Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

16:42, 10/09/2020

BHG - Hợp tác công tư (P-PC) là một trong những hoạt động quan trọng được thực hiện bởi Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh. Tại huyện Bắc Quang, các tiểu dự án P-PC được phê duyệt và đi vào hoạt động giúp các đơn vị kinh doanh nâng công suất hoạt động, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân; đồng thời thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Khách hàng thưởng trà tại cơ sở sản xuất và chế biến chè Kim Chỉnh.
Khách hàng thưởng trà tại cơ sở sản xuất và chế biến chè Kim Chỉnh.

Thực hiện P-PC, ngoài 4 xã thụ hưởng Chương trình của huyện Bắc Quang là Đức Xuân, Đồng Tiến, Thượng Bình và Tân Lập, thì đối tượng nhận đầu tư được mở rộng đến các địa phương khác, trong đó có các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu của P-PC nhằm tăng thu nhập cho hộ nông dân bằng cách cải thiện các cơ hội thị trường, cung cấp các dịch vụ và nguyên liệu có sẵn; khởi xướng và đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp có lợi nhuận trong các lĩnh vực nông thôn bằng cách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường mối liên kết thị trường giữa nông dân với doanh nghiệp…

Sản phẩm dầu lạc Bà Miến được bán tại thành phố Hà Giang.
Sản phẩm dầu lạc Bà Miến được bán tại thành phố Hà Giang.

Cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh (thôn Chu Thượng, xã Tân Lập) là một trong 4 hộ kinh doanh của huyện tham gia và được hưởng lợi trực tiếp từ P-PC. Tham gia P-PC, cơ sở đã thực hiện Dự án “Mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè vùng cao, tăng thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động nông thôn” với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; trong đó, kinh phí Chương trình CPRP là 435 triệu đồng, cơ sở đối ứng trên 570 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Kim, chủ cơ sở, cho biết: Cuối năm 2016, được tham gia P-PC đã giúp tôi có điều kiện nâng cấp nhà xưởng cũng như mua sắm thêm các thiết bị máy móc hiện đại. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận không ngừng được nâng lên. Nếu trước khi tham gia P-PC, lợi nhuận chỉ đạt 91,5 triệu đồng/năm thì sau khi tham gia P-PC đã được nâng lên 165,2 triệu đồng/năm. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời I của cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, cơ sở tiếp tục chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ chè; đồng thời duy trì liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, liên kết thu mua nguyên liệu chè cho 120 hộ dân trên địa bàn xã (trong đó có 37 hộ nghèo, cận nghèo) và tạo thu nhập ổn định cho 3 – 5 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, với Dự án “Xây dựng vườn ươm keo giống, tăng công suất, chế biến lâm sản, liên kết tiêu thụ sản phẩm gỗ keo, bồ đề ổn định cho người dân, tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn” đã giúp cơ sở chế biến lâm sản Lê Văn Bảy (xã Thượng Bình) tiếp cận được nguồn vốn từ P-PC lên tới 2,13 tỷ đồng. Thực hiện theo hợp đồng P-PC, cơ sở đã đầu tư, nâng cấp các hạng mục phục vụ hoạt động kinh doanh. Để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, cơ sở đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 9 nhóm sở thích trồng keo và 280 hộ dân trên địa bàn xã Thượng Bình và các xã lân cận. Nhờ đó, lợi nhuận được tăng hơn gấp đôi, kéo theo đó là thu nhập của các hộ dân tham gia liên kết cũng tăng lên. Ngoài ra, cơ sở hoạt động ổn định đã tạo việc làm cho 16 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Lê Văn Bảy, chủ cơ sở chế biến: Thông qua thực hiện P-PC, ngoài hiệu quả về KT-XH thì còn có cả hiệu quả về môi trường, nhất là đã nâng cao tỷ lệ che phủ rừng do người dân tích cực trồng cây.

Ngoài 2 cơ sở trên, còn lại 2 cơ sở nằm trong chương trình P-PC, là cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chè Phùng Sun Sang (xã Đức Xuân) và hộ kinh doanh Mạc Thị Miến (xã Đồng Yên). 2 cơ sở này sau khi tham gia P-PC đã có lợi nhuận cao hơn từ 2 – 6 lần so với trước; đồng thời liên kết thu mua sản phẩm cho hàng trăm hộ dân các xã trong khu vực. Từ đó, giúp người dân trong chuỗi liên kết có đầu ra cho sản phẩm với giá thành ổn định. Riêng sản phẩm dầu lạc Bà Miến của cơ sở kinh doanh Mạc Thị Miến đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Kết quả này đã tạo đà cho cơ sở tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất và mở rộng liên kết thị trường.

Với những hiệu quả bước đầu mà P-PC đem lại đã cho thấy tính hiệu quả thiết thực của hoạt động này. Từ đây, mở ra những tín hiệu lạc quan  giúp các đơn vị kinh doanh đứng vững trên thị trường, đồng thời tác động tích cực đến đời sống của người nghèo huyện Bắc Quang.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

BHG - Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tích cực triển khai nhằm hỗ trợ  chị em giảm nghèo từng bước ổn định đời sống.  

09/09/2020
Hiệu quả kinh tế từ xen canh tăng vụ

BHG - Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất cây trồng, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh được đa số người dân áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

09/09/2020
Tín hiệu vui trên những cánh đồng không nghỉ

BHG - Phát huy thế mạnh của vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nối tiếp những mùa vàng bội thu, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác cây trồng hằng năm của huyện Quang Bình đến nay đạt 67 triệu đồng. Thắng lợi đó không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, mà còn tạo đà cho nông nghiệp địa phương vươn xa hơn nữa.

 

09/09/2020
Trà Shan Cổng Thành sản phẩm 4 sao OCOP

BHG - Mới được công nhận 4 sao trong 49 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh trong lần đánh giá thứ Nhất của Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP năm 2020, chè Shan tuyết Cổng Thành (Yên Minh) là sản phẩm chè đầu tiên của huyện được công nhận OCOP đến thời điểm này.

 

09/09/2020