ký vào giấy chứng nhận của tòa án, hoặc ủy quyền cho một đại diện hợp pháp để ký vào các giấy tờ cần thiết. Tất nhiên, với khoảng thời gian hạn hẹp 48 giờ, phương án thứ nhất không thể thực hiện được. Còn nếu đồng ý cách thứ hai, Ali cho biết B. sẽ phải trả phí cho người được ủy quyền 3.275 USD. Trong câu chuyện, Ali luôn vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng sau 48 giờ nữa, khi anh ta và B. chia nhau số tiền hơn 23 triệu USD. "Ai nghe đến thế mà không bị ma lực đồng tiền làm mờ mắt" - B. lý giải nguyên nhân sập bẫy của mình.

"Con gái triệu phú"

Giữa tháng 4.2008, anh T.K nhận được e-mail  của một cô gái tên Anne Bates. Trong mail, Anne kể cha cô vừa mất trong một tai nạn (có thể kiểm chứng thông tin này trên các hãng thông tấn CNN, BBC), để lại một gia tài 16,7 triệu USD trong một công ty ủy thác tài chính ở Bờ Biển Ngà. Lấy lý do chính trị, và đặc biệt là việc một người chú đang quyết tâm giành gia tài của cha mình để lại, Anne muốn chuyển số tiền này sang một nước khác, và tất nhiên sẽ "hậu tạ" nếu K. giúp cô làm việc này.

Những tài liệu do anh K. cung cấp

Bán tín bán nghi, K. gửi một loạt các câu hỏi để kiểm chứng nhân thân, lý lịch của Anne và cả việc số tiền trên có thực hay không. Không chút chần chừ, Anne e-mail  hồi âm ngay hình ảnh cá nhân, passport kèm giấy chứng thực của công ty ủy thác tài chính... Ly kỳ hơn, chính Anne đã lên mạng và trực tiếp nhiều lần điện thoại từ số + 22055...  để thuyết phục K. giúp đỡ. Anne cũng "thật thà" cho rằng từ nhỏ cô chỉ biết ăn chơi, không rành pháp lý nên đã ủy quyền toàn bộ công việc cho người đại diện tên Anthony. Phần còn lại của kịch bản cũng gần giống như trường hợp anh B. Theo hướng dẫn của Anthony, K. phải gửi thư yêu cầu trực tiếp đến công ty đang giữ tiền, điền vào form xác minh mối quan hệ với Anne theo yêu cầu của công ty và cuối cùng là "điệp khúc" phải có giấy công chứng của tòa án Bờ Biển Ngà. Kết cục, K. đi đứt 800 USD để đóng các khoản phí và trả công cho "người được ủy quyền công chứng" ở Bờ Biển Ngà!

Việt Nam trong tầm ngắm tội phạm

Tháng 4.2008, Báo Thanh Niên đưa tin cảnh sátTây Ban Nha vừa bắt 87 nghi can Nigeria, bị tình nghi liên quan tới đường dây lừa đảo hàng triệu USD qua mạng internet và bưu điện. Bằng thủ đoạn mỗi ngày gửi khoảng 15.000 thư với nội dung thông báo người nhận đã trúng hàng triệu USD của một công ty xổ số tại xứ bò tót, đồng thời yêu cầu những người trúng giải đóng khoảng 1.400 USD để làm thủ tục nhận thưởng, bọn lừa đảo đã bỏ túi khoảng 32 triệu USD của hàng ngàn người nhẹ dạ ở Mỹ và một số nước châu Âu... Đây cũng chính là thủ đoạn lừa qua mạng mà bọn tội phạm đã và đang áp dụng với người Việt Nam. Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết ông đã nghe rất nhiều trường hợp là nạn nhân của trò lừa đảo qua mạng này. "Lúc đầu nó xuất phát từ Nigeria, nhưng sau khi báo chí cảnh báo nhiều thì hiện nay các thư này đã chuyển xuất xứ sang Anh, Hồng Kông và một số quốc gia, lãnh thổ khác. Nội dung thường là thông báo trúng số, nhờ giúp đỡ chuyển một khoản tiền do cha mẹ chết để lại nhưng muốn chuyển khỏi ngân hàng... Ngay bản thân tôi cũng nhận rất nhiều e-mail  dạng này" - luật sư Kính nói.

Điều đáng sợ là có vẻ như bọn tội phạm đang nhắm tới Việt Nam như một "thị trường" béo bở. Giữa tháng 5.2008, thông qua anh K., chúng tôi đã trực tiếp liên lạc bằng e-mail  với Anthony và Anne. Khi chúng tôi nói rằng đang nhờ công an điều tra vụ lừa đảo này, bọn chúng tỏ vẻ thách thức "có nằm mơ Interpol cũng không thể lần ra dấu vết của tụi tao". Đến khi chúng tôi vờ đề nghị "hợp tác làm ăn tại Việt Nam", thì Anthony và Anne đồng ý ngay. Theo lời Anthony, tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan đều đã có chân rết của chúng, để khi cần sẽ đến gặp "con mồi" nhằm củng cố lòng tin. Anthony cũng khẳng định Việt Nam đang là nơi bọn chúng nhắm vào vì tốc độ phát triển internet rất cao và nhiều người chưa hiểu nhiều về công cụ thông tin này. Tuy vậy, trước khi kết thúc buổi trao đổi, bọn chúng không quên yêu cầu: muốn hợp tác, được truyền nghề đầy đủ thì phải chuyển ngay 600 USD "học phí"!


ThanhNien

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vụ án lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang - bài học về tinh thần trách nhiệm
(HGĐT)- Vừa qua, TAND tỉnh mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai đối với các bị cáo Lê Trường Giang, cán bộ Công ty TVTK nông - lâm thủy lợi Hà Giang; Nguyễn Đức Bình, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp và Trần Quang Thái, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang, với tội danh vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 2, điều 175, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà XHCN
27/05/2008
Người mẹ - con trai và âm mưu tội ác
Người phụ nữ ấy cúi gằm mặt khi nghe cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố mình về tội che giấu tội phạm. Mới gần 40 tuổi nhưng cú sốc tinh thần đã khiến chị suy sụp. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má đã sạm lại vì nắng mưa đồng ruộng.
26/05/2008
“Dẫn vợ”… bán thẳng ra nước ngoài
Lợi dụng phong tục "dẫn" vợ về ra mắt nhà trai của đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một số chủ chứa ở bên kia biên giới đã tìm cách "bắt tay" với những thanh niên người dân tộc lười lao động nhưng ham tiền để đến những vùng sâu, vùng xa, vờ đi tìm vợ rồi đưa các sơn nữ ra nước ngoài bán.
23/05/2008
Tiền giả về Việt Nam như thế nào?
Tiền giả được sản xuất tại Đài Loan, được nhóm tội phạm người Trung Quốc do Vương Sĩ Hùng cầm đầu tổ chức đưa về Bằng Tường - Quảng Tây cất giấu. Quách Kim Hoa được phân công chuyển tiền giả từ Bằng Tường vào Việt Nam. “Hàng” thường được bọn chúng giấu kỹ trong hộp sữa bò, đầu VCD, nồi cơm điện hoặc bó vào cơ thể…
22/05/2008