Vừ Mí Mua - Người thầy thuốc của thôn Ma Sí
HGĐT- Nói đến cái tên Vừ Mí Mua, dân trong bản Ma Sí, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn đều tấm tắc gật đầu: “Từ khi có nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) Vừ Mí Mua làm việc, bọn trẻ trong bản cũng ít ốm hơn, phụ nữ mang thai biết phải làm gì cho đứa con trong bụng khỏe, còn người già hay thanh niên đều thán phục nó phán rồi chữa cái bệnh giỏi hơn thầy cúng. Có Mua làm NVYTTB từ lâu chúng ta không còn đi mời thầy cúng về chữa bệnh nữa rồi”.
Gặp Mua trong một buổi giao ban công tác Y tế của Trạm Y tế xã Ma Lé. Tuy Mua nói bằng tiếng phổ thông còn ngọng, nhưng nhìn vẻ mặt hăng hái, phong thái chững chạc khi phát biểu ý kiến, báo cáo rồi đưa ra các nhận định tình hình dịch bệnh của thôn mình phụ trách, ai cũng thán phục. Y sỹ Nguyễn Văn Quyết, Trưởng Trạm Y tế xã Ma Lé nhận xét: “Mua mới có 31 tuổi thôi nhưng lại là nhân viên Y tế thôn bản (NVYTTB) “lão thành” nhất cả xã đấy. Anh ấy làm từ khi tôi chưa về đây công tác, từ lúc mỗi NVYTTB chỉ được nhận phụ cấp 40.000đ/tháng. Lớp NVYTTB ban đầu đó giờ cũng chỉ có anh Mua và một người nữa còn theo nghề. Họ không làm vì phụ cấp hàng tháng chẳng đủ mua chục cân ngô, vậy mà việc gì cũng đến tay, rồi họp hành, tập huấn phải tuân thủ nghiêm chỉnh, báo cáo đều đặn hàng tháng…. nên họ bỏ nghề hết. Vậy mà hơn 10 năm rồi anh Mua vẫn kiên trì bám bản, giữa nghề, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trạm y tế và UBND xã giao”.
Mua tâm sự: “Vợ mình bảo tiền mỗi tháng nhà nước trả không đủ nuôi gia đình được ba bữa mèn mén no. Vậy mà đêm khuya nhà dân xa mấy gọi là mình đều đến. Ngày rỗi đi làm nương giúp vợ, nhưng chỉ nghe thấy bảo có người bị ốm ở đâu là mình liền bỏ cả vợ con trên nương rẫy mà chạy đi làm thay cái việc thầy cúng. Không những vậy lúc xuống xã, huyện họp, tập huấn còn lấy cả tiền của vợ đi. Nhưng vợ nó nói thì nói thế, mình cũng phải động viên nó. Quan trọng là mình yêu thích làm công việc này vì mình thương bà con trong bản đã nghèo rồi vậy mà hễ ốm là phải mất lợn gà, rượu thịt mời thầy cúng chữa bệnh. Mình không tin thầy cúng có thể chữa cho dân bản khỏe mạnh được. Vì vậy mình muốn đi học y tá, muốn làm cái việc chữa bệnh thay thầy cũng mà bà con trong bản không phải mất rượu thịt, lợn gà.”.
