Hội nghị Thế giới phòng chống AIDS lần thứ 19:

Có thể ngăn chặn được AIDS

08:50, 25/07/2012

Ngày 22/7/2012, tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, Hội nghị Thế giới phòng chống AIDS lần thứ 19 đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 25.000 đại biểu. Hội nghị này tập trung bàn thảo về các biện pháp nhằm giúp bệnh nhân ở những nước nghèo tiếp cận nhiều hơn nữa thuốc kháng HIV trong bối cảnh các liệu pháp chữa trị gần đây có những kết quả khả quan.


Kể từ 22 năm qua, đây là lần đầu tiên Hội nghị Thế giới về AIDS được tổ chức trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Năm 1990, Mỹ đã ban lệnh cấm nhập cảnh đối với những người bị dương tính với HIV. Mãi đến năm 2009, lệnh này mới được Tổng thống Barack Obama hủy bỏ. Đại dịch AIDS bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980, hiện tại đã cướp đi 30 triệu sinh mạng. Hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người bị nhiễm HIV, trong đó khoảng 97% cư trú ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo điều tra, số bệnh nhân AIDS trên thế giới ngày càng tăng. Nhưng đây không phải là một điều xấu, bởi số lượng này tăng có nghĩa là số người chết vì AIDS giảm, tức là việc điều trị đã có hiệu quả. Tính trong năm 2011, tỷ lệ tử vong do HIV đã giảm 24% so với năm trước đó. Nguyên nhân là từ đâu? Đó là do việc điều trị AIDS đã phát huy tốt hiệu quả.

 Thế giới chung tay ngăn chặn AIDS.
Cách đây hai năm, các chuyên gia đã khẳng định có thể “ngăn chặn được AIDS”. Nơi nào mà các phương tiện kỹ thuật, y tế và tài chính được đảm bảo thì nơi đó AIDS bị đẩy lùi và tuổi thọ của bệnh nhân được kéo dài. Tính từ năm 2004, số người dương tính với HIV có thuốc điều trị ở các nước đang phát triển đã tăng lên đến 26 lần. Theo Chương trình phòng chống AIDS của LHQ (UNAIDS), tính đến cuối năm 2011 đã có trên 8 triệu người nhiễm HIV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận ARV. Thế nhưng, con số này chỉ chiếm 54% trên tổng số 15 triệu bệnh nhân HIV đang cần thuốc chữa trị. Sau một thập niên đưa vào sử dụng ARV, căn bệnh AIDS đã từ “án tử” biến thành “căn bệnh kinh niên có thể chữa trị được”.
 
Tuy thế giới vẫn chưa thể chữa khỏi bệnh AIDS, nhưng nếu người bệnh được dùng thuốc đều đặn thì HIV sẽ tạm bị khống chế, tuổi thọ người bệnh sẽ được kéo dài. Nói cách khác, người bệnh sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Viễn cảnh đẩy lùi hoàn toàn được bệnh AIDS là hoàn toàn có thể, thế nhưng phải với điều kiện nguồn tài chính dành cho đại dịch này phải được đảm bảo. Một giáo sư nhận định: “Tôi tái khẳng định là có thể kiểm soát được đại dịch với điều kiện phải có đầy đủ phương tiện cần thiết”. Thế nhưng những phương tiện cần thiết đó mà nhất là tài chính, hiện là một vấn đề hóc búa. Sở dĩ cuộc chiến chống AIDS có được những thành công rực rỡ mấy năm nay bởi vì các nước đã nỗ lực đầu tư trong nước lẫn ngoài nước để đối phó bệnh dịch. Còn hiện tại, khủng hoảng tài chính đang đe dọa, các nước phương Tây đang oằn mình dưới bão táp khủng hoảng, dường như không còn đủ sức mà hỗ trợ tiền như xưa cho việc phòng chống AIDS.

Các nước châu Âu đang bị chia rẽ trong vấn đề này. Pháp, một trong những nước tài trợ chính thì chưa tỏ thái độ chính thức. Italy và Tây Ban Nha thì không còn có thể đóng góp được nữa. Trong bối cảnh đó, mọi mong chờ đều đổ dồn về khối các nước mới trỗi dậy BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Nhưng các nước này đến hiện tại chỉ lo tập trung đầu tư phòng chống AIDS trong nước mà chưa hề có ý định bỏ tiền đi giúp nước khác.

Một vấn đề góp phần làm u ám thêm viễn cảnh tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh thế kỷ, đó là khi tiền được quyên góp đủ rồi thì nó có được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng hay không? Trong thực tế đã xảy ra một số vụ tai tiếng về việc thâm lạm quỹ chống AIDS…

Tóm lại, cuộc chiến chống AIDS vừa qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, nhiều chuyên gia còn cảm thấy viễn cảnh chữa khỏi bệnh AIDS chẳng còn xa. Thế nhưng, giống như khẳng định trong bài xã luận mang tên “Cứu giúp” của Libération, cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ, bởi khủng hoảng tài chính còn đó, tiến trình phòng chống AIDS đang và sẽ là nạn nhân của các chính sách thắt lưng buộc bụng của nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị tại Washington lần này là một cơ hội để các nhà hoạt động chống AIDS kêu gọi quốc tế vượt qua khó khăn tài chính, tiếp tục đóng góp vào quỹ phòng chống AIDS nhằm tiến tới loại trừ hẳn đại dịch này.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực phẩm cho người đau lưng
Đau lưng là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý nội ngoại khoa. Thông thường khi chữa chứng đau lưng, các thầy thuốc y học cổ truyền hay sử dụng các biện pháp như dùng thuốc uống trong và xoa đắp bên ngoài, châm cứu bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh.
29/06/2012
Nhau thai khô bán công khai tại TPHCM
Thay vì được mang đi tiêu hủy như một loại rác thải y tế, nhau thai đang được các cơ sở đông y tại chợ dược liệu quận 5, TP.HCM bày bán công khai với quảng cáo bồi bổ sức khỏe, trị viêm phổi, thậm chí là trị bách bệnh.
28/06/2012
Mổ đẻ thành công một sản phụ sinh 4
Ngày 26-6, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, sau 6 ngày được điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của sản phụ cùng 4 đứa con đã tương đối ổn định. Dự kiến, sản phụ Trần Thị Tình (31 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, Đồng Tháp) sẽ xuất viện vào hôm nay (27-6).
27/06/2012
Lạm dụng thuốc, thận lâm nguy
Dùng thuốc chữa bệnh là việc “cực chẳng đã” phải đưa vào cơ thể người một lượng hoạt chất ngoại lai mà nhiều khi “mặt trái” của chúng rất nguy hại cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và thận. Chính vì vậy, nếu dùng thuốc thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc thường xuyên sẽ dẫn đến những nguy cơ chết người do các cơ quan này bị nhiễm độc và mắc những căn bệnh trầm trọng.
26/06/2012