Tín hiệu vui trên những cánh đồng không nghỉ

15:08, 09/09/2020

BHG - Phát huy thế mạnh của vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nối tiếp những mùa vàng bội thu, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác cây trồng hằng năm của huyện Quang Bình đến nay đạt 67 triệu đồng. Thắng lợi đó không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, mà còn tạo đà cho nông nghiệp địa phương vươn xa hơn nữa.

Cánh đồng mẫu tại thôn Vén, xã Tân Trịnh được áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy vào sản xuất.
Cánh đồng mẫu tại thôn Vén, xã Tân Trịnh được áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy vào sản xuất.

Chạy dọc tỉnh lộ 183, từ xã Vĩ Thượng về đến thị trấn Yên Bình, qua các xã Tân Bắc, Tân Trịnh những đồng lúa xanh rờn trải dài mênh mông, khoe mình trước gió. Vào đầu tháng 9, lúa vụ Mùa đang trong thời kỳ làm đòng, một số nơi cấy sớm lúa đã trổ bông, hứa hẹn một mùa vụ thành công. Trên những cánh đồng không nghỉ, bà con nhộn nhịp thăm lúa, kiểm tra tình hình sâu bệnh. Nhờ chủ trương đổi mới trong sản xuất, gắn chặt với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong tổng số 500 ha vùng trồng lúa hàng hóa, nông dân đã tích cực dồn điền, đổi thửa và xây dựng được 38 ha cánh đồng mẫu để áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy. Qua tỷ lệ sử dụng giống mới đối với ngô, lúa trên 90%, sản lượng lương thực tăng từ 3,87 vạn tấn năm 2015 lên 4,2 vạn tấn năm 2019.

Trên những vùng đất trước kia không đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo thời vụ. Nếu sản xuất vụ Mùa chủ yếu là cây lúa, sang vụ Xuân cây lạc làm chủ lực. Với tổng diện tích trồng lạc 2.098 ha, năng suất đạt 26,71 tạ/ha, sản lượng trên 6.000 tấn, cây lạc được xem là mô hình canh tác hiệu quả nhất. Trước đây, lạc sau thu hoạch phần lớn để phục vụ đời sống của người dân, còn hiện nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, một số nơi trong và ngoài huyện mở các hợp tác xã chế biến dầu lạc, bao tiêu sản phẩm nên bà con rất phấn khởi. So với các mặt hàng nông sản khác, sản phẩm cây trồng này giá khá ổn định, củ lạc tươi được bán với giá trung bình từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, có thời điểm tăng lên 15 nghìn đồng/kg.

 Anh Hoàng Đình Cừ, thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng, cho hay: “Vụ Xuân năm 2020, với 3.000 m2 trồng lạc, nhà tôi thu hoạch được 1,5 tấn lạc tươi, bán được 15 triệu đồng. So với lúa, cây lạc lãi gần gấp đôi nhưng phải bỏ công chăm sóc, phân bón nhiều hơn. Hầu hết trong thôn bà con đều trồng lạc, quá trình sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn cũng thuận lợi hơn, bởi đến mùa thu hoạch, tiểu thương đến ruộng thu mua tận nơi nên không lo bị ép giá. Sau 5 năm, từ khi đưa cây lạc về đồng đất địa phương, đến nay, đời sống gia đình tôi cũng như các hộ khác đang khấm khá lên. Có vốn, chúng tôi lại tái đầu tư sản xuất và chăn nuôi thêm gà, lợn để nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Trên những vùng đất 1 vụ ở các xã, như: Tiên Nguyên, Xuân Minh, Bản Rịa, Tân Nam, thực hiện cơ chế hỗ trợ của huyện, bà con mạnh dạn trồng dưa hấu, lạc và các loại rau, đậu. Việc phát triển các loại cây trồng này đang là hướng đi mới, nhằm tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích. Đồng chí Đặng Ngọc Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Nam, cho biết: “Mặc dù khó khăn về địa hình, đất đai nhưng bây giờ bà con trên địa bàn xã biết tận dụng từng thửa đất để trồng lạc, dưa hấu. Riêng cây dưa hấu nhân rộng lên 5 ha, một số hộ ở các thôn Nà Chõ, Nà Vài còn canh tác quanh năm, giá bán đạt 10 - 15 nghìn đồng/kg. Vào mùa thu hoạch, bà con chủ yếu đem về chợ trung tâm của xã và chợ trung tâm thị trấn Yên Bình tiêu thụ, dưa có ruột đỏ, vị ngon, ngọt nên rất dễ bán. Đây là cơ sở để xã định hướng, vận động nhân dân tiếp tục đưa các loại cây này vào sản xuất chính hằng năm”.

Mùa nào cây nấy, 3 vụ trong năm, trên khắp đồng ruộng, nông dân Quang Bình như những con ong chăm chỉ, cần mẫn đi lấy mật, bám đất và bám ruộng để làm giàu. Với sự sáng tạo trong lao động, không ít hộ nông dân đã trở thành khá giả, thu nhập hàng chục triệu mỗi năm trên chính mảnh đất quê hương. Đó là dấu mốc để huyện phấn đấu đạt sản lượng lương thực có hạt trên 4,3 vạn tấn và giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha cây trồng đạt 80 triệu đồng trong giai đoạn 2020 - 2025.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Cùng chuyên mục

Trao thưởng Chương trình "Mở tài khoản – Nhận quà lớn cùng Agribank"

BHG - Sáng 31.8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức trao thưởng cho khách hàng may mắn trúng thưởng giải Nhì của Chương trình "Mở tài khoản – Nhận quà lớn cùng Agribank".

 

31/08/2020
Yên Minh tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

BHG - Những năm gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Minh đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại, gia trại; không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là hướng đi thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa hiệu quả; góp phần xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.

 

31/08/2020
Khởi sắc bức tranh giảm nghèo ở Quản Bạ

BHG - Qua điều tra, rà soát theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn huyện Quản Bạ có trên 6.780 hộ nghèo, chiếm 61%...

31/08/2020
Trà Shan Cổng Thành sản phẩm 4 sao OCOP

BHG - Mới được công nhận 4 sao trong 49 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh trong lần đánh giá thứ Nhất của Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP năm 2020, chè Shan tuyết Cổng Thành (Yên Minh) là sản phẩm chè đầu tiên của huyện được công nhận OCOP đến thời điểm này.

 

09/09/2020