Nhiều bài học bổ ích từ “Vườn rau bán trú”

17:25, 03/10/2014

HGĐT- Một vườn rau xanh tốt, có diện tích khoảng 700m2 là thành quả lao động của thầy, trò trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Lao Và Chải (xã Lao Và Chải, Yên Minh). Nhờ mô hình vườn rau bán trú, nhiều năm nay, bữa ăn của học sinh ở bán trú được cải thiện. Song, kết quả thu được nhiều hơn là việc cùng tạo ra môi trường học tập, lao động tập thể, đem lại những bài học bổ ích cho học sinh trong trường.



         Học sinh trường PTDTBT THCS Lao Và Chải chăm sóc vườn rau.


“Nhằm khắc phục những khó khăn của một trường vùng cao còn nhiều thiếu thốn, ý tưởng ban đầu là cố gắng tận dụng các diện tích đất quanh trường để trồng rau cải thiện bữa ăn cho học sinh. Từ 14 luống rau đầu tiên giao cho các lớp chăm sóc, mỗi năm diện tích vườn rau lại được mở rộng hơn”, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lao Và Chải, Nguyễn Thị Cảnh chia sẻ. Về sau, khi định mức tiền ăn hàng tháng của học sinh được tăng lên 460 nghìn đồng/tháng, nhà trường có chủ trương để bếp ăn tập thể mua lại rau của các lớp, tạo ra một khoản quỹ cho lớp học. Năm học trước, có lớp thu được đến 7 triệu đồng tiền bán rau, lớp ít hơn thì được khoảng 3 – 4 triệu đồng. Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, còn thiếu nước vào mùa đông, song vườn rau vẫn được duy trì xanh tốt quanh năm, mùa nào thức ấy.


Hình thức làm vườn là học sinh nộp phân bón, tham gia các khâu làm đất, gieo hạt, tưới nước... theo chu kỳ phát triển của cây dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm.


Em Mua Thị Sau, học sinh lớp 9A, vui vẻ tâm sự: “Hàng năm nhà trường phân cho mỗi lớp một luống rau để chăm sóc, riêng lớp em có 8 luống nhỏ trồng các loại rau dền, cải... Đợt bán rau đầu tiên của năm học này, lớp em thu được 400.000 đồng. Số tiền bán rau cho bếp ăn tập thể được dùng để mua đồ dùng học tập, trang trí lớp học, mua quần áo cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay em cũng được mua áo mới, em cảm thấy rất vui”. Những giờ lao động tập thể như thế này luôn rộn rã tiếng cười nói của thầy và trò. Đây cũng là hoạt động giúp học sinh nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với những công việc tập thể.


Nhắc đến lợi ích của vườn rau bán trú, cô Nguyễn Thị Cảnh, cho biết thêm: “Vườn rau của nhà trường được xây dựng từ lúc tách trường năm 2009, đây là nơi để cho các em áp dụng các kỹ thuật làm đất, trồng cây được học ở trên lớp vào trồng rau, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, các em còn có thể về nhà áp dụng trồng rau và hướng dẫn kỹ thuật cho bố mẹ. Tiền bán rau cho nhà trường cũng giúp các lớp có một khoản quỹ để sử dụng mua đồ dùng học tập, có lớp dùng mua quần áo mới cho học sinh”.


Đặc biệt, trường còn có sáng kiến làm “Vườn rau khuyến học” do một đội tình nguyện khuyến học gồm 45 học sinh và 32 cán bộ giáo viên cùng chăm sóc vườn rau, đến kỳ thu hoạch sẽ bán cho bếp ăn tập thể để có một khoản quỹ kịp thời động viên học sinh trong các đợt thi đua của nhà trường. Từ khi có vườn rau, tỷ lệ học sinh đến trường tăng đều, năm học 2014 – 2015, nhà trường huy động được 313 học sinh ở cả 4 khối lớp, đạt 96%, tăng 2,2% so với năm học trước. Với những lợi ích thiết thực, tin rằng các vườn rau bán trú như thế này sẽ ngày càng được nhân rộng ở nhiều trường học bán trú trong tỉnh.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
HGĐT- Nhận thức sâu sắc vị trí vai trò của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2014, Đảng uỷ Quân sự tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo động lực to lớn, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính
27/09/2014
Vươn lên làm giàu từ nuôi lợn
HGĐT- Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1969) và chị Đỗ Thị Yến, thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên (huyện Quang Bình) trong một ngày trung tuần tháng 8; đây là một gia đình phát triển kinh tế khá vững chắc từ mô hình chăn nuôi VAC mà Ngân hàng Nông nghiệp huyện giới thiệu với chúng tôi. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho tôi khi vừa bước chân vào đến cổng
27/08/2014
Bệnh binh Vàng Kháy Sèng vươn lên thoát nghèo
HGĐT- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, các thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Xín Mần nói chung, xã Ngán Chiên nói riêng đã khắc phục khó khăn, luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, là những “chiến binh” đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và trở thành những tấm gương tiêu biểu
26/07/2014
“Ông Cựu binh” ở Nam Sơn
HGĐT- Đến xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), hỏi ông Chỉnh chủ xưởng sản xuất, chế biến chè lớn nhất nhì xã, không ai không biết ông. Nhưng, bà con nơi đây còn quen gọi ông là “ông Chỉnh cựu binh”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1986 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; ông gia nhập quân ngũ
24/07/2014