Xín Mần nối dài đường bê tông thôn, bản

11:14, 17/11/2021

BHG - Giao thông đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển KT – XH của địa phương, vì vậy, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông, huyện Xín Mần đã chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn phát huy nội lực, huy động sức dân và tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh để làm đường giao thông cơ sở. 

 Nhân dân thôn Cốc Cái, xã Cốc Rế làm đường giao thông liên thôn.
Nhân dân thôn Cốc Cái, xã Cốc Rế làm đường giao thông liên thôn.

Cốc Rế là một trong những xã của huyện Xín Mần thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa làm đường giao thông, do vậy, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được hoàn thành góp phần thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế. Điều đó một lần nữa được chứng minh khi tuyến đường từ trường cấp 2 của xã đi thôn Cốc Cái đã được bê tông với sự đồng tâm, đồng lòng của nhân dân. Trước đây, con đường dài hơn 1 km rất khó đi, trời nắng thì bụi, mưa thì lầy, rất khó khăn trong việc giao thương hàng hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Cốc Rế tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhân dân đã thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương đến thực hiện.

Cùng đó, xã huy động nguồn xã hội hóa từ cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trên địa bàn huyện ủng hộ tiền mặt, phương tiện và ngày công. Việc huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa được chính quyền từ huyện đến cơ sở công khai, minh bạch; giúp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức thấy được tầm quan trọng của công tác này là mang lại lợi ích cho nhân dân, từ đó đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của. Tuyến đường liên thôn Cốc Cái có chiều dài 1km, rộng 3,5m, dầy 16 cm với tổng số tiền trên 700 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 195 tấn xi măng tương đương trên 131 triệu đồng, số còn lại xã kêu gọi sự tham gia đóng góp của cán bộ và nhân dân, sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Sau 1 tháng triển khai, con đường đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân và phục vụ phát triển KT – XH của địa phương. 

Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước huyện đã tranh thủ huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và trong nhân dân để xây dựng giao thông nông thôn. Không chỉ riêng xã Cốc Rế, các xã, thị trấn của huyện Xín Mần đã tích cực kêu gọi các nguồn lực làm đường giao thông, tạo diện mạo mới cho địa phương. Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở các đầu điểm được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 1.590 tấn xi măng, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết về khối lượng công việc, tổ chức thực hiện, cấp xi măng cho từng đầu điểm, bao gồm: Xã Tả Nhìu 436 tấn, thực hiện 3 km; Nà Chì 408 tấn, 2,48 km; Xín Mần 146 tấn, 1 km; Cốc Rế cấp 237 tấn, 1,29 km; Khuôn Lùng 363 tấn, 3,419 km. Đến nay, hầu hết các xã đã hoàn thành 100% các đầu điểm đăng ký theo đúng tiến độ, kế hoạch.

Quán triệt chủ trương “Thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với công tác đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19” của huyện, các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng NTM qua loa phát thanh được 35 buổi, 1.198 lượt người tham gia. Tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, cải tạo nhà ở, cảnh quan khu dân cư; khơi thông, tu sửa kênh mương; phòng, chống thiên tai. Vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động mở rộng, san nền, xây dựng đường bê tông nông thôn được 1.544 ngày công, hiến 2.254 m2 đất mở đường đại đoàn kết, đường giao thông nông thôn; nâng cấp, sửa chữa 1.395 m đường và mở mới 672 m đường... 

Dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên công tác huy động sức dân và các nguồn lực từ bên ngoài để cùng với Nhà nước xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã và đang từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống đường giao thông tiếp tục được mở rộng, tuyến đường bê tông được nối dài đến thôn, bản và các nhóm dân cư, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bài, ảnh: Văn Long


Cùng chuyên mục

Nhiều sản phẩm đặc trưng ở Bắc Mê chưa tìm được hướng đi

BHG - Chương trình OCOP được xem là "cánh cửa" mở đối với lĩnh vực nông nghiệp của huyện Bắc Mê. Tuy được đánh giá là huyện có tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, song cũng còn không ít những khó khăn, rào cản khi triển khai thực hiện chương trình này; cần có những giải pháp manh tính đột phá mới đạt được mục tiêu đề ra.

31/10/2021
Hồi ức 30 năm Agribank Hà Giang

BHG - Agribank Việt Nam được Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định thành lập vào ngày 26.3.1988, với tên gọi đầu tiên là Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam. Agribank Hà Tuyên chính thức được thành lập ngày 18.5.1988. Đến tháng 10.1991, Agribank chi nhánh Hà Tuyên tách ra thành Agribank chi nhánh Tuyên Quang và Hà Giang.

31/10/2021
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế

BHG - Hỗ trợ hội viên phụ nữ (HVPN) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức, giải pháp sáng tạo. Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đã tạo điều kiện cho chị em vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH tại địa phương. 

16/11/2021
Đa dạng các ngành nghề ở Xuân Giang

BHG - Xã Xuân Giang (Quang Bình) đang trở thành 1 trong những địa phương phát triển đa dạng các ngành nghề từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, những bản sắc văn hóa của người dân luôn được gìn giữ và phát huy với nhiều sản phẩm thêu, dệt đặc trưng.

16/11/2021