Bứt phá trong giảm nghèo nơi địa đầu Tổ quốc: Kỳ cuối: Giá trị nhân văn từ tín dụng chính sách

19:34, 07/09/2020

BHG - Từ sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy về tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chung sức hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.

Xưởng cơ khí của anh Lưu Mạnh Thắng (bên phải), tổ 2, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) giúp nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Xưởng cơ khí của anh Lưu Mạnh Thắng (bên phải), tổ 2, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) giúp nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định.

Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc với hơn 277 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố với 193 xã, phường, thị trấn cùng 2.071 thôn, bản. Tuy nhiên, có đến 7 huyện và 163 xã thuộc vùng khó khăn, 34 xã biên giới, 1.408 thôn đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, tỉnh ta có 19 dân tộc cùng sinh sống với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn… Chính bởi vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với TDCSXH đã góp phần tạo nên bứt phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Chỉ thị số 40 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH” của Ban Bí thư T.Ư Đảng đi vào cuộc sống đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa nguồn vốn TDCSXH thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, thúc đẩy họ tìm cách làm, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần tư duy ỷ lại để vươn lên thoát nghèo. Có thể nói, đây là một hình thức đổi mới cách đầu tư cho hộ nghèo; nhằm khắc phục hạn chế từ việc “cho cá” sang trao “cần câu”, dựa trên kế hoạch sản xuất của người dân, trách nhiệm sử dụng vốn và hoàn vốn cho Nhà nước thông qua NHCSXH.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh thăm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn sáng của khách hàng Trần Thị Lan, tổ 4, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.
Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh thăm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn sáng của khách hàng Trần Thị Lan, tổ 4, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.

TDCSXH đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu tiếp cận vốn cho người nghèo, trong khi họ khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thương mại khác. Qua đó, tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc sống. Bà Trần Thị Lan, tổ 14, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) không giấu được niềm vui: “Ở tuổi ngoài 50, vợ chồng tôi bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm dịch vụ ăn sáng. Để có cơ nghiệp với thu nhập tương đối ổn định này, chúng tôi được NHCSXH tỉnh tin tưởng, giải ngân nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ gói giải quyết việc làm. Còn trước đó, tôi đã mạnh dạn vay vốn sinh viên, với tổng số tiền 50 triệu đồng từ NHCSXH tỉnh để có thêm kinh phí, giúp 2 con chắp cánh ước mơ nơi giảng đường đại học”. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ cha tảo tần sớm hôm với đủ thứ nghề vất vả; cô con gái Sầm Thu Hương của bà nay đã là Bác sĩ Chuyên khoa I – Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư). Còn con trai út Sầm Thái Thông sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ thông tin – Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã có việc làm ổn định tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Hà Nội). Đặc biệt, anh đang là Tổ trưởng Tổ kỹ thuật của Công ty, phụ trách khâu kỹ thuật trong thực hiện phần mềm Đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Cũng từ nguồn vốn TDCSXH, với số tiền được giải ngân lên đến 80 triệu đồng đã giúp anh Lưu Mạnh Thắng, tổ 2, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) có thêm nguồn lực mở xưởng cơ khí với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Không những vậy, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động (đều là thanh niên dân tộc thiểu số) với thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình anh Nguyễn Trung Hiệp, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) nay đã có nhà xây khang trang, hiện đại với tổng diện tích sử dụng lên đến 250 m2. “Nếu như trước đây, nơi ở của gia đình tôi chỉ vỏn vẹn 18 m2 thuộc khu Nhà công vụ giáo viên; thì nay, chính nhờ nguồn vốn vay TDCSXH 300 triệu đồng đã giúp vợ chồng tôi hiện thực hóa về chốn an cư, lạc nghiệp”, anh Hiệp chia sẻ…

Niềm vui của bà Lan, anh Thắng hay anh Hiệp cũng là cảm xúc chung của rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Bởi giai đoạn từ năm 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh đã triển khai 15 chương trình TDCSXH. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt gần 5.000 tỷ đồng/163.054 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ bình quân tăng từ 19 triệu đồng/hộ lên 37,2 triệu đồng/hộ so với đầu giai đoạn. Đặc biệt hơn, thông qua vốn TDCSXH đã giúp hơn 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 413 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho 10.903 lao động tại địa phương. Đồng thời, 34.865 công trình “Nước sạch và vệ sinh môi trường” đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng; 1.339 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng từ một phần vốn TDCSXH... Không những vậy, nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH với mạng lưới phủ khắp các địa bàn đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng (tín dụng đen) ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, đời sống nhân dân, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn không ngừng nâng cao, điều kiện kinh tế được cải thiện, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. Và nguồn vốn TDCSXH đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) trên địa bàn toàn tỉnh từ 43,65% (năm 2015) xuống 26,73% (năm 2019)...

Thực tế chứng minh, hoạt động TDCSXH chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, TDCSXH được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài,  ảnh: THU PHƯƠNG

[links()]


Cùng chuyên mục

Trao thưởng Chương trình "Mở tài khoản – Nhận quà lớn cùng Agribank"

BHG - Sáng 31.8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức trao thưởng cho khách hàng may mắn trúng thưởng giải Nhì của Chương trình "Mở tài khoản – Nhận quà lớn cùng Agribank".

 

31/08/2020
Khởi sắc bức tranh giảm nghèo ở Quản Bạ

BHG - Qua điều tra, rà soát theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn huyện Quản Bạ có trên 6.780 hộ nghèo, chiếm 61%...

31/08/2020
Yên Minh tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

BHG - Những năm gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Minh đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại, gia trại; không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là hướng đi thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa hiệu quả; góp phần xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.

 

31/08/2020
Bắc Quang cần "cú hích" mới

BHG - Trong 5 năm tới, Bắc Quang quyết tâm cao để đưa 12 xã còn lại hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Công việc bộn bề, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế, chỉ có quyết tâm chính trị là chưa đủ, vì vậy lời giải cho bài toán này cần một "cú hích" đủ lớn để tạo ra nguồn lực thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở Bắc Quang.

 

31/08/2020