Ân tình những ngày ở Lũng Chinh

17:04, 22/06/2011

HGĐT- Thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công các cơ quan, ban, ngành của tỉnh phụ trách xã. Báo Hà Giang được giao nhiệm vụ phụ trách xã Lũng Chinh (Mèo Vạc). Ban Biên tập đã lên kế hoạch cụ thể phân công từng nhóm, từng đồng chí về cơ sở giúp xã và bà con phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng... từng bước giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị.


Đó là những ngày đầu Thu của năm 1999, tôi và nhà báo Nguyễn Trần Bé, Nguyễn Đức Dũng được phân công về Lũng Chinh tăng cường đợt 3 với thời gian 1 tháng (đợt 1 và 2 có các đồng chí Phan Hùng, Hiến Chương, Việt Thắng...). Là phóng viên tôi đã từng đi rất nhiều xã trong tỉnh, nhưng đây là lần đầu tiên đến Lũng Chinh. Là xã vùng xa của huyện, diện tích tự nhiên chủ yếu là đá, nước hiếm quanh năm, trình độ dân trí còn rất thấp, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao... đó là những thông tin ban đầu tôi biết về Lũng Chinh. Bước xuống chiếc xe Lăng - cui - dơ “ giả cầy” ( xe U-oát đóng lại vỏ) của cơ quan đưa anh em chúng tôi đến xã, sự đón tiếp chân thành, nồng hậu của lãnh đạo, cán bộ xã trong ngôi nhàtrình tường được dùng làm trụ sở xã ngót ngét trăm tuổi đã xua đi những mệt mỏi trên quãng đường dài. Sau khi nhận bàn giao của nhóm trước, chúng tôi xây dựng kế hoạch công tác của nhóm mình. Lòng nhiệt huyết, sự háo hức đã làm chúng tôi quên đi khó khăn trong sinh hoạt của những ngày đầu. Ngày ấy Lũng Chinh chưa có điện lưới, chưa có hồ treo, đường liên thôn chỉ là những con đường mòn khúc khửu, lên xuống xiên qua các rừng đá hoặc men theo những thửa ruộng bậc thang. Sau vài ngày, cuộc sống thực tế đã cho chúng tôi biết thế nào là thiếu nước, thiếu điện, thiếu thông tin... và cảm nhận sâu sắc những khó khăn mà cán bộ, nhân dân Lũng Chính đang phải đối mặt. Trong cái khó khăn ấy, sự yêu thương, nhường xẻ của cán bộ, giáo viên xã đối với chúng tôi đến tận bây giờ và mãi mãi về sau vẫn là vô giá. Cô giáo Huế đã nhiều lần rơi nước mắt vì không có nước... giặt tã cho bé Thương, đứa con trai đầu lòng mới vài tháng tuổi mà chúng tôi cứ “tự nhiên” có nước sinh hoạt đều đặn (tuy phải dùng dè xẻn). Bát mèn mén, lát thịt treo nửa đêm người mẹ Mông nấu cho chúng tôi ăn khi lỡ đường; cậu bé Sính xách hộ chiếc cặp xiên qua rừng đá trên đường đi Sủng Khể. “Đi thôn về mệt lắm à! Các cháu còn rau ăn không?” những câu hỏi ân cần của bác Nô, Bí thư Đảng ủy xã với chúng tôi. Khóe mắt rưng lệ của cô giáo Nguyệt ở thôn Lủng Lý khi nhà báo Nguyễn Trần Bé tặng cô bó hoa dại trong ngày sinh nhật. Khác với cô Nguyệt, ánh mắt thầy giáo Tiến sáng ngời khi tôi dạy anh chơi được một bản nhạc Ghi ta cổ diển. Cô Giáo Nhung “hồn nhiên”: “Anh Thắng ơi, sắp hết dầu thắp chưa? Khi nào hết cứ lấy dầu của em mà dùng”... những hành động, lời nói giản dị ấy cứ tự nhiên ngấm dần, ngấm dần thấm đẫm tình người, tình đất Lũng Chinh. Ở đây, chúng tôi đã biết và cảm nhận một cách đầy đủ nhất hương vị của mèn mén; biết được giá trị lớn lao của những hố nước, khe đá; cảm nhận được sức nặng của chiếc quẩy tấu; trên tất cả, chúng tôi thấy được sự kiên cường, bề bỉ của cán bộ, đồng bàonhân dân các dân tộc sống trên đá Lũng Chinh.


