Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Yên Minh

17:41, 27/06/2008

(HGĐT)- Yên Minh là huyện vùng cao khó khăn, địa hình phức tạp, dân trí thấp. Những đặc điểm cơ bản này dẫn đến nhận thức của bà con trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như việc tiếp cận thông tin trên các lĩnh vực là rất khó.


Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển KT-XH của huyện, ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống của từng hộ dân. Từ những hạn chế trên nên việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và trẻ sơ sinh cũng không được coi trọng. Cho đến năm 1997, khi Dự án Chăm sóc SKSS chọn huyện làm điểm thực hiện các hoạt động, nhận thức của chính quyền và người dân về lĩnh vực này mới được nâng cao. Nhờ đó, công tác chăm sóc SKSS ở huyện đã có sự chuyển biến tích cực.


Xác định rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh ở huyện những năm trước là do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều yếu kém, nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Do đó, ngay từ năm 1997, Dự án đã tập trung thực hiện công tác truyền thông thay đổi hành vi cho người dân. Hoạt động này được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Dự án đã tập trung thực hiện đó là đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản. Đây là đội ngũ sống gần dân nhất, hiểu người dân nhấtbởi họ cùng sống, cùng nói một ngôn ngữ và đôi khi có cả quan hệ họ hàng. Khi đã đào tạo, tập huấn cho đội ngũ này biết tổ chức và cách thức truyền thông thì hiệu quả của công tác truyền thông là rất lớn. Do đó, từ khi triển khai Dự án đến nay, hầu hết đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản ở huyện đều đã được tập huấn kỹ năng truyền thông. Đội ngũ này cũng đã phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS. Ngoài ra, Dự án cũng đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thực hiện công tác truyền thông chăm sóc SKSS lồng ghép với các chương trình của tổ chức Hội. Cùng với đó, Dự án cũng đã in ấn nhiều tài liệu với nội dung phong phú, đa dạng để phát cho bà con hoặc dán ở khu dân cư như: Sách, tờ rơi, tranh lật, tờ bướm…Bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau, Dự án đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS. Từ nhận thức đó đã giúp người dân tự giác hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và xã hội. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh ở tuyến y tế huyện cũngthường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Trung tâm huyện đã cử gần 20 lượt cán bộ là các bác sỹ, nữ hộ sinh đi học các lớp tập huấn do Dự án phối hợp với ngành Y tế tổ chức. Trong đó có nhiều lớp rất bổ ích và thiết thực như: Lớp cấp cứu sản khoa; lớp tập huấn kíp phẫu thuật sản khoa; tập huấn siêu âm, xét nghiệm…


Cùng với hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, Dự án cũng đã quan tâm đến việc hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS. Từ khi triển khai cho đến nay, Dự án đã đầu tư cơ bản cho các Trạm y tế các xã và Bệnh viện trung tâm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăm sóc SKSS. Đối với Bệnh viện Trung tâm huyện, Dự án đã đầu tư một phần trang thiết bị cần thiết cho phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Chỉ tính riêng trong năm 2007 vừa qua, Dự án đã trợ hỗ trợ cho Bệnh viện Trung tâm huyện hơn 20 loại trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh như: Túi cấp cứu sản khoa, lồng ấp sơ sinh, lò hấp khô, máy tạo ô xi…Những thiết bị Dự án đầu tư, hỗ trợ cho các Trạm y tế xã và Bệnh viện trung tâm huyện đã thực sự phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, Dự án cũng đã quan tâm cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân như: Bao cao su, túi đẻ sạch, thuốc tránh thai...


Hoạt động của Dự án Chăm sóc SKSS đã góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa; tăng tỷ lệ phụ nữ khi sinh được cán bộ y tế đỡ; tăng tỷ lệ phụ nữ được khám phụ khoa và tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên theo từng năm…Những yếu tố đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Yên Minh.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát động ngày “vi chất dinh dưỡng” tại xã Phương Tiến
(HGĐT)- Ngày 27.5, Viện Dinh dưỡng Trung ương phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm YTDP huyện Vị Xuyên triển khai các hoạt động ngày “Vi chất dinh dưỡng” tại xã điểm Phương Tiến, huyện Vị Xuyên.
30/05/2008
Bí quyết giữ cho huyết áp chuẩn
Tăng huyết áp không phải là bệnh mà là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt còn có thể đơn thuần do ăn uống ở một số người quá thừa protein, ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn uống các chất quá dư thừa, cơ thể ít vận động, người béo phệ.
29/05/2008
Ngộ độc nấm ở Đạo Đức, Vị Xuyên
(HGĐT)- Trưa ngày 27.5, 2 gia đình anh Nguyễn Văn Thức và ông Nguyễn Văn Đại tại thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) gồm tất cả 11 người đã bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Được biết, anh Nguyễn Văn Thức và Nguyễn Văn Quyết (con ông Nguyễn Văn Đại) cùng đi chăm sóc ruộng ngô của gia đình mình thì phát hiện có nấm, hai anh đã hái về nấu bữa trưa cho cả 2 gia đình cùng ăn.
29/05/2008
Khi nào cần dùng kháng sinh cho trẻ?
Hiện nay việc dùng kháng sinh ở nước ta chưa đi vào nề nếp, dùng chưa đúng và chưa hợp lý, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi nào phải dùng kháng sinh luôn là một bài toán ngay đối với chính các thầy thuốc, nhất là khi quyết định ấy dành cho trẻ em bởi nếu sự lựa chọn không chính xác sẽ gây hại cho trẻ không chỉ hiện tại mà cả tương lai sau này.
27/05/2008