Yên Cường nỗ lực xóa đói giảm nghèo

16:22, 03/05/2010

HGĐT- Yên Cường là xã đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Đông Nam cách huyện lỵ Bắc Mê 14 km. Toàn xã có 17 thôn với 999 hộ, 6.041 nhân khẩu của 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng vào giá trị và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, nên xã Yên Cường đã từng bước vươn lên XĐGN, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.


 
 Các mặt hàng nông, lâm sản của bà con nông dân xã Yên Cường (Bắc Mê) được người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưa chuộng.

Mặc dù là xã thuần nông, thu nhập của người dân Yên Cường chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trình độ dân trí không đồng đều, xã có nhiều thành phần dân tộc, phong tục tập quán còn lạc hậu. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Tính trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nhân dân còn cao...


Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH mà Đảng bộ xã đề ra, trong những năm qua, xã Yên Cường đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, kết hợp với xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động nước cho cây trồng. Xã đã thực hiện chủ trương tăng hệ số sử dụng đất bằng việc đưa các giống lúa lai có năng suất cao vào gieo cấy. Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây công nghiệp ngắn ngày. Chính vì vậy, năm 2009 sản xuất nông nghiệp của xã đã đạt mức tăng trưởng khá. Diện tích cây lúa đạt 216,5 ha, năng suất trung bình đạt 51 tạ/ha, sản lượng đạt 1.104,2 tấn. Diện tích cây ngô đạt 715 ha, năng suất trung bình đạt 20,9 tạ/ha, sản lượng đạt 1.494,4 tấn. Không chỉ chú trọng trồng 2 loại cây lương thực chính là ngô, lúa, xã còn tập trung chỉ đạo nhân dân tận dụng chân ruộng 1 vụ, đất soi bãi để trồng đậu tương, lạc, chè và các loại cây ăn quả như vải, mận tam hoa, xoài... nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực của xã năm 2009 đạt 2.598,4 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 430 kg/người/năm.


Để chăn nuôi trở thành ngành phát triển kinh tế mũi nhọn, bên cạnh sự hỗ trợ lãi suất từ các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình dự án đầu tư, xã đã phát triển mạnh chăn nuôi, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động trồng cỏ làm thức ăn khô cho gia súc, cải tạo nguồn giống nhằm nâng cao chất lượng đàn gia súc. Do đó đàn gia súc, gia cầm của Yên Cường phát triển ổn định, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Tính đến 30.12.2009, toàn xã có 2.300 con trâu, 1.250 con bò, 2.844 con dê, 3.700 con lợn và 18.669 con gia cầm các loại.


Là xã có nhiều đất lâm nghiệp, những năm qua Yên Cường đã tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quy hoạch phân loại các loại rừng. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng, trồng và khai thác rừng hợp lý. Từ năm 2005 đến nay, toàn xã đã bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên được trên 280 ha, trồng mới được 544 ha, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của xã lên 65%. Không chỉ chú trọng đến phát triển sản xuất và chăn nuôi, trồng rừng, xã còn quan tâm, vận động, tạo điều kiện cho nhân dân mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ buôn bán nhỏ. Xã đã duy trì mở chợ phiên tại trung tâm xã, tạo điều kiện và khuyến khích nhân dân tham gia kinh doanh, mở các dịch vụ. Chính vì vậy 100% thôn bản trong xã đều có hàng quán, chợ trung tâm có 37 gian hàng các loại, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và trao đổi hàng nông, lâm sản của nhân dân.


Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã còn thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tăng cường vận động nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động để đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường từ xã đến trung tâm các thôn bản. Đến nay, 17/17 thôn bản của xã đều có đường ô tô đến trung tâm, xây dựng hoàn thiện trụ sở UBND xã. Trường học, nhà công vụ giáo viên, kéo điện lưới Quốc gia đến trung tâm 14/17 thôn. 100% thôn bản có trụ sở, có phân trường. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong xã đạt 8,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày một tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21% (năm 2005) xuống còn 18% (năm 2009).


Công tác chăm sóc sức khỏenhân dân luôn được quan tâm, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ cách triển khai chặt chẽ, đi vào thực chất và chiều sâu, phong trào đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, loại trừ tập tục lạc hậu, nâng cao tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, giúp nhau XĐGN.

Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền xã và sự đoàn kết quyết tâm cao của nhân dân, Yên Cường đã có những bước ổn định và phát triển. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì Yên Cường vẫn là một xã nghèo so với mặt bằng chung của huyện, kinh tế phát triển chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao... Để Yên Cường từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Xuân Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Cường cho biết: Năm 2010 và những năm tiếp theo, Yên Cường sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng vào giá trị và chất lượng của sản phẩm hàng hóa. Giữ vững ổn định lương thực trên địa bàn, tạo cơ chế thuận lợi ưu tiên cho phát triển trồng rừng kinh tế, huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã trở thành trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Vận động nhân dân phát huy hiệu quả các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, XĐGN, nâng cao thu nhập của người dân ngày càng ổn định, đưa bộ mặt nông thôn Yên Cường ngày càng phát triển.


Minh Tâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gió lốc gây thiệt hại tại Hoàng Su Phì
HGĐT- Trong mấy ngày vừa qua, tại huyện Hoàng Su Phì đã xảy ra nhiều cơn lốc mạnh kèm theo mưa to để lại hậu quả khá nặng đối với đời sống của nhân dân.
30/04/2010
Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang thực hiện tốt công tác an toàn-vệ sinh lao động và quyền lợi của người lao động
HGĐT- Là công ty Cổ phần hoạt đông trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng có quy mô lớn, với những sản phẩm chủ yếu như: Xi măng, tấm lợp Fibrô xi măng, đá xây dựng các loại... vì vậy trong nhà máy và trên công trường luôn có hàng trăm công nhân trực tiếp lao động, sản xuất, do đó công tác An toàn-vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong những năm
30/04/2010
Cảm xúc tháng Tư - niềm vui Đại thắng
HGĐT- Tháng Tư của năm 2010 đã ùa về trọn vẹn cùng chúng ta, sự hiện diện của thời gian và không gian đặc biệt này đem lại cho mọi người dân Việt Nam một cảm xúc tuyệt vời - đó là niềm vui đại thắng trong ngày chiến thắng của đất nước, dân tộc trước kẻ thù xâm lược.
29/04/2010
Lũ đá ở Seo Lử Thận
HGĐT- … Trong cơn lũ đêm rạng sáng ngày 27.4 ở đây chỉ có nước và đá. Lũ “đá” mới thật chính xác. Vâng! Lũ “đá” núi, mới thật sự được coi là những gì đã xảy ra ở thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) cướp đi 5 mạng sống, làm bị thương 3 người của 2 gia đình cha con ông Vàng Seo Phứ, 67 tuổi và người con trai bạc mệnh Vàng Seo Pao, 29 tuổi mất vợ, mất con.
29/04/2010