Nguyễn Lâm Thái bị phạt ngồi tù 26 năm

08:41, 22/05/2008

Sau hơn 2 tuần nghị án, sáng 21/5/2008 Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND tỉnh Đồng Nai vụ án Nguyễn Lâm Thái và 45 đồng phạm đã tuyên án. Mặc dù buổi khai mạc và quá trình thẩm vấn, tranh tụng, phiên tòa được tổ chức khá chu đáo nhưng trong buổi tuyên án thì ngược lại. Đặc biệt, trong bản án tuyên, HĐXX "quên" tuyên án đối với 6 bị cáo nguyên là cán bộ bưu điện, phải đến khi các bị cáo này thắc mắc thì mới được tuyên bổ sung.


6 bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, hình phạt

Theo bản án của HĐXX tuyên, Nguyễn Lâm Thái, nguyên Giám đốc Tập đoàn CIP nhận 26 năm tù về 2 tội lừa đảo và trốn thuế. Riêng tội lưu hành giấy tờ có giá giả, HĐXX đã loại bỏ vì cho rằng hành vi này thuộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

k g
Nguyễn Lâm Thái.

Đối với các bị cáo Vũ Anh, Vũ Công Đại, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Vi Thành, Nguyễn Quang Huy và Phạm Văn Tiến, nguyên là những giám đốc do Thái dựng lên, tòa tuyên phạt từ 5 năm đến 7 năm 6 tháng tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế. Hai bị cáo Đặng Thị Thu Hà và Lê Thanh Hùng bị tuyên phạt 3 năm và 5 năm tù về tội trốn thuế. 

Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, nguyên
Giám đốc Công ty TNHH  Thương mại Kỹ thuật Việt Thông được tuyên 1 năm 10 ngày tù và tuyên bố trả tự do tại tòa vì thời gian tạm giam đã bằng thời gian án tuyên.

Đối với 3 bị cáo bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là Nguyễn Văn Thức, nguyên Giám đốc Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính, Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên cán bộ Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính và Trương Hồng Khoa, nguyên cán bộ Chi cục Thuế quận Đống Đa - Hà Nội, HĐXX tuyên từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với nguyên 33 cán bộ ngành bưu điện bị VKSND Tối cao truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo HĐXX, hành vi của họ chỉ là vô ý nên có cơ sở để chuyển tội danh từ "cố ý làm trái" sang "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Mô tả ảnh.
                     Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Trong số 33 bị cáo này, chỉ có 3 bị cáo Nguyễn Hoàng Nhân, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Ninh Thuận lãnh án 3 năm 6 tháng tù; Lê Quang Trung, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu 2 năm tù và Nguyễn Tứ Dũng, nguyên Trưởng phòng Kế toán Bưu điện tỉnh Bạc Liêu 1 năm 8 tháng tù .

24 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 1 năm 8 tháng đến 3 năm tù treo.

6 bị cáo nguyên là cán bộ bưu điện được miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt gồm: Nguyễn Trường Canh, nguyên Giám đốc Bưu điện Bình Thuận; Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó trưởng phòng kế toán  Bưu điện Cần Thơ; Lê Hoài Chương, nguyên Phó phòng Tài chính kế toán Bưu điện Ninh Thuận; Đỗ Chí Thiện, nguyên Phó phòng đầu tư xây dựng cơ bản Bưu điện Ninh Thuận; Đinh Công Bửu, nguyên Phó phòng kế hoạch Bưu điện Bình Định và bị cáo Võ Hữu Thanh, nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Bưu điện An Giang.

Giá trị thiệt hại không thay đổi

Theo nhận định của HĐXX, mặc dù các bị cáo đều cho rằng việc tính thiệt hại trong vụ án này là chưa đúng, nhưng HĐXX cho rằng phương pháp tính và cách tính của Tổ giám định, VKS là đúng, chính xác, nên giữ nguyên mức thiệt hại như cáo trạng đã quy kết.

Về tội danh, tại phiên tòa, Nguyễn Lâm Thái đã không thừa nhận hành vi gian dối mà cho rằng việc mua bán thiết bị với các bưu điện là thuận mua vừa bán. Luật sư bào chữa của Thái cũng cùng quan điểm này và cho rằng Thái không phạm tội lừa đảo. Tuy nhiên, theo HĐXX, Thái đã lường tính, sử dụng thủ đoạn tinh vi để ký được 110 hợp đồng kinh tế với 27 bưu điện và công ty trực thuộc VNPT, tổng trị giá hơn 37 tỉ đồng, chiếm đoạt tổng cộng hơn 24,3 tỉ đồng.

Từ năm 1999 đến năm 2005, Nguyễn Lâm Thái đã trực tiếp chỉ đạo thành lập các công ty TNHH, sau đó sử dụng các công ty này trong việc quan hệ, giao dịch, ký hợp đồng bán vật tư, thiết bị cho các bưu điện, thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm lừa đảo bưu điện các tỉnh để chiếm đoạt tài sản.

d c
Cảnh chờ tuyên án bên trong và ngoài phòng xử.

