Hà Giang: Đổi mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng nông thôn mới

14:10, 30/09/2013

                        Triệu Tài Vinh (Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang)
HGĐT- Là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn tỉnh có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện chương trình 30a của Chính phủ,
123 xã và 93 thôn bản được đầu tư theo chương trình 135 của Chính phủ; với 22 dân tộc, trong đó trên 86% đồng bào dân tộc thiểu số; là tỉnh nông nghiệp với khoảng 80% dân số sống ở thôn thôn, nhưng lại là tỉnh có nhiều đá nhất và ít nước cho sản xuất nhất,...


Vì vậy, trong chiến lược phát triển, tỉnh chủ trương lấy 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) làm định hướng phát triển để tạo sự đột phá, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; đồng thời xác định, trong quá trình xây dựng NTM thực hiện được tiêu chí nào cũng đều góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh và từng bước CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần tích cực tạo sự chuyển biến làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn ở các xã thực hiện thí điểm của tỉnh và huyện. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn bản, liên gia, các công trình thủy lợi phục phụ tưới tiêu cho sản xuất, trụ sở thôn, nhà văn hoá, cổng trào thôn, tường rào hộ gia đình,… được đầu tư xây dựng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm phát triển khá toàn diện, cơ bản ở các xã điểm. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông, lâm sản,… bắt đầu hình thành và phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh, có tính hàng hoá cao hơn, giúp bà con nông dân thoát nghèo bền vững hơn, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; an ninh, trật tự theo tiêu chí nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, được giữ vững. Qua sơ kết, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương đánh giá Hà Giang là một trong những tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, qua hơn 2 năm theo dõi và chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang nhận thấy: Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền địa phương mới chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng “bê tông hoá” nông thôn, lập quy hoạch,… chưa quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét độc đáo của nông thôn miền núi, vùng cao, bản sắc văn hoá các dân tộc; chưa chú trọng đến khâu tổ chức lại sản xuất cho nông dân, dẫn đến tình trạng sản xuất tự phát, tự cung, tự cấp về giống, phân bón, thuốc trừ sâu,… vẫn phổ biến, làm ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm hàng hóa; chưa lồng ghép được các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, dẫn đến đầu tư dàn trải; việc quy hoạch, lập kế hoạch phát triển thôn, xã, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, triển khai các chương trình chủ yếu áp đặt theo khuôn mẫu từ trên xuống, chưa có nhiều sự bàn bạc, tham gia của người dân, dẫn nhiều chương trình, nhiệm vụ không nhận được sự đồng thuận của nhân dân; sự vào cuộc và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ các cấp chưa cao, chưa được phát huy, thậm chí có nơi coi đó là việc của chính quyền.


Sau 3 năm thực hiện chương trình NTM, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao Hoàng Su Phì đổi thay đáng kể.

Nhận thấy những vấn đề bất cập đó, ngay từ đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã họp bàn và thống nhất quyết định đổi mới để tạo sự đột phá mạnh mẽ hơn trong xây dựng nông thôn mới và việc đổi mới phải bắt đầu từ quan điểm, đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và định hướng phát triển nông thôn mới. Theo đó, quyết định kiện toàn lại Ban Chỉ đạo chương trình nông thôn mới các cấp từ tỉnh đến xã; phân công đồng chí Bí thư cấp uỷ làm trưởng ban chỉ đạo (thay đồng chí Chủ tịch UBND như trước đây), bổ xung thêm các phó trưởng ban là Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Tuyên giáo các cấp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong Ban Chỉ đạo có Thường trực Ban Chỉ đạo là các đồng chí chủ chốt trong Ban Chỉ đạo và lãnh đạo một số ngành trọng điểm (Kế hoạch, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp). Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Ban Quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trước đây, thành Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, do một đồng chí Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư làm Chánh Văn phòng điều phối để trực tiếp tham mưu, đề xuất thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư hiện có của Chính phủ, của địa phương tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về đổi mới nhận thức và cách làm, trước hết Ban Chỉ đạo đặc biệt quan tâm chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền với các chủ đề và khẩu hiệu rất cụ thể, gần dân; chuyển từ tư duy, nhận thức “Xây dựng nông thôn mới”, sang “Thực hiện nông thôn mới” để tránh người dân chông chờ, ỷ lại quá lớn vào các chương trình đầu tư của Nhà nước, không phát huy được sức dân, nguồn lực trong nhân dân; từ nhận thức “Bê tông hóa nông thôn”, sang xây dựng nông thôn mới với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc (khuyến khích các hộ gia đình xây dựng tường rào bằng cây xanh, hoặc xếp đá theo truyền thống của Người Mông, làm đường liên gia bằng xếp đá hoặc giải sỏi…). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới", các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Đàn ông làm đường, đàn bà làm vườn”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… ở tất cả các xã, thôn bằng các biển pa nô, áp phích….

Quan điểm và phương châm đổi mới trong chỉ đạo, điều hành: Phân công lại các ngành thành viên Ban Chỉ đạo từ phụ trách theo dõi địa bàn (trước đây) sang phụ trách tiêu chí nhằm theo dõi, tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới; đổi mới hình thức đầu tư: Từ “đầu tư hỗ trợ cho không” trong sản xuất (đã và đang tạo ra tính chông chờ, ỷ lại rất lớn của người dân), sang “đầu tư có thu hồi, có thưởng cho từng chương trình cụ thể” để khuyến khích phát triển; thực hiện triệt để phương châm: Việc gì dễ làm trước, khó làm sau; việc gì không cần tiền làm trước, cần tiền làm sau, cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau; nông thôn mới phải có tinh thần đoàn kết, có bầu không khí dân chủ, có dư luận xã hội tốt, đời sống và thu nhập của người dân được nâng cao qua từng mùa vụ, từng chương trình. Đồng thời, tập trung chỉ đạo làm tốt khâu “Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân”, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu với 5 cùng (cùng thời vụ, cùng giống, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh, cùng thu hoạch); phát triển đổi ngũ khuyến nông viên thôn bản nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị các sản phẩm hàng hóa,…. Về nguồn lực: Huy động và lồng ghép tất cả các chương trình, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hiện có, nguồn vốn vay tín dụng lãi xuất thấp, các nguồn hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân…tập trung cho thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.v.v.

Với những đổi mới và quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt có trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ các cấp, hy vọng mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2015, Hà Giang có 20% số xã, năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM sẽ trở thành hiện thực; đưa chương trình "Chung sức xây dựng NTM" thành cuộc vận động sâu rộng trong toàn tỉnh; vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy trong chương trình xây dựng NTM ở Hà Giang được khẳng định và phát huy cao độ, với sự đồng bộ, quyết liệt hơn; huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi người dân tham gia thực hiện nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Hà Giang với các tỉnh trong khu vực./
                    
                                                                 Hà Giang, tháng 9/2013
                                                                              T.T.V


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về xã điểm Nông thôn mới Trung Thành
HGĐT- Là một trong 5 xã điểm của huyện Vị Xuyên trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), tính đến thời điểm này, xã Trung Thành đã đạt 9/19 tiêu chí. Mặc dù các tiêu chí đạt được chưa nhiều nhưng để thực hiện được điều đó, xã đã chủ động phát huy nội lực, góp phần đưa quê nghèo vững bước trên lộ trình xây dựng NTM.
28/08/2013
Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM
HGĐT- Ngày 26.6, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 11 huyện, thành phố về sơ kết chương trình hoạt động 6 tháng đầu năm 2013, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể
28/06/2013
Hội thảo “Hội khuyến học tham gia Chương trình xây dựng Nông thôn mới”
HGĐT - Ngày 26.9, Hội Khuyến học và Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tỉnh phối hợp UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội thảo “Hội Khuyến học tham gia Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM)”. Tham dự có các đồng chí: Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Quang Bình; Hạng Mý De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.
27/09/2013
Thôn Vĩnh Tiến - điểm sáng mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”
HGĐT- Thực hiện nội dung đột phá “Nhà sạch-vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quản Bạ trong năm 2013, xã Quyết Tiến đã chọn thôn Vĩnh Tiến thực hiện làm điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 48/48 hộ gia đình của thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch - vườn đẹp”.
23/07/2013