Giúp người dân thoát nghèo

16:42, 10/09/2020

BHG - Thuộc diện vùng khó khăn nhất của huyện Bắc Quang, 4 xã nghèo Đức Xuân, Thượng Bình, Đồng Tiến và Tân Lập hôm nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thành quả này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trong hành trình 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) của tỉnh. 

Nhóm CIG trồng cam thôn Cổng Đá, xã Đồng Tiến sản xuất theo hướng VietGAP.
Nhóm CIG trồng cam thôn Cổng Đá, xã Đồng Tiến sản xuất theo hướng VietGAP.

Tân Lập là xã vùng 3, có 8 thôn, 5 dân tộc cùng sinh sống và chủ yếu là người Dao. Những năm qua, nhờ nguồn lực đầu tư của T.Ư, tỉnh và huyện, đời sống của người dân đang dần được thay đổi. Song, để tìm cách giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân không phải chuyện một sớm, một chiều, do tập tục, thói quen sản xuất lạc hậu đã hằn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Năm 2015, Chương trình CPRP được triển khai vào địa bàn xã như mở đường giải quyết “bài toán” giảm nghèo tại địa phương. Cùng với nhiều hợp phần quan trọng của CPRP, xã đã thành lập được 27 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế, tạo động lực cho những người yếu thế vươn lên thoát nghèo. Vượt qua những khó khăn, trở ngại; người dân đã nỗ lực lao động, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 54,5% xuống hiện còn 32,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 11,5 triệu đồng tăng lên 17 triệu đồng/năm. 

Anh Phàn Sành Họ, Bí thư Chi bộ thôn Chu Thượng, Trưởng nhóm CIG nuôi dê, cho biết: “Nhóm CIG nuôi dê được thành lập và hoạt động từ năm 2016, gồm 10 thành viên. Hiện số lượng đàn dê của nhóm đạt 50 con. Trước kia, chúng tôi nuôi dê không có quy mô, quy hoạch và cũng không biết cách phòng bệnh, nên việc duy trì đàn rất khó. Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên trong nhóm đã biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi; vì vậy, đàn dê phát triển đều qua từng năm. Riêng nhà tôi nuôi được 11 con dê sinh sản, mỗi năm bán ít nhất 8 con; thu về khoảng 15 triệu đồng. Tôi thấy đất đai rộng, nguồn cỏ tự nhiên ở đây khá dồi dào; nếu bà con tập trung vào chăn nuôi dê sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn và đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực của thôn”.

Đối với xã Đức Xuân, thành lập được 25 nhóm CIG với hơn 250 thành viên tham gia, tỷ lệ nữ giới chiếm 30%. Trong đó, 17 nhóm được nhận nguồn tài trợ của Chương trình CPRP, tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Từ khi triển khai, các nhóm CIG đã phát huy hiệu quả hoạt động; đặc biệt là nhóm nuôi trâu, lợn đen, trồng chè Shan tuyết, trồng lạc. Chị Triệu Mùi Ghến, Trưởng nhóm CIG nuôi lợn đen thôn Xuân Minh, chia sẻ: “Năm 2017, nhóm được thành lập dựa trên cơ sở được bàn bạc, thống nhất; chúng tôi quyết định sử dụng nguồn vốn trên 100 triệu đồng để luân chuyển cho các thành viên vay mua con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên việc tái đàn thận trọng hơn; tổng đàn lợn của nhóm hiện có gần 100 con. Ngoài tận dụng cám bã, các thành viên trồng thêm rau lang để tạo nguồn thức ăn cho lợn. Năm nay, giá lợn tăng cao, các hộ đều có lợn bán ra thị trường; riêng nhà tôi xuất 2 lứa lợn giống, thu về 40 triệu đồng”. 

Từ năm 2015 đến nay, huyện Bắc Quang đã hình thành được 96 nhóm CIG với 961 thành viên tham gia. Qua xét tuyển, có 65 đề xuất được ký hợp đồng tài trợ với tổng số vốn hỗ trợ trên 7 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các đề xuất được tài trợ khá cao. Trong suốt quá trình triển khai, huyện đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức 37 lớp tập huấn cho các thành viên nòng cốt nhóm CIG. Có thể thấy, một trong những thành công khi thực hiện dự án của các nhóm CIG là đi từ nhu cầu chính đáng, thiết thực của người dân và chú trọng phát triển các cây, con chủ lực của mỗi địa phương. Đây là những bài học kinh nghiệm giúp các xã tiếp tục cùng với người dân khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu trong những năm tới. 

Bài, ảnh: MỘC LAN


Cùng chuyên mục

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

BHG - Hợp tác công tư (P-PC) là một trong những hoạt động quan trọng được thực hiện bởi Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh. Tại huyện Bắc Quang, các tiểu dự án P-PC được phê duyệt và đi vào hoạt động giúp các đơn vị kinh doanh nâng công suất hoạt động, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân; đồng thời thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

10/09/2020
Hiệu quả kinh tế từ xen canh tăng vụ

BHG - Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất cây trồng, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh được đa số người dân áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

09/09/2020
Tín hiệu vui trên những cánh đồng không nghỉ

BHG - Phát huy thế mạnh của vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nối tiếp những mùa vàng bội thu, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác cây trồng hằng năm của huyện Quang Bình đến nay đạt 67 triệu đồng. Thắng lợi đó không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, mà còn tạo đà cho nông nghiệp địa phương vươn xa hơn nữa.

 

09/09/2020
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

BHG - Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tích cực triển khai nhằm hỗ trợ  chị em giảm nghèo từng bước ổn định đời sống.  

09/09/2020