Thế là miệt mài 11 năm Vừ Mí Mua không xao nhãng nhiệm vụ, luôn tận tình xuống từng hộ dân trong bản, cẩn thận ghi chép vào sổ theo dõi sức khỏe, tận tình làm đủ thứ việc: Từ việc tuyên truyền bà con ăn ở hợp vệ sinh, phát hiện và báo cáo dịch bệnh kịp thời, sơ cấp cứu ban đầu, khám cấp phát thuốc những bệnh thông thường, vận động thực hiện tiêm chủng, uống Vitamin A, hướng dẫn bà con xuống trạm y tế, bệnh viện huyện chữa bệnh… cho đến công tác dân số, dinh dưỡng Mua cũng kiêm luôn. Không những thế Mua còn chủ động mời họp dân, bàn với chính quyền thôn đề ra những giải pháp phòng bệnh cho nhân dân trong bản. Chủ tịch xã Ma Lé, Hầu Mí Say nhận xét: “Thôn Vừ Mí Mua phụ trách là thôn vừa giáp biên, vừa xa nhất xã với 100% đồng bào Mông sinh sống. Đến được Ma Sí đi bộ cũng mất vài ba giờ đồng hồ leo núi. Vì vậy, trước đây việc người dân tin và chữa bệnh bằng cách mời thầy cúng là phổ biến. Còn việc người dân đến cơ sở Y tế chữa bệnh rất ít, chỉ khi bệnh nặng hoặc khi cúng hết lợn gà, rượu, ngô trong nhà thì họ mới chịu ra bệnh viện chữa. Việc cán bộ trạm y tế hay cán bộ xã xuống tận nơi làm công tác tuyên truyền vận động cũng không thể kịp thời và cũng không thể quản lý xuể. Nhưng từ khi nhà nước đưa đội ngũ NVYTTB vào hoạt động thì họ đã dần làm thay đổi được nhận thức về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong dân chúng. Mua chính là một trong những người đầu tiên được xã cử đi học tại huyện, giờ trong lớp NVYTTB đầu tiên ấy chỉ còn có hai người bám trụ. Nếu NVYTTB nào cũng có kinh nghiệm và làm tốt như Vừ Mí Mua thì công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói riêng, công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung của Ma Lé sẽ nhanh chóng về đích trước thời hạn”.
Quản lý một thôn có tới 310 nhân khẩu định cư rải rác trên các triền núi đá, nhà cách nhà, xa nhất cũng tới nửa quả núi. Vậy mà như cây ngô vươn lên từ đá, Mua kiên trì bám trụ với nghề, kiên trì vận động, giúp đỡ bà con trong bản từ việc vận động bọn trẻ trong bản đi tiêm chủng phòng bệnh, hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, nằm màn phòng bệnh sốt rét… Rồi những việc đòi hỏi chuyên môn như khám bệnh, sơ cứu người bị gãy chân, người bị sốt, đau bụng, hướng dẫn phụ nữ nuôi con hợp lý, thậm trí đến khám thai… Mua đều tận tình chu đáo. Mua bảo: “Lúc đầu mình chỉ được học y tá 1 tháng nên về vừa làm vừa lo. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên, hướng dẫn tận tình của các cán bộ trạm Y tế, cứ thế mình trưởng thành. Bà con càng tin mình càng vui, càng thích làm, kể cả không có tiền nhà nước trả mình vẫn ưng cái bụng. Đến vợ mình ngày trước không đồng ý là thế mà giờ nó cũng đồng tình và còn động viên mình làm tốt cái việc chăm sóc sức khỏe cho dân bản mình”.
Tan buổi giao ban, Mua lại đội nắng, leo ngược núi cao vút để về với bản Ma Sí của mình. Chiếc túi YTTB được cấp đeo bên hông không chỉ có thuốc, chiếc huyết áp, cái nhiệt độ hay hộp sơ cứu ban đầu, mà trong đó là những quyển sách về phòng chống dịch bệnh, về những kiến thức Mua vừa mới được cập nhật được trong buổi giao ban trạm Y tế. Người thầy thuốc của bản Ma Sí này đã tạo được lòng tin trong dân, giúp dân dần bài trừ đi những hủ tục lạc hậu, áp dụng những kiến thức phòng bệnh mới vào cuộc sống. Đặc biệt là Mua là nhân tố tích cực góp phần để bản Ma Sí nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh, bà con đủ sức khỏe và lòng tin vào người thầy thuốc của bản, yên tâm bám bản làng giữ yên một vùng biên cương Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc