Hiệu quả phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học – công nghệ

08:04, 25/06/2013

HGĐT- Việc phân cấp quản lý Nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) cho các huyện, thành phố là chủ trương đúng đắn của tỉnh; giúp các địa phương chủ động thực hiện hoạt động KHCN thông qua việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự triển khai... Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất tại cơ sở, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.



Nghiên cứu ươm giống cam sành tại huyện Bắc Quang.


Để hoạt động KHCN nhanh chóng phát huy được vai trò là nền tảng, động lực đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH đất nước, việc phân cấp QLNN về KHCN thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân, nó sẽ giúp các địa phương phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KHCN được triển khai trên địa bàn. Cùng với đó, góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong việc triển khai hoạt động nghiên cứu cũng như tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Góp phần đảm bảo thực hiện công tác QLNN một cách toàn diện, chặt chẽ, linh hoạt trong ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học thành công vào thực tiễn cuộc sống. Từ thực tiễn đó, từ năm 2007, tỉnh ta quyết định phân cấp QLNN trên một số lĩnh vực cho các huyện, thành phố. Quyết định đó được Sở KHCN tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn cho các huyện, thành phố ngay từ khi triển khai cũng như thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện trong từng năm.

 

Qua hơn 6 năm phân cấp QLNN trên lĩnh vực KHCN đã đạt được những kết quả nổi bật: Tổ chức bộ máy QLNN về KHCN cấp huyện, thành phố dần được kiện toàn, đi vào hoạt động nề nếp. Tính đến cuối năm 2011, có 11 huyện, thành phố kiện toàn Hội đồng KHCN và bố trí cơ quan thường trực đặt tại Phòng Công thương hoặc Phòng Kinh tế. Đồng thời, bố trí cán bộ lãnh đạo phụ trách Hội đồng cũng như cắt cử 1 cán bộ chuyên trách về KHCN. Nhờ đó, các địa phương thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác QLNN trong lĩnh vực KHCN; làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát cũng như phối hợp với cơ quan chuyên ngành của tỉnh trong thanh, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật trên lĩnh vực KHCN ở địa bàn; thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp trong công tác kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hóa. Đặc biệt là thường xuyên kiểm tra các điểm bán xăng, kiểm tra hàng hóa đóng gói sẵn. Hầu hết các huyện, thành phố thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án mở rộng, đề tài khoa học, dự án cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các đơn vị trong công tác chọn điểm, chọn hộ và xây dựng mô hình. Công tác thông tin và thống kê KHCN trên địa bàn cũng được duy trì, cập nhật thường xuyên, trên cơ sở đó làm căn cứ để đưa ra những định hướng trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương. Trong lĩnh vực ứng dụng tiến bộ KHCN, từ năm 2007 đến nay, kinh phí sự nghiệp khoa học đã hỗ trợ cho các huyện, thành phố triển khai trên 78 dự án mở rộng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Kết quả, các dự án đã tạo ra gần 200 mô hình trình diễn trong sản xuất trên diện tích thực hiện gần 400 ha. Trong đó có 20 mô hình nâng cao hệ số sử dụng đất từ 2 vụ lên 3 vụ với hàng chục nghìn lượt người được tập huấn kỹ thuật. Ngoài việc tạo ra các mô hình điểm cho nhân dân chủ động học tập, áp dụng vào thực tế, các mô hình còn giúp địa phương tìm kiếm được định hướng mới để đưa vào phương hướng phát triển. Từ việc nhân rộng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân vùng thực hiện dự án lên từ 1,5 đến 2 lần. Có những dự án lợi nhuận thu được lên tới 50 triệu đồng/ha. Qua đó góp phần tăng tổng sản lượng lương thực, tạo động lực khuyến khích bà con nông dân, chính quyền địa phương chủ động đưa các tiến bộ KHCN vào sản xuất. Nhiều dự án phát huy hiệu quả cao như: Ứng dụng công nghệ mới trong trồng, cải tạo thâm canh và chế biến chè Shan tuyết; Ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình sản xuất cây giống rau, hoa và rau quả thương phẩm chất lượng cao tại Quản Bạ; phát triển giống lúa Vân Quang 14 tại Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Quang thay thế giống cũ năng suất thấp...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cơ bản như: Công tác tuyển chọn, thẩm định nhiệm vụ, nghiệm thu kết quả các dự án chưa cao; quá trình tổ chức thực hiện thiếu sự giám sát và phối hợp với các cơ quan chuyên ngành; nhiều dự án triển khai còn chậm so với tiến độ, đặc biệt chủ nhiệm một số dự án thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện dẫn đến kết quả đạt thấp, hiệu quả tuyên truyền không cao...

 

Giai đoạn 2013 – 2015, tỉnh tiếp tục thực hiện mạnh công tác QLNN trên lĩnh vực KHCN với mục tiêu, quản điểm cơ bản đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trên lĩnh vực KHCN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia; phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các sở, ngành; đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa giao nhiệm vụ hàng năm và điều kiện để thực hiện.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

In - tơ - nét về với Sủng Trà
HGĐT- Đã bao đời nay, người dân xã Sủng Trà (Mèo Vạc) hàng ngày miệt mài gieo từng cây ngô trên đá, cùng nhau đoàn kết bám trụ nơi đất khó. Nhưng từ khi công nghệ thông tin về với xóm làng, đặc biệt nhân dân được tiếp cận với in – tơ – nét (internet) đã thực sự làm chuyển biến trong nhận thức cũng như trong đời sống sinh hoạt của không chỉ cán bộ mà đồng bào các dân tộc
28/05/2013
Tính ưu việt của Hải quan điện tử bước đầu được bắt nhịp và làm chủ
HGĐT- Đơn giản, tiện tích, hiện đại, nhanh gọn, minh bạch thông tin, các doanh nghiệp có thể dễ dàng khai báo thủ tục hải quan ở bất cứ nơi nào có máy tính nối mạng Internet... Tính ưu việt của việc triển khai thực hiện Hải quan điện tử (HQĐT) ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Thanh Thủy đang kỳ vọng giúp doanh nghiệp bắt nhịp được với thương mại Quốc tế.
28/05/2013
Nậm Ty - điểm sáng ứng dụng công nghệ thông tin
HGĐT- Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì hơn 30 km về phía Nam, xã Nậm Ty được nhiều người biết đến là vùng chè xanh nổi tiếng. Không chỉ tự hào khi sở hữu những sản phẩm chè chất lượng cao, mấy năm gần đây Nậm Ty cũng vươn lên, trở thành điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, là địa phương có tỷ lệ
28/05/2013
Nguồn nước hơn tỷ năm lộ diện trong lòng đất
Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện nguồn nước có niên đại trên một tỷ năm dưới lòng đất tại Canada.
27/05/2013