Vị Xuyên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa

07:42, 09/02/2017

BHG- Những năm qua, ngành chăn nuôi của huyện Vị Xuyên có bước tăng trưởng khá, tốc độ phát triển nhanh theo hướng hàng hóa; nhận thức của đông đảo nhân dân về phát triển chăn nuôi hàng hóa cũng được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững; từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa của anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm.
Trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa của anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm.

Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vị Xuyên là 771.218 con. Trong đó, đàn trâu là 34.930 con; đàn bò là 2.849 con, tăng 626 con so với năm trước; đàn lợn là 79.773 con, tăng 5.705 con; đàn dê 17.873 con, tăng 795 con; đàn gia cầm là 635.793 con, tăng 16.867 con so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vị Xuyên, chăn nuôi đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, XĐGN của địa phương. Thời gian qua, huyện đã áp dụng nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tập trung thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, các cấp chính quyền cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn các hộ làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà chứ không thả rông như trước, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc và đất vườn tạp để trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi. Hiện, diện tích cỏ toàn huyện là 1.978,5 ha, trong đó diện tích trồng mới 543,4 ha.

Cùng với đó, Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã góp phần khuyến khích, tạo đà cho phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 3.999 hồ sơ đăng ký vay vốn, với số vốn đăng ký vay là 279.922 triệu đồng. Trong đo, có 3.748 hộ đăng ký vay nuôi trâu, bò với tổng số vốn là 258.210 triệu đồng; vay làm chuồng gia súc là 181 hộ với số tiền là 13.029 triệu đồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm định nên đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới giải ngân được 136 hồ sơ với tổng số tiền là 15 tỷ 905 triệu đồng.

Đến thăm trang trại chăn nuôi bò của chị Đỗ Minh Thông ở thôn Lùng Châu, xã Phong Quang; chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước quy mô chuồng trại rộng lớn của gia đình chị. Sau khi được giải ngân với số vốn lên đến 1,5 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, chị đã mạnh dạn đầu tư trên 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò với quy mô trên 500 m2; mua 58 con bò mẹ sinh sản, giống Mahattan; trồng 16 ha cỏ, mua máy nghiền cỏ trị giá 46 triệu đồng... Chị Thông cho biết, hiện gia đình chị đang thuê 8 lao động thường xuyên, vừa trồng cỏ, chăm sóc đàn bò, vừa chăm sóc, thu hoạch vườn thanh long rộng 1,6 ha của gia đình. Chứng kiến hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, sạch sẽ thoáng mát, được bố trí khoa học với đầy đủ các thiết bị như: Điện chiếu sáng, máng uống nước tự động, hệ thống chứa, ủ, xử lý chất thải,... và đàn bò mẹ béo tốt, được chăm sóc kỹ lưỡng, chúng tôi tin rằng trang trại nuôi bò sinh sản của gia đình chị Thông sẽ ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động của địa phương.

Cũng hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhưng anh Nguyễn Văn Toàn, trú tại thôn Chang, xã Việt Lâm lại lựa chọn con lợn làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Anh Toàn tâm sự: “Năm 2009, tôi quyết định cải tạo vườn đồi bỏ hoang của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Ban đầu chỉ xây 1 dãy chuồng trại với hơn chục ô, nuôi 3 con lợn giống. Đến nay, gia đình tôi có 4 dãy chuồng trại với tổng cộng trên 40 ô, nuôi 40 con lợn nái và trên 400 con lợn thịt; mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 60 – 80 tấn lợn hơi, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 200 – 300 triệu đồng/năm...”. Cùng với những tấm gương điển hình như chị Thông, anh Toàn, trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày càng xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa như: Trang trại của ông Trịnh Quốc Huy tổ 11, thị trấn Việt Lâm với tổng đàn trên 700 con cả lợn nái, đực giống và lợn thịt; trang trại của ông Ngô Văn Hải tổ 5, thị trấn Việt Lâm với tổng đàn trên 2.000 con gà thương phẩm; trang trại của bà Nguyễn Thị Ngoan thôn Độc Lập, xã Đạo Đức với tổng đàn trên 1.000 con gà, vịt các loại,... đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Qua những mô hình chăn nuôi thành công, có thể thấy người dân Vị Xuyên đã bước đầu chuyển từ hình thức chăn nuôi tự do, phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân nâng cao nhận thức, cải tiến phương thức chăn nuôi, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương...” – Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Lương Văn Đoàn khẳng định.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những thắng lợi của năm 2016 tạo nền tảng trong sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

Xuân 2017 - Thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã năng động, sáng tạo linh hoạt đề ra các giải pháp đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ngay từ những tháng đầu của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. 

31/01/2017
Những cách làm hay – Những mô hình mới ở Vị Xuyên

Xuân 2017 -  Một mùa Xuân mới đã về trên quê hương Vị Xuyên, Xuân năm nay trên địa bàn huyện trở nên sống động hơn bởi những con đường bê tông sạch đẹp trải dài tận các ngõ xóm. Nhiều công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế được hình thành và phát triển, giúp bà con nhân dân cuộc sống thêm ổn định và vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH, giữ vững QP – AN trên địa bàn huyện. 

31/01/2017
Xuân mới, nông thôn cũng mới

Xuân 2017 - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 28.4.2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Giang đến năm 2020, đến nay (thời điểm 7.12.2016) toàn tỉnh có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

28/01/2017
Xây dựng Nông thôn mới: Cần giữ vững nhóm tiêu chí "mềm"

BHG- Là xã thứ 5 trên địa bàn tỉnh và xã đầu tiên của huyện Bắc Quang đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn 1 năm "cán đích", chính quyền xã Vĩnh Phúc vẫn luôn xác định XD NTM không chỉ kết thúc ở việc hoàn thành 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát huy thành quả đạt được. Song để giữ vững các tiêu chí, tạo "cú huých" đưa xã phát triển hơn nữa là vấn đề không đơn giản.

09/02/2017