Người cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam phát triển kinh tế
BHG - Hơn 40 năm trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình, nhưng nỗi ám ảnh chất độc da cam (dioxin) vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình. Nhiều nạn nhân chất độc da cam phải bươn chải vừa nuôi sống bản thân, gia đình, vừa lo cho nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Không gục ngã trước khó khăn, với ý chí và nghị lực của người lính, ông Lê Đình Cựng, tổ 9, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang đã vươn lên trở thành tấm gương phát triển kinh tế tại địa phương.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố thăm mô hình kinh tế của ông Lê Đình Cựng (người đầu tiên bên trái) |
Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 20 tuổi Lê Đình Cựng (sinh năm 1945) rời quê hương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1978, ông phục viên trở về quê hương, mang trong mình “vết thương không chảy máu”, đó là nhiễm chất độc da cam.
Ông Cựng chia sẻ: Trở về cuộc sống đời thường tôi gặp không ít khó khăn và trở ngại vì sức khỏe yếu, nhà cửa bị thiên tai bão lũ cuốn trôi. Những năm gần đây nhờ có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Nhà nước. Tôi bàn với vợ con nhận 8 ha đất rừng để làm trang trại theo mô hình VACR (Vườn – Ao – Chuồng – Rừng). Trải qua những ngày đầu gian khó, ham làm, ham học hỏi, các loại cây trồng, vật nuôi được ông chăm sóc tốt, nên kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Với hơn 2.000m2 ao cá, 1,5 ha cây ăn quả, 6 ha cây lấy gỗ, 52 con bò và 1.500m2 chuồng trại nuôi lợn, gà… sau 5 năm cải tạo đã đi vào ổn định với thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, ông Cựng còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 5 lao động địa phương với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm của bản thân ngoài việc áp dụng kỹ thuật vào phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ có hoàn cành khó khăn.
Vượt qua nỗi đau của di chứng chiến tranh để lại, bằng nghị lực và sự vượt khó vươn lên, hiện gia đình ông Cựng đã có một cuộc sống khá giả. Các con của ông đều trưởng thành, có công việc và thu nhập ổn định. Bản thân ông Cựng và gia đình rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông từng tham gia làm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, BCH Đảng bộ phường Minh Khai… Trên cương vị nào ông cũng đi đầu trong các phong trào.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, ông Nguyễn Văn Thạnh nhận định: “Ông Lê Đình Cựng là một hội viên tiêu biểu, đi đầu phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Hội chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, nhân rộng điển hình này để các hội viên khác học tập và làm theo”.
Nỗ lực vượt lên nỗi đau do chiến tranh để lại, cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội, ông Lê Đình Cựng xứng đáng là người lính Cụ Hồ, tấm gương nạn nhân chất độc da cam vượt lên chính mình, làm kinh tế giỏi để mọi người học tập, noi theo.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Ý kiến bạn đọc