Vụ án lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang - bài học về tinh thần trách nhiệm

08:03, 27/05/2008

(HGĐT)- Vừa qua, TAND tỉnh mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai đối với các bị cáo Lê Trường Giang, cán bộ Công ty TVTK nông - lâm thủy lợi Hà Giang; Nguyễn Đức Bình, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp và Trần Quang Thái, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang, với tội danh vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 2, điều 175, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.


Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh: Thực hiện Quyết định 288/QĐ-TTg ngày 19.4.2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Dự án Thuỷ điện Nà Hang; ngày 24.11.2004, UBND tỉnh có Công văn 2982/CV-UB cho chủ trương khai thác gỗ tận dụng thuộc phạm vi lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang tại Bắc Mê, ghi rõ: Căn cứ mốc đường viền dâng mực nước Thuỷ điện Tuyên Quang tại huyện Bắc Mê, các chủ rừng lập hồ sơ khai thác gỗ tận dụng sẽ bị ngập nước thuộc phạm vi lòng hồ từ cốt 120 m trở xuống. Thực hiện văn bản trên, ông Nông Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc (Bắc Mê), đã ký hợp đồng giao nhận thầu khảo sát thiết kế và lập dự toán với Công ty TVTK nông - lâm thuỷ lợi. Sau khi ký hợp đồng khảo sát thiết kế, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc công ty, giao cho Lê Trường Giang, sinh 1971, cán bộ khảo sát thiết kế, thực hiện hợp đồng. Khi lập hồ sơ thiết kế, Lê Trường Giang đã xác định vị trí giới hạn nơi khai thác theo mốc của lòng hồ từ cốt 120,45 m trở xuống; diện tích khai thác 27 ha với 209 cây, tương đương 593,6m3, trong đó gỗ nhóm IIA là 451m3, nhóm V-VII là 142,32m3. Thiết kế xong, Giang trình hồ sơ và tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ lên Giám đốc ký chuyển đến Chi cục Lâm nghiệp xin thẩm định. Nhận được hồ sơ, Trần Quang Thái, sinh 1960, giao cho Nguyễn Đức Bình, sinh1976, trực tiếp thẩm định. Ngày 24.3.2005, Bình cùng Giang tiến hành thẩm định tại hiện trường và kết luận: Toàn bộ khối lượng, diện tích thiết kế khai thác đúng địa điểm, đúng diện tích theo quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó, hồ sơ được trình Hội đồng thẩm định. Dựa vào kết quả phê duyệt hồ sơ thiết kế của Hội đồng thẩm định, ngày 23.5.2005, UBND tỉnh cấp Giấy phép số 1118 cho chủ rừng xã Minh Ngọc được phép khai thác gỗ tận dụng thuộc rừng tự nhiên nằm trong khu vực lòng hồ.


Quá trình kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Cụ thể như khi thực hiện khảo sát thiết kế khai thác gỗ, Lê Trường Giang không xác định ranh giới cốt 120 m được phép khai thác dẫn đến việc đóng búa bài cây tràn lan. Tại lô 2, khoảnh 214 thiết kế lên tới cốt 172 m, vượt ranh giới cho phép 52 m; lô 4 thiết kế vượt mức cho phép 22,45 m… Quá trình thẩm định ngoại nghiệp Nguyễn Đức Bình không kiểm tra đơn vị thiết kế có xác định cốt 120 m ở phạm vi được phép khai thác hay không nhưng vẫn ký vào biên bản thẩm định. Trần Quang Thái, khi kiểm tra hồ sơ khảo sát thiết kế và biên bản kiểm tra ngoại nghiệp không phát hiện việc đơn vị khảo sát thiết kế và cán bộ thẩm định không xác định ranh giới cốt 120 theo quy định, bản đồ thiết kế khai thác vẽ sai quy định vẫn ký vào biên bản thẩm định. Điều này dẫn đến việc đơn vị khai thác đã chặt hạ 42 cây gỗ nhóm IIA với khối lượng 473,675 m3 và 28 cây gỗ từ nhóm VI-VIII nằm ngoài phạm vi khai thác. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm khoản 1, điều 22, Quyết định 04 ngày 2.2.2004 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quy chế về khai thác gỗ, lâm sản khác và Công văn 2982 của UBND tỉnh cho chủ trương khai thác gỗ tận dụng thuộc lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang. Vì vậy, Viện KSND tỉnh quyết định truy tố các bị cáo với tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng. Viện KSND tỉnh đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Lê Trường Giang từ 30-36 tháng tù giam, Nguyễn Đức Bình từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định, Trần Quang Thái 12-18 tháng tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định.


