Xuân mới, nông thôn cũng mới

08:27, 28/01/2017

Xuân 2017 -  Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 28.4.2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Giang đến năm 2020, đến nay (thời điểm 7.12.2016) toàn tỉnh có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm bắt đầu từ người đứng đầu cấp ủy cho đến sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Nghị quyết 04 ra đời chính là đường hướng cho mọi sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho Hà Giang thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước.

Đồi thông Yên Minh điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh: LÊ LÂM
Đồi thông Yên Minh điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh: LÊ LÂM

Phong trào “Hà Giang chung sức xây dựng NTM” đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa nội lực của nhân dân với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau”. Công tác lập quy hoạch NTM tại các xã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tương đối nghiêm túc. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời các địa phương huy động sức dân vừa với khả năng của từng vùng, đảm bảo hài hòa với các nhiệm vụ khác; phong trào hiến đất, hiến công và ủng hộ bằng tiền để triển khai việc xây dựng NTM được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, bước đầu đã có tác động và tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và một số bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân để xây dựng NTM. Cụ thể, đến hết 2015 toàn tỉnh đã có 14/176 xã đạt tiêu chí nông thôn bằng 8%; 94/176 xã đạt tiêu chí thủy lợi bằng 53,4%; có 46/176 xã đạt tiêu chí số 4 “Điện nông thôn” bằng 26%; có 23/176 xã đạt tiêu chí trường học bằng 13,8%; 15/176 xã đạt chuẩn cơ sở vật chất văn hóa; 50/176 xã hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn bằng 28,4%; 113/176 xã đạt tiêu chí Bưu điện; 108/176 xã hoàn thành tiêu chí về y tế bằng 61,3%. Thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tạo thu nhập cao, ổn định phát triển và nhân rộng. Bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất, nhiệm vụ tái cơ cấu, đổi mới quy mô sản xuất được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đến nay đã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất như việc thành lập các tổ quản lý điều hành sản xuất tại thôn, bản, phát triển các Nhóm sở thích, Tổ hợp tác, HTX sản xuất nông – lâm nghiệp – dịch vụ... qua đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, góp phần nâng cao tổng thu nhập bình quân đầu người đến 2015 tăng 8,86 triệu đồng so với năm 2010 và đã có 90/176 xã đạt tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”. Việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền và tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở được quan tâm. Đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn và đoàn thể tại các xã đã được bố trí, sắp xếp đầy đủ trong hệ thống chính trị tại cơ sở. Đến nay đã có 132/176 xã hoàn thành tiêu chí số 18 “Hệ thống chính trị” đạt 75%. An ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững và ổn định; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi góp phần đảm bảo môi trường thuận lợi cho xây dựng NTM... Trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo điểm nhấn trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Điển hình như: Huyện Vị Xuyên có Kế hoạch triển khai với chủ đề “Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, tổ chức lại sản xuất, làm đường giao thông” và chỉ rõ 15 việc của xã, 16 việc của thôn và nhân dân trong chương trình xây dựng NTM; mô hình Hội đồng quản lý và phát triển thôn ở xã Việt Lâm (nay là HTX sản xuất dịch vụ Nông, lâm nghiệp Toàn thôn Chang, xã Việt Lâm); thành phố Hà Giang ban hành và triển khai thực hiện “Chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn, tám việc của xã”; huyện Quang Bình với chủ đề “Một trọng tâm, ba đột phá, ba xã điểm, một làng mới, mỗi thôn gắn với chương trình 5 cây”; huyện Bắc Quang có mô hình quản lý “Thôn tự chủ, tự quản”; huyện Xín Mần với mô hình “Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp”; huyện Hoàng Su Phì phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động...

Nhờ có Chương trình xây dựng NTM mà hệ thống kênh mương hóa nội đồng được đầu tư một cách đồng bộ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ảnh: CTV
Nhờ có Chương trình xây dựng NTM mà hệ thống kênh mương hóa nội đồng được đầu tư một cách đồng bộ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ảnh: CTV

Mục tiêu chung của Phong trào thi đua “Hà Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 – 2020 là phấn đấu hoàn thành cơ bản về kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống cho dân cư nông thôn; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh – sạch – đẹp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM; duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt tiêu chuẩn NTM, thực hiện mỗi huyện một sản phẩm hàng hóa, mỗi xã có một thôn điển hình theo hướng phát triển toàn diện...

Lại mùa Xuân mới đang về. Trên khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh đang hân hoan đón chào mùa xuân trong không khí vui tươi, đầm ấm. Càng hạnh phúc hơn khi mà các vùng miền đang ngày càng phát triển nhờ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Nó đã mang đến cho các vùng nông thôn trong tỉnh một luồng sinh khí mới, tạo đà cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

QUỲNH ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Cầu nối" nghị quyết với nông dân

Xuân 2017 - Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND (gọi tắt là Nghị quyết 209), về việc "Ban hành Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh", áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp. 

27/01/2017
Phòng Tài chính – Kế hoạch Mèo Vạc: Góp sức cùng huyện nghèo vượt khó

Xuân 2017 - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với việc làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Mèo Vạc đã đóng góp một phần không nhỏ công sức vào công cuộc phát triển KT – XH của huyện nhà, để Mèo Vạc hôm nay có một diện mạo đổi thay.

27/01/2017
Ban Quản lý các Dự án phát triển nông thôn: Đổ "mồ hôi" giải "cơn khát" cho đồng bào vùng cao

Xuân 2017 - Mấy năm gần đây, 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh luôn trong tình trạng ít mưa. Năm nay cũng vậy, lượng mưa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ; tuy chưa vào mùa khô, nhưng các con sông, dòng suối chảy trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn mực nước rất thấp. 

27/01/2017
Đồng hành với quyền lợi người tiêu dùng

Xuân 2017 - Năm 2016 trôi qua, theo đánh giá của ngành Công thương, nhìn chung tình hình thị trường, cung, cầu hàng hóa trên địa bàn cơ bản ổn định; tình hình kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến không phức tạp, chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn về buôn lậu và hàng giả; hoạt động kinh doanh của thương nhân nước ngoài trên địa bàn được kiểm soát tốt, không phát hiện vụ việc thương nhân nước ngoài thu mua nông, lâm sản trái phép. 

27/01/2017