Chương trình XDNTM tạo đổi thay trên vùng đất Hoàng Su Phì

08:02, 25/02/2014

HGĐT- Từ năm 2010 đến nay, người dân Hoàng Su Phì đã góp hàng chục nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn m2 đất xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Cùng với việc huy động nội lực thực hiện tốt các tiêu chí, Hoàng Su Phì đang tích cực xây dựng mô hình sản xuất, tăng thu nhập, nhằm tạo nguồn lực bền vững trong dân để triển khai các mục tiêu dài hạn của XDNTM.



           Người dân Thàng Tín (Hoàng Su Phì) xây dựng khu định cư mới.

Củng cố nguồn lực

Hoàng Su Phì - địa phương nghèo nhất nước bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm thấp. Tại các xã được chọn làm điểm như Nậm Ty, Thông Nguyên, Pố Lồ, Nậm Dịch có rất ít tiêu chí tiếp cận được bộ chuẩn Quốc gia về XDNTM. Trong khi đó, XDNTM xuất phát từ người dân, dân làm và dân hưởng trực tiếp nên cần phải có nguồn lực đóng góp lớn từ nhân dân. Xác định rõ quan điểm, từ năm 2010 đến nay, người dân các xã đã góp trên 60 nghìn ngày công, khai thác vật liệu trị giá gần 20 tỷ đồng, hiến hàng chục nghìn m2 đất làm đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi. Vào ngày nông nhàn, nhân dân các xã tổ chức lao động công ích, làm đường bê tông vui như trẩy hội. Tuy nhiên, ngay ngày đầu XDNTM, lãnh đạo huyện cũng rất trăn trở: Nếu huy động quá mức nội lực trong dân, nguồn lực sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Muốn thực hiện được các mục tiêu dài hạn của XDNTM, việc cần làm ngay, không kém phần quan trọng là phải tập trung phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.


Phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân từ lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Hoàng Su Phì, đường hướng đã rõ, nhưng đất canh tác ít, sản xuất phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Hoàng Su Phì xác định, cái khó của vùng đất này cũng là lợi thế tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo, có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, huyện triển khai tổ chức lại sản xuất, cụ thể hóa các chương trình, đề án, lồng ghép các nguồn kinh phí, tạo cơ chế hỗ trợ phát triển, đột phá các loại cây trồng thế mạnh và mũi nhọn như chè, đậu tương, thảo quả, dong giềng; thử nghiệm những giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định và phù hợp với tiểu vùng, thổ nhưỡng, khí hậu.


Từ quan điểm chỉ đạo của huyện, các cán bộ kỹ thuật luôn sát cánh trên đồng ruộng, hướng dẫn người dân sản xuất theo công thức luân canh, lựa chọn, bố trí cây trồng hợp thời vụ, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh. Tinh thần làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm đã góp phần đưa diện tích canh tác, sản lượng các loại cây trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, còn trở thành hàng hóa. Riêng năm vừa qua, sản lượng lúa đạt trên 21,4 nghìn tấn, ngô đạt gần 13 nghìn tấn; diện tích thâm canh lúa chiếm trên 94%, ngô chiếm trên 86%. Cùng với lúa, ngô, đậu tương được xác định là cây trồng đột phá, huyện tích cực chỉ đạo mở rộng diện tích gắn với hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân các biện pháp kỹ thuật và đã gieo trồng trên 5.344 ha, năng suất đạt gần 15 tạ/ha... Sản xuất nông nghiệp được quan tâm, đầu tư có trọng điểm đã mang lại niềm vui cho người dân khi thu nhập bình quân đạt gần 11 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt trên 542 kg/người/năm. Sau một vụ mùa thắng lợi, nguồn nội lực được bổ sung, cảnh đói giáp hạn gần như không còn và người dân lại hồ hởi bắt tay thực hiện các tiêu chí XDNTM.


Linh hoạt cách làm

Triển khai XDNTM, Hoàng Su Phì đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, thu hút sự vào cuộc của người dân nên đã tạo chuyển biến rõ nét diện mạo vùng đất khó. Chủ trương XDNTM của Hoàng Su Phì là không bê tông hóa, tận dụng các vật liệu sẵn có để chỉnh trang khuôn viên, làm hàng rào trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hội trường thôn và các hộ gia đình bằng vật liệu tự nhiên như tre, nứa, cây gai, găng, râm bụt... Cách làm này, vừa tạo được hàng rào xanh, thân thiện môi trường, hạn chế xói mòn, sạt lở đất, tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo nét văn hóa riêng. Nhận rõ hiệu quả, các cơ quan đã bố trí thời gian, huy động cán bộ, công chức, nhân dân khai thác vật liệu dựng hàng rào. Đến nay, gần 100% trụ sở xã, 15/24 trạm y tế, 114 hội trường thôn, 126 trường học và điểm trường, 880 hộ gia đình dựng được hàng rào xanh.


Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, Hoàng Su Phì đã triển khai lắp đặt bảng tin, cập nhật số liệu tại 43 thôn thuộc 4 xã điểm XDNTM. Qua đó, đã phát huy tốt hiệu quả tuyên truyền, giúp cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan nắm bắt kịp thời tình hình, có biện pháp đôn đốc triển khai. Thực hiện đột phá XDNTM với chủ đề “nhà sạch, vườn đẹp, làm đường giao thông”, Hoàng Su Phì giao Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể huyện xây dựng chương trình hành động, đảm nhận phần việc cụ thể và đến hết năm 2013, có gần 700 hộ đạt tiêu chuẩn, 114 hộ đang tiếp tục triển khai.


Nguồn nội lực trong dân liên tục được củng cố thông qua các mô hình sản xuất tăng thu nhập, nhân dân các xã tích cực tham gia XDNTM. Từ công sức của nhân dân, đã có hàng chục km đường giao thông được mở mới, nhiều tuyến đường liên thôn được bê- tông hóa, hệ thống kênh mương nội đồng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Cùng với việc đóng góp công sức xây dựng các công trình phúc lợi, các hộ gia đình cũng chủ động làm được 1.768 bể nước, 1.748 nhà tắm, 2.642 nhà vệ sinh, các hoạt động y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bộ mặt nông thôn miên núi Hoàng Su Phì đã thực sự đổi thay nhờ Chương trình XDNTM.


Những ngày đầu năm 2014, nhân dân Hoàng Su Phì đang hăng hái lao động sản xuất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,5%; tổng giá trị sản phẩm xã hội 774 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 12 triệu đồng/người; bình quân lương thực đạt trên 565kg/người... Những con số tăng trưởng trên, sẽ bổ sung nguồn lực dồi dào để thực hiện các mục tiêu dài hạn của quá trình XDNTM trên địa bàn Hoàng Su Phì.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang: Đổi mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng nông thôn mới
Triệu Tài Vinh (Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang)HGĐT- Là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn tỉnh có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện chương trình 30a của Chính phủ, 123 xã và 93 thôn bản được đầu tư theo chương trình 135 của Chính phủ; với 22 dân tộc, trong đó trên 86% đồng bào dân tộc
30/09/2013
Xuân Giang, thay đổi rõ nét ở xã điểm xây dựng Nông thôn mới
HGĐT- Xuân Giang là một trong 3 xã điểm về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Quang Bình. Với điều kiện vị trí địa lý, kinh tế khá hơn so với các xã khác nên việc thực hiện NTM đã mang lại nhiều thay đổi rõ nét ở đây. Tiêu biểu nhất là mức thu nhập bình quân đạt trên 17 triệu đồng/người/năm, đây là một trong những “mốc” tiêu chí để xã “cán đích” trước 2 năm.
29/10/2013
Về xã điểm Nông thôn mới Trung Thành
HGĐT- Là một trong 5 xã điểm của huyện Vị Xuyên trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), tính đến thời điểm này, xã Trung Thành đã đạt 9/19 tiêu chí. Mặc dù các tiêu chí đạt được chưa nhiều nhưng để thực hiện được điều đó, xã đã chủ động phát huy nội lực, góp phần đưa quê nghèo vững bước trên lộ trình xây dựng NTM.
28/08/2013
“Cựa mình” diện mạo mới nông thôn
(Xuân Giáp Ngọ)- 3 năm, một khoảng thời gian chưa đủ dài để thay đổi diện mạo cả một vùng nông thôn rộng lớn với nhiều phong tục, tập quán và mức sống khác nhau, nhưng giữa điệp trùng rừng núi Bắc Mê, trong điều kiện sống vô cùng khó khăn thì chương trình Xây dựng Nông thôn mới mang một luồng sinh khí mới đang gõ cửa, làm đổi thay từng nếp nghĩ, nếp nhà của mỗi người dân
28/01/2014