Nguyễn Lâm Thái đã sử dụng pháp nhân của các công ty để mua hoá đơn GTGT khống, hợp thức hoá thiết bị, vật tư không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua ở thị trường; tạo dựng, sửa chữa công văn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và kết luận, trả lời về thẩm định giá của Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính; sử dụng báo giá, hợp đồng đã ký với bưu điện khác để quan hệ, tạo lòng tin khi ký hợp đồng, chào bán hàng với bưu điện các tỉnh.

Nguyễn Lâm Thái còn có những hành vi gian dối khác để gây ảnh hưởng với các bưu điện nhằm ký được hợp đồng, bán hàng với giá đã nâng khống cho các bưu điện.

Nguyễn Lâm Thái còn sử dụng pháp nhân của các công ty do Thái thành lập, chỉ đạo Đặng Thị Thu Hà (kế toán), Phạm Văn Tiến, Vũ Công Đại, Vũ Ngọc Hoan, Vũ Anh, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Vi Thành (giám đốc các công ty) mua 82 hoá đơn GTGT khống của Lê Thanh Hùng và Nguyễn Tiến Dũng. Nguyễn Lâm Thái và các bị can đã sử dụng 78 hoá đơn GTGT khống để kê khai đầu vào trốn thuế tổng số tiền hơn 3,2 tỉ đồng.

Các bị cáo Nguyễn Văn Thức, Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trương Hồng Khoa đã không làm hết trách nhiệm được giao, làm mất niềm tin, uy tín của cơ quan Nhà nước gây thất thoát tài sản.

Trong thời gian từ tháng 10/1999 đến tháng 4/2005 bưu điện các tỉnh: An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Thuận, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Long An đã ký kết 169 hợp đồng kinh tế để mua các loại vật tư thiết bị có tổng trị giá hàng hoá hơn 47,3 tỉ đồng với một số Công ty TNHH do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu, gây thiệt hại hơn 37 tỉ đồng.

b a
Giải các bị cáo về trại giam.

Trong quá trình giao dịch, quan hệ ký các hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái và các công ty của Thái, bưu điện các tỉnh nói trên đã không chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng. Giám đốc nhiều bưu điện đã quan hệ, giao dịch thoả thuận việc đầu tư, mua sắm trang, thiết bị trước với Nguyễn Lâm Thái, thậm chí mua, lắp đặt trang, thiết bị trước, sau đó mới ký hợp đồng để hợp thức.

Nhiều bưu điện không có quyết định đầu tư hoặc có quyết định đầu tư nhưng nội dung của quyết định không đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ các quy định của Quy chế Đấu thầu, không có báo giá, khảo sát giá thị trường mà căn cứ vào báo giá và văn bản thẩm định giá do bên bán hàng tạo dựng và cung cấp, không tổ chức chào hàng cạnh tranh mà thực hiện mua sắm trực tiếp, trái Quy chế Đấu thầu.

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của các bị cáo là không cố ý (như cáo trạng của VKS) nên HĐXX có đủ cơ sở để xử phạt 33 bị cáo nguyên là cán bộ bưu điện về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Để tránh việc sót người, lọt tội, HĐXX đã kiến nghị VKSND Tối cao, Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm các cá nhân và một số bưu điện để truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Sau khi phiên tòa kết thúc, Nguyễn Lâm Thái tuyên bố sẽ chống án đến cùng về cáo buộc bị cáo lừa đảo.


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tòa án nhân dân huyện Quản Bạ xét xử công khai lưu động vụ án cố ý gây thương tích
(HGĐT)- Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Quản Bạ tổ chức xét xử công khai lưu động sơ thẩm vụ án hình sự cố ý gây thương tích cho người khác tại xã Đông Hà.
30/04/2008
Xử phúc thẩm vụ sát hại sinh viên Trường VHNT Quân đội
Sáng 28/4, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hình sự về tội Giết người, cướp tài sản và cướp giật tài sản xảy ra ở khu Công viên hồ Thành Công, và Trường tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội. Nhiều người dân đã đến tham dự phiên tòa.
30/04/2008
Bắt khẩn cấp 1 Giám đốc mua bán trái phép chất ma túy
Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Nông đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và bắt khẩn cấp đối với Hà Anh Tuấn (là kỹ sư, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiểm định xây dựng số 2, đóng tại phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa) về tội sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy.
29/04/2008
Bắt nhóm người chuyên dùng “thuật thôi miên” để ăn cướp
Nhóm người này vào nhà nào thì nhà đấy cứ đứng yên để mặc chúng khuân hết tài sản lên xe ôtô chở đi...
28/04/2008