Sau một ngày xét xử công khai, căn cứ vào các tài liệu được thẩm tra và phần tranh luận tại toà, sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ, ý kiến trình bày của bị cáo, người làm chứng, luật sư, kết luận truy tố của Viện KSND tỉnh...; HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo Lê Trường Giang, Nguyễn Đức Bình, Trần Quang Thái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều là cán bộ Nhà nước, có trình độ văn hoá, chuyên môn nhất định, đã có nhiều năm công tác và thời gian tham gia quân ngũ, đáng nhẽ phải hiểu pháp luật, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm khi được cơ quan giao phó, tầm quan trọng của rừng, các bị cáo phải làm tròn nhiệm vụ cũng như chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước. Nhưng ở đây, các bị cáo đã coi thường pháp luật, không làm hết trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các quy định liên quan dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, làm thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái vùng lòng hồ thuỷ điện, vi phạm khoản 2, điều 175, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội không có động cơ cá nhân mà do trình độ non kém; hơn nữa các cơ quan chủ quản cũng thiếu kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn vi phạm của bị cáo. Với tính chất, mức độ thiệt hại các bị cáo gây ra; để bảo vệ tài nguyên rừng cũng như gỗ quý hiếm, Toà sơ thẩm TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Trường Giang 30 tháng tù giam; Nguyễn Đức Bình 24 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 35 tháng; Trần Quang Thái 16 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 29 tháng. Giao cho Chi cục Lâm nghiệp giáo dục, cải tạo Trần Quang Thái, Nguyễn Đức Bình tại cơ quan để bị cáo có cơ hội rèn luyện, phấn đấu.


Nhìn chung, dư luận cho rằng bản án đã khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng thể hiện tinh thần giáo dục, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Qua đó, các bị cáo có thể nhìn lại mình, có cơ hội phấn đấu, sửa chữa, trở thành người có ích cho xã hội. Bản án đã khép lại nhưng đó là bài học xương máu về tinh thần trách nhiệm đối với mỗi người khi thi hành công vụ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.


Thiên Thanh - Phan Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tòa án nhân dân huyện Quản Bạ xét xử công khai lưu động vụ án cố ý gây thương tích
(HGĐT)- Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Quản Bạ tổ chức xét xử công khai lưu động sơ thẩm vụ án hình sự cố ý gây thương tích cho người khác tại xã Đông Hà.
30/04/2008
Người mẹ - con trai và âm mưu tội ác
Người phụ nữ ấy cúi gằm mặt khi nghe cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố mình về tội che giấu tội phạm. Mới gần 40 tuổi nhưng cú sốc tinh thần đã khiến chị suy sụp. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má đã sạm lại vì nắng mưa đồng ruộng.
26/05/2008
“Dẫn vợ”… bán thẳng ra nước ngoài
Lợi dụng phong tục "dẫn" vợ về ra mắt nhà trai của đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một số chủ chứa ở bên kia biên giới đã tìm cách "bắt tay" với những thanh niên người dân tộc lười lao động nhưng ham tiền để đến những vùng sâu, vùng xa, vờ đi tìm vợ rồi đưa các sơn nữ ra nước ngoài bán.
23/05/2008
Tiền giả về Việt Nam như thế nào?
Tiền giả được sản xuất tại Đài Loan, được nhóm tội phạm người Trung Quốc do Vương Sĩ Hùng cầm đầu tổ chức đưa về Bằng Tường - Quảng Tây cất giấu. Quách Kim Hoa được phân công chuyển tiền giả từ Bằng Tường vào Việt Nam. “Hàng” thường được bọn chúng giấu kỹ trong hộp sữa bò, đầu VCD, nồi cơm điện hoặc bó vào cơ thể…
22/05/2008