Sáo và cá Cờ

07:54, 30/09/2014

HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng chơi và đoán chừng thế gian mê nghe mình hát lắm.


Rìa sông có một chú cá Cờ ở đã lâu. Cá Cờ nhỏ người, có những lằn ngang thân màu lửa. Thức ăn của cá là mùn rêu, rác rến đang phân hủy. Cá Cờ sống giản dị, không bận tâm lắm mình là to hay nhỏ, oai hay không oai trên thế gian này.


Một hôm, đang lượn lờ trong nước, cá Cờ giật mình vì cú chộp bất ngờ của một con chim nào đó. Sợ hãi, cá Cờ lặn xuống nấp vào khe đá. Gã săn mồi lên giọng kẻ cả:


- Ta là Sáo đây! Ta định bắt chú mày làm món lót dạ, nhưng thấy chú mày xấu xí, hôi hám quá, nên ta tha cho. Ta cũng thương hại thân phận bé nhỏ của chú mày, suốt đời quanh quẩn vũng nước con con, chả bao giờ được bay trên bầu trời cao rộng. Từ nay, thấy ta cưỡi Trâu đi qua, chú mày phải mau mau ra chào, nghe chửa! Không thì đừng trách!


Cá Cờ vâng dạ rối rít, thầm nghĩ, số mình chả ra sao, gặp thời buổi nhiễu nhương, có những tên gian manh như thế thì đành quỵ lụy một chút cho yên chuyện. Thế là mỗi buổi chiều, thấy bóng Sáo từ xa, cá Cờ lại vội vàng nổi lên chờ Sáo đến gần để chào một tiếng. Sáo được thể càng không coi ai ra gì.


Ngày nọ, Sáo bắt được con Muỗm béo múp. Sắp ăn thì Sáo nhìn thấy một cái phên đan chắc chắn, bèn chui vào, định bụng sẽ dọa tên Muỗn một mẻ rồi thả ra, để Muỗm về kể với họ hàng cho Sáo thêm thanh thế. Ai ngờ đấy lại là cái bẫy của chú bé chăn Trâu. Sáo bị chú bé mang về nhốt trong một cái lồng.


Mấy hôm sau, chú bé vác dậm ra sông, lại bắt được cá Cờ. Về nhà, thấy cá Cờ còn khỏe, nhanh nhẹn, nghĩ thế nào chú thả vào một vạc nước, bảo:


- Mi ở đây dọn dẹp Cung Quăng, Bọ Gậy làm sạch nước cho ta. Chịu khó nhé. Lười thì mi sẽ đói mà ta bực lên cũng sẽ đem mi đi thịt.


Thế là ngày ngày cá Cờ dọn dẹp vạc nước, công việc nhẹ nhàng và cũng đủ ăn. Cá Cờ chỉ buồn phiền vì nỗi nhớ quê hương, xứ sở.


Được mấy hôm, chú bé mang lồng Sáo treo ngay bên trên vạc nước. Mới có vài ngày mà Sáo xơ xác hẳn đi. Đầu rối bù xù, cái vòng lông trắng bẩn lem nhem, Sáo chẳng buồn chăm sóc. Nhìn thấy Sáo, cá Cờ giật mình cất tiếng chào, nhưng Sáo xấu hổ chúi mỏ vào trong cánh, giấu mặt không trả lời.


So với lúc ở ngoài đời thì cái lồng Sáo thật sự là ngục tù khủng khiếp. Sáo hết xoay dọc lại xoay ngang, không vị trí nào được yên. Tức quá, Sáo đạp, bay lung tung, nhưng chỉ mẻ đầu bươu trán. Nhìn xuống dưới, Sáo thầm ghen với cá Cờ. Tuy cùng bị nhốt giữ nhưng vạc nước còn rộng rãi chán so với lồng Sáo. Sáo không ngờ có ngày rơi vào hoàn cảnh này. Có lúc muốn bắt chuyện với cá Cờ nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.


Đến đêm, trời bỗng nổi giông, chẳng may lồng Sáo rơi vào vạc nước. Sáo hốt hoảng giãy đạp thục mạng nhưng không ăn thua, chiếc lồng từ từ ngập sâu vào trong vạc.