Trong thời gian phụ trách xã, những ngày lễ như ngày khai trường, ngày 20.11, ngày 26.3... Công đoàn và Chi đoàn Báo Hà Giang đều phối hợp với xã và trường Tiểu học Lũng Chinh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Bênh cạnh đó, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn đã tiết kiệm ngân sách; kêu gọi các tổ chức, cán nhân trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ bà con Lũng Chinh từng quyển vở, tấm áo, con dê, con bò... để phần nào giảm bớt những khó khăn.


Về với Lũng Chinh 1 tháng thôi, đã hơn 10 năm rồi, nhưng các thôn Lủng Phủa, Sủng Mùng, Lủng Lý, Sủng Khể, Há Đề, Mèo Vống... vẫn không phai mờ trong trí óc chúng tôi. Gương mặt và tấm lòng của bác Nô, anh Mua, anh Ly, thầy Dụng, Hưng, Huy, Tiến, Thành; cô Thúy, Huế, Hường, Nguyệt, Chiêm, Thu, Dung, Nhung... luôn mang lại cho chúng tôi những cảm giác ngọt ngào. Lũng Chinh bây giờ đã có điện, ngôi trụ sở trình tường ngót ngét trăm tuổi, trạm y tế cấp 4 đã được thay thế bằng ngôi nhà 2 tầng kiên cố, khang trang; đường liên thôn đã được mở rộng, đi được xe máy; xã đã có hồ treo, có thêm trường Mần non, trường cấp 2. Ngôi trường tiểu học xưa cũng được đầu tư xây dựng lại. Ngày ấy thầy Hưng, cô Hường; thầy Huy, cô Diệp; thầy Hà, cô Thu soạn giáo án bằng đèn dầu thì bây giờ các thầy cô đã soạn giáo án trên máy vi tính.


Sau Lũng Chinh, Báo Hà Giang được giao phụ trách xã Nậm Ban, Sơn Vĩ, Sủng Trà, ở đâu chúng tôi cũng được đón nhận với sự chân thành nhất.Với riêng tôi, những ân tình, kỷ niệm ở Lũng Chinh trong công tác phụ trách xã sẽ mãi không quên.


AN DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Vượt qua khó khăn của một trong 62 huyên nghèo của cả nước, Hoàng Su Phì đã áp dụng sáng tạo vào điều kiên thực tế địa phương, khơi dậy sức dân, cộng đồng doanh nghiêp, các nhà tài trợ để lồng ghép xây dựng NMT hiêu quả.
20/06/2011
Những người làm báo Hà Giang học tập và làm theo gương Bác ngay trong công việc làm báo của mình
HGĐT- Tháng 6 của năm 2011 đã về, mang đến cho những người làm báo Hà Giang một niềm vui nhân đôi - kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2011) hòa trong niềm vui, lòng thành kính biết ơn của toàn dân tộc với Bác Hồ kính yêu trước mốc son lịch sử tròn 100 năm Ngày Bác từ biệt quê hương, ra đi từ bến cảng Sài Gòn để tìm con đường cứu nước, cứu dân
20/06/2011
Chuyện về những người làm báo nhưng không viết báo
HGĐT- Đang loay hoay “diệt” mấy con virus cho máy tính phòng Bạn đọc - Báo Hà Giang, tôi nhận được tin nhắn chúc mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam từ điện thoại di động của một người bạn hiện là giảng viên của một trường Đại học ở miền Trung, cuối tin nhắn còn ghi, chúc Nhà báo có nhiều bài viết hay, nhiều tác phẩm nổi tiếng.
20/06/2011
Miệt mài với dòng chảy thời sự ở nhà Đài
HGĐT- Có lần gặp nhà báo Hoàng Tre, tôi đùa vui, bao lâu rồi mà sao chú chẳng béo lên tí nào nhỉ, phải chăng do làm thời sự vất vả!?. Chẳng biết có phải vậy hay không, nhưng hình như ở phòng Thời sự của Đài PT - TH tỉnh, trừ một phóng viên mới “làm lễ” nhập phòng thì còn lại hầu hết đều rất…eo. Thế nhưng, “sức mạnh và trái tim” của nhà Đài lại nằm ở phòng Thời sự, ở những
20/06/2011