Cái nghèo ở Sán Trồ

08:34, 26/06/2012

HGĐT- Vượt qua những đoạn đường ngoằn nghèo, quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt vì mưa, chúng tôimới đến được thôn biên giới Sán Trồ, một thôn đồng bào Mông đặc biệt khó khăn của xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà trình tường lụp xụp, những đứa trẻ lấm lem nghịch đất; những bà mẹ trẻ bận bịu với đàn con nheo nhóc...



   Em Thào Thị Ly 13 tuổi phải bỏ học ở nhà phụ giúp bố mẹ vì bố mẹ sinh nhiều con.

Thôn Sán Trồ là địa bàn sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mông, có tổng số 112 hộ, trong đó có 79 hộ nghèo. Đời sống của người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình núi đá phức tạp, diện tích đất canh tác ít, thiếu nước sinh hoạt... Các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe vẫn còn quá nhiều hạn chế, khó khăn. Điều đáng nói là tình trạng tảo hôn, ý thức của bà con về KHHGĐ còn rất hạn chế. Ghé thăm nhà ông Thào Mí Vàng, năm nay mới 37 tuổi, nhưng đã có đến 6 người con. Gia đình ông có 10 nhân khẩu và là một trong những hộ nghèo nhất thôn Sán Trồ. Thời điểm chúng tôi đến là hơn 1 giờ chiều, nhà chỉ có 3 em nhỏ và ông bà già đang ăn cơm - bữa cơm trưa chỉ có một ít mèn mén và nồi canh loãng.

 

Dẫn chúng tôi xuống thôn, chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ văn hóa xã, cho biết: Bà con ở đây đại đa số không biết tiếng phổ thông. Chị Nhung đưa tay chỉ về hướng một em gái đang lấy cỏ cho trâu và nói: “Đó là Thào Thị Ly, con gái thứ 2 của gia đình ông Thào Mí Vàng năm nay 13 tuổi, em luôn phải ở nhà phụ giúp bố mẹ nên không được đi học”. Trông em gầy gò và già hơn nhiều so với tuổi, khi được hỏi sao em không đi học, em bảo: “Ở nhà có việc nhiều nên em không đi được”. Em không muốn đi học hay bố mẹ không cho đi? Em hồn nhiên trả lời: “Tại vì em đi học thì không ai giúp bố mẹ làm việc”. Lẽ ra, ở cái tuổi của em phải được học hành và chưa phải làm nhiều việc!

 

Tạm biệt già đình ông Vàng, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Thào Mí Quả, Chủ tịch Hội Nông dân xã, trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, bùn đất lầy lội ngoài sân sau mưa. Trong nhà chỉ có vợ anh Quả và hai đứa con nhỏ đang ngồi xem ti-vi. Thấy chúng tôi vào, hai đứa nhỏ ngơ ngác, lạ lẫm. Chị vợ anh tâm sự: “Tuy anh Quả là cán bộ xã, gia đình không thuộc hộ nghèo nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu thốn, đồ dùng không có gì giá trị ngoài chiếc ti-vi nhỏ. Cuộc sống vẫn khó khăn, bữa ăn chủ yếu là những thứ mình tự trồng được như ngô, đậu, rau...”.

 

Trò chuyện về cuộc sống của bà con, chị Nhung chia sẻ: Mặc dù hàng năm Đảng và Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều, nhưng nói chung thôn Sán Trồ vẫn còn nghèo lắm. Trong thôn, ngoài gia đình ông Vàng, còn rất nhiều hộ nghèo như gia đình anh Hầu Chờ Mua, có 4 khẩu; Hầu Chí Lư, có 2 con nhỏ; cả 2 hộ vợ đều mất sớm, thuộc diện đặc biệt khó khăn của thôn. Cũng vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, đất canh tác chủ yếu là trồng ngô mỗi năm chỉ được một vụ, đến mùa giáp hạt thì cái đói là điều không tránh khỏi. Các cán bộ xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch và cho con em đi học. Bởi dân trí thấp nên trong thôn còn rất nhiều hộ sinh con thứ 3 trở lên, nguyên nhân chính là do người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh thai còn rất hạn chế, khi cán bộ đến nhà tuyên truyền thì người dân đều lên rẫy hay không có thời gian nghe, còn e ngại với các biện pháp tránh thai, không muốn thực hiện. Một nguyên nhân nữa là muốn có con trai nối dõi, muốn có nhiều con để có người làm. Cũng chính vì những suy nghĩ lạc hậu đó mà người dân nơi đây dù suốt ngày “bán mặt cho đất” vẫn nghèo đói. Chị cho biết thêm, hiện nay xã Bát Đại Sơn đang triển khai mô hình ngô lai C919 và nhều mô hình xóa đói giảm nghèo cho bà con trong thôn.

 

Rời Sán Trồ khi chiều muộn, hình ảnh những ngôi nhà lụp xụp,bữa cơm của đồng bào, cảnh những đứa trẻ còi cọc phải bỏ học giúp bố mẹ..., khiến chúng tôi chạnh lòng: Liệu rồi cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ra sao khi những đứa trẻ - mầm non tương lai - không được đi học? Nhìn từ thực tế sự nghèo nàn ở Sán Trồ hiện nay, cần nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hơn nữa để đưa những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp người dân nơi biên giới vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.


CHU TÔ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo đồng thuận tuyến tỉnh về can thiệp giảm tác hại bao gồm tiếp thị BCS cho nhóm chị em
HGĐT - Sáng ngày 30.5, tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Sở y tế, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo đồng thuận tuyến tỉnh về can thiệp giảm tác hại bao gồm tiếp thị bao cao su (BCS) cho nhóm chị em. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, các đại biểu đại diện cho các ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống
30/05/2012
Lạm dụng thuốc, thận lâm nguy
Dùng thuốc chữa bệnh là việc “cực chẳng đã” phải đưa vào cơ thể người một lượng hoạt chất ngoại lai mà nhiều khi “mặt trái” của chúng rất nguy hại cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và thận. Chính vì vậy, nếu dùng thuốc thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc thường xuyên sẽ dẫn đến những nguy cơ chết người do các cơ quan này bị nhiễm độc và mắc những căn bệnh trầm trọng.
26/06/2012
Một số biện pháp tăng cường hoạt động tinh thần ở người cao tuổi
Cuộc sống tinh thần ở người cao tuổi (NCT) có tính chất nền tảng, quyết định điều khiến nhịp độ lão hóa. Ngược lại, mục đích cơ bản của việc làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ là nhằm kéo dài thời gian lao động có ích và ước vọng sống lâu, khỏe mạnh.
22/06/2012
Quản Bạ: Trên 1.180 lượt người được chăm sóc SKSS đợt 1
HGĐT - Sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS- KHHGĐ) đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn đợt 1 năm 2012 tại 7 xã của huyện Quản Bạ là: Quyết Tiến, Thanh Vân, Cao Mã Pờ, Tả Ván, Cán Tỷ, Thái An, Lùng Tám.
21/05/2012