Trông thấy Sáo, ban đầu cá Cờ rất sợ, nhưng một lúc thì nó hiểu ra giờ Sáo cũng chẳng hơn gì mình. Cá Cờ đã định nói mát vài câu cho bõ ghét, nhưng nghĩ cùng cảnh bị giam như nhau nên lại thôi. Thấy lồng Sáo rơi xuống, ngập dần, cá Cờ muốn giúp mà không làm gì được. Đến lúc nước ngập đến cổ Sáo, cá Cờ mới nhớ dưới đáy vạc có lỗ thoát nút bằng lá chuối. Cá Cờ lặn xuống, ra sức dùng mỏ kéo nút lá ra. Nút khá chặt, loay hoay một lúc lâu nó mới lỏng ra. Nhưng thế là đủ, dòng nước chảy đi vừa vặn giúp Sáo thoát khỏi chết đuối. Nửa đêm thì nước rút hết. Sáo thoát chết nhưng cá Cờ lại gặp nguy, nằm tênh hênh ngay trên đáy vạc.


Tảng sáng, chú bé dậy chuẩn bị đi học. Chú chạy ra kiểm tra lồng Sáo và phát hiện sự việc. Chú treo lại lồng cho chắc chắn, nút lại đáy vạc và đổ đầy nước vào. Cá Cờ nhiễm lạnh rét co ro.


Khi cả nhà đã đi hết, Sáo lấy hết can đảm, ngượng ngùng bảo:


- Xin lỗi anh cá Cờ nhé! Qua sự việc xảy ra, tôi hiểu mình và hiểu anh, hiểu đời hơn. Tôi xấu hổ vì trước đây đã hành xử thật kệch cỡm. Khôn có anh rộng lượng tha thứ và cứu giúp thì chắc tôi không còn được sống để nói lời cảm ơn anh. Ơn cứu mạng tôi lấy gì đền đáp?


Cá Cờ thành thật:

- Bác nghĩ ngợi làm gì. Tôi sống đơn giản, không để ý những chuyện vặt vãnh đâu. Bác đừng day dứt tôi khó nghĩ lắm. Tôi thấy lồng của bác có cửa đấy, nó được cài cái chốt nhỏ thôi. Bác quay ra tôi chỉ, là cái nan bác vừa chạm mỏ vào. Bác thử ngậm, rút thật mạnh, may ra tháo được thì bác sẽ tự do.


Sáo ngậm miệng vào cái chốt, ra sức rút nhưng không được. Loay hoay mãi, miệng Sáo bật máu. Cá Cờ ái ngại:


- Khó quá thì thôi bác ạ, để dịp khác.

Sáo có vẻ nản, ngồi thừ ra. Một lúc sau lại hăng hái:


- Tôi đã thấy anh cố gắng thế nào để tháo nước cứu tôi. Nếu tôi không làm được như anh thì không đáng được làm bạn anh, cá Cờ ạ.


Sáo lại ngậm miệng vào chốt, cố gắng rút và dùng cả hai chân trợ lực. Cuối cùng, chiếc chốt cũng được Sáo rút lên. Chui ra khỏi lồng, Sáo vươn mình, vỗ cánh sảng khoái rồi bay đến bên chiếc vạc giục cá Cờ.


- Anh nổi lên đây, chịu khó để tôi ngậm vào miệng một lúc, sẽ hơi đau. Tôi đưa anh về quê cũ.


Cá Cờ nổi lên, Sáo lựa thế ngậm lấy, cố không làm đau cá Cờ rồi bay vụt lên. Lần đầu tiên trong đời được bay trên cao, nhìn ngắm trời đất rộng bao la, lại sắp được về quê, cá Cờ cảm động ứa nước mắt.


Đặt cá Cờ xuống khúc sông quê quen thuộc, Sáo nói:

- Từ nay cho tôi được làm bạn anh nhé!

- Cảm ơn anh! Tôi cũng mong thế lắm.

Đôi bạn bịn rịn bên nhau không muốn rời.


DƯƠNG QUỐC HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn
Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.
29/09/2014
Hà Giang được Bộ VHTTDL xếp hạng 3 Di tích cấp Quốc gia
HGĐT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 3087,3088,3089/QĐ-BVHTTDL ngày 23.9, về việc xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cho 3 danh lam thắng cảnh tại Hà Giang.
26/09/2014
Khai mạc lớp truyền dạy hát Then, Đàn tính dân tộc Tày năm 2014
HGĐT- Sáng 25.9, tại trụ sở thôn Trì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc lớp truyền dạy hát Then, Đàn tính dân tộc Tày năm 2014.
26/09/2014