Thanh Sơn, niềm vui nghề làm giấy bản

07:53, 25/12/2012

HGĐT- Trong nhịp sống hối hả, nhiều nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng đến thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây chỉ cách huyện lị hơn 1km mà cái cốt cách vẫn còn nguyên trong một làng nghề làm giấy bản. Bà con dân tộc Dao nơi đây cho biết, nghề được truyền lại từ thời các cụ ngày xưa, duy trì nó vừa vui, vừa có thêm thu nhập...



Nghề làm giấy bản và bản sắc của đồng bào Dao sẽ trở thành tâm điểm xây dựng thôn Thanh Sơn trở thành thôn du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Từ trung tâm thị trấn Việt Quang theo đường đi huyện Quang Bình, có một ngõ rẽ phía bên phải và cũng chỉ mất khoảng vài trăm mét, tôi đã chạm chân đến làng nghề làm giấy bản Thanh Sơn. Ghé vào thăm gia đình vợ chồng ông bà Phàn Chàn Phú và bà Lò Thị Sâu, trong gian lá cọ nhỏ xinh xắn, một hệ thống dụng cụ làm giấy bản còn nguyên chất truyền thống vẫn đang được sử dụng. Bà Lò Thị Sâu đã ngót 60 tuổi, nhưng vẫn giữ nghề làm giấy bản như giữ một báu vật của gia đình vậy.


Trong câu chuyện với ông bà Phú và một số gia đình trong thôn, bà con cho biết, duy trì nghề các cụ để lại, làm cũng thấy vui. Mỗi năm, việc làm giấy bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3, khi măng vầu lớn thành cây non, bà con lên rừng chọn những cây có gióng dài nhất đem về chặt ra, ngâm nước. Chờ vầu ngâm đủ độ mềm, quãng thời gian đó cũng thoải mái để gặt vụ xuân, cấy vụ hè, chăn nuôi lợn, gà. Sau khoảng 3 tháng, vớt vầu ra rồi dùng chầy, cối thủ công giã thành bột. Bột được pha với nhớt của một loại cây trên rừng gọi là cây nhớt làm cho giấy dai hơn. Bột vầu và nhớt được hòa vào trong bể nước, tiếp đó bà con dùng sàng bằng tre, được vót, đan rất khéo léo để khua, lắng vớt, tạo ra những màng bột mỏng, đó chính là giấy bản. Cứ thế, lớp nọ vớt lên xếp lên lớp kia, ép thủ công cho kiệt nước rồi mang ra phơi vài nắng để có được những tấm giấy bản màu vàng nhạt, dai và có một mùi khá thơm giống như giấy điệp vẽ tranh Đông Hồ nổi tiếng ở đất Kinh Bắc. Bà Lò Thị Sâu cho biết, làm giấy bản phải kiên trì, ngày thì làm giấy, phơi phóng, tối bóc tách để tạo thành từng buộc, nhiều hôm làm đến 10 giờ đêm, mỏi hết lưng mới đi ngủ.


Thời vụ làm giấy bản cũng là khoảng thời gian mà sự sinh sôi của vạn vật xung quanh làng bản trở nên khá nhộn nhịp. Với khoảng 80 hộ làm giấy bản, nhà nào làm khỏe mỗi năm làm được khoảng 100 buộc giấy, mỗi buộc 80 thiếp giấy. Do nhu cầu không chỉ riêng của đồng bào Dao mà bà con các dân tộc Mông, Tày, Pu Péo, Pà Thẻn và cả người Kinh cũng đều dùng giấy bản cho các lễ nghi sinh hoạt truyền thống nên việc tiêu thụ giấy khá dễ. Giá 1 buộc giấy bản từ 100 – 115.000đ. Nhà nào làm khỏe mỗi mùa làm giấy cũng thu về từ 8 – 10 triệu đồng. Việc làm giấy bản với quy mô và số lượng như vậy vừa đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nguyên liệu trên rừng. Anh Triệu Tràn Lìn, một gia đình làm giấy bản cho biết, nhờ làm giấy bản, gia đình có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho 2 đứa con đi học ngoài thị trấn đầy đủ hơn.


Giấy bản là sản phẩm khá độc đáo, và có lẽ trong toàn tỉnh cũng chỉ có 1 đến 2 làng còn giữ gìn nghề truyền thống này. Việc còn tồn tại và đang có chiều hướng phát triển ở một nơi khá đô hội khiến cho làng nghề giấy bản thôn Thanh Sơn càng trở nên đặc biệt hơn. Đồng chí Hồ Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Việt Quang cho biết, thôn Thanh Sơn hiện có trên 118 hộ người Dao, trong đó có hơn 80 hộ còn giữ gìn nghề làm giấy bản truyền thống. Nằm dưới chân dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, Thanh Sơn có rất nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc được gìn giữ đậm nét. Làng nghề làm giấy bản có lợi thế để trở thành nơi không chỉ lưu giữ nghề truyền thống mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. Đến nay, huyện đã có Đề án về xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Sơn. Sở VHTT&DL cũng hỗ trợ khôi phục văn hóa truyền thống dân tộc Dao thôn Thanh Sơn...


Niềm vui lớn đến với bà con nơi đây khi ngày 22.8.2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1682 về việc công nhận làng nghề truyền thống sản xuất giấy bản dân tộc Dao thôn Thanh Sơn. Hy vọng rằng, nghề làm giấy bản ở thôn Thanh Sơn sẽ tiếp tục được quan tâm, phát huy bởi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là một mục tiêu quan trọng. Để từ đó, không chỉ hướng tới việc giữ gìn một làng nghề độc đáo mà còn đưa nó trở thành một làng văn hóa du lịch cộng đồng mang lại giá trị kinh tế cho chính người dân nơi đây.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẹp mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”
HGĐT- Hàng năm tháng 12 đến, trong lòng mỗi người dân Việt Namkhông khỏi trào dâng một niềm cảm súc tự hào mãnh liệt, Ngày 22.12 cách đây 68 năm đội quân vũ trang đầu tiên do Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập - Tiền thân của QĐND Việt Nam,được sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, hy sinh. Và ngày đó đã trở thành dấu son lịch sử cách mạng tiếp nối truyền thống dựng nước
22/12/2012
Thăm, tặng quà gia đình, người có công với cách mạng
HGĐT- Nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 23 năm ngày quốc phòng toàn dân, sáng 21.12, Trường THCS Yên Biên (TPHG) tổ chức cho các em học sinh đi thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn TPHG.
21/12/2012
Bộ đội PK-KQ với sự nghiệp bảo vệ bầu trời Trường Sa!
Trường Sa những ngày tháng 12, thời điểm trung tâm của mùa mưa bão, gió muối khắc nghiệt của biển cả. Song, gạt qua tất cả trên khuôn mặt của những người lính phòng không - không quân vẫn rạng ngời ánh lên một niềm tin, vinh dự tự hào. Tất cả đang hừng hực một khí thế thi đua sôi nổi, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ nhằm lập thành tích chào mừng kỉ niệm 40 năm chiến thắng
21/12/2012
Đoàn thanh niên Bộ Tài chính: Tặng quà cho xã Bản Máy
HGĐT- Sáng 19.12, thực hiện kế hoạch hoạt động tình nguyện mùa đông và hưởng ứng hoạt động 10 ngày cao điểm chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ X, Đoàn thanh niên Bộ Tài chính đã đến thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Máy; trao học bổng và chăn ấm mùa đông cho các cháu học sinh 3 trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã Bản Máy, huyện Hoàng Su
21/12/2012