Khẳng định thương hiệu trên vùng đất khó

10:44, 11/09/2020

BHG - Bắc Quang là 1 trong 5 huyện tham gia Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) của tỉnH.  Sau 5 năm đi vào cuộc sống (2015 – 2020), CPRP đã trở thành thương hiệu đặc biệt, tạo đổi thay tích cực tại vùng KT-XH đặc biệt khó khăn của huyện.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu được đầu tư từ Chương trình CPRP.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu được đầu tư từ Chương trình CPRP.

Chương trình CPRP được triển khai tại 29 thôn, thuộc 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang, gồm: Đức Xuân, Thượng Bình, Đồng Tiến và Tân Lập. Trên cơ sở đó, nhằm thực hiện mục tiêu: Nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo vùng nông thôn một cách bền vững. Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp vì mục tiêu hợp tác có lợi và bền vững trong môi trường kinh tế nông thôn, theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhóm cùng sở thích nuôi trâu thôn Chu Hạ, xã Tân Lập phát triển đàn gần 40 con.
Nhóm cùng sở thích nuôi trâu thôn Chu Hạ, xã Tân Lập phát triển đàn gần 40 con.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Chương trình CPRP cùng với một số chính sách, chương trình giảm nghèo khác, như: 135, Nông thôn mới (NTM), Đề án thôn Tự chủ - Tự quản, cho vay đầu tư có thu hồi,... thực sự là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân. Sau 5 năm hoạt động, tổng số hộ được hưởng lợi từ Chương trình lên đến 1.810 hộ; trong đó, hộ nghèo và cận nghèo chiếm 63%. Đồng thời, đối tượng hưởng lợi chính là hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, hộ dân tộc thiểu số. Họ được tham gia vào tất cả các hoạt động của Chương trình thông qua việc lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường, các nhóm cùng sở thích (CIG), nhóm tiết kiệm tín dụng, liên kết, hợp tác công – tư (P-PC), tập huấn nâng cao năng lực... Từ đó, giúp họ tự tin, từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Chương trình CPRP được thiết kế với 3 hợp phần chính: Xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường, đầu tư hàng hóa phù hợp với người nghèo và điều phối chương trình,… đã tác động tích cực đến nhiều phương diện của đời sống xã hội tại các xã thụ hưởng. Thực tế cho thấy, tập quán canh tác của người dân có sự chuyển biến tích cực; từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung; từ bán nguyên liệu thô sang chế biến sản phẩm, như: Cam, chè, gỗ,… giúp gia tăng sản phẩm các ngành hàng tiềm năng. Đồng thời, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng. Điển hình như sản phẩm su su của CIG trồng su su tại thôn Bản Bó, xã Đức Xuân đã có bao bì, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc khi bày bán trên thị trường. Hoặc sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời I của hộ ông Nguyễn Đức Kim, thôn Chu Thượng (xã Tân Lập) trở thành sản phẩm OCOP, kết tinh từ hợp đồng tài trợ P-PC... Bên cạnh đó, 8 chuỗi giá trị hàng hóa cấp xã, 7 chuỗi giá trị hàng hóa cấp tỉnh liên quan đến cây, con thế mạnh của địa phương, như: Lợn, dê, trâu, chè, keo, lạc,… được nâng cấp, triển khai hiệu quả. Không những vậy, tiến độ thực hiện P-PC của huyện đạt tốt, hoàn thành chỉ tiêu của cả giai đoạn với 4 P-PC cấp hộ và 3 P-PC cấp tỉnh. Qua đó, góp phần tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp/HTX/hộ kinh doanh với nông dân; bước đầu tạo thu nhập ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Không dừng ở kết quả trên, thông qua Chương trình CPRP, 31 đầu điểm công trình tại 4 xã được đầu tư xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng, gồm: 1 công trình cầu treo, 30 công trình làm mới đường bê tông nông thôn với tổng chiều dài gần 33,5 km. Kết quả này trở thành yếu tố quan trọng giúp các CIG phát triển chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi...; tiếp cận thị trường thuận lợi hơn so với trước đây khi chưa tham gia Chương trình. Từ đây, đã có 230 hộ mang được sản phẩm tiếp cận thị trường bên ngoài, 1.280 hộ dân được hưởng lợi từ các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất; trong đó, có 888 hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, qua số liệu điều tra, rà soát hộ nghèo của Phòng Lao động – TB&XH huyện, cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 13,9% (năm 2015) xuống còn 6,42%. Tốc độ giảm nghèo tại 4 xã tham gia Chương trình giảm mạnh, nhất là Thượng Bình, từ 64,52% xuống còn 35,1% với tỷ lệ giảm lên đến 29,42%. Cùng với đó, 886 hộ trong vùng Chương trình có thu nhập tăng thêm từ 10 – 17 triệu đồng/hộ/năm; góp phần nâng mức thu nhập bình quân của huyện lên 36,1 triệu đồng/người/năm (tăng 18,3 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình CPRP). 

Có thể nói, những kết quả điển hình trên chính là minh chứng sinh động khẳng định sự thành công của Chương trình CPRP nơi vùng KT-XH đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang. Sự thành công này đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo diện mạo mới cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững của huyện.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Giúp người dân thoát nghèo

BHG - Thuộc diện vùng khó khăn nhất của huyện Bắc Quang, 4 xã nghèo Đức Xuân, Thượng Bình, Đồng Tiến và Tân Lập hôm nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thành quả này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trong hành trình 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) của tỉnh. 

10/09/2020
Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

BHG - Hợp tác công tư (P-PC) là một trong những hoạt động quan trọng được thực hiện bởi Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh. Tại huyện Bắc Quang, các tiểu dự án P-PC được phê duyệt và đi vào hoạt động giúp các đơn vị kinh doanh nâng công suất hoạt động, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân; đồng thời thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

10/09/2020
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

BHG - Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tích cực triển khai nhằm hỗ trợ  chị em giảm nghèo từng bước ổn định đời sống.  

09/09/2020
Hiệu quả kinh tế từ xen canh tăng vụ

BHG - Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất cây trồng, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh được đa số người dân áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

09/09/2020