Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
BHG - Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là giải pháp quan trọng giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu LĐ và từng bước giảm nghèo bền vững.
Học viên Trường Cao đẳng Kỹ thật và Công nghệ thực hành sửa chữa động cơ. |
Những năm qua, tình hình KT-XH của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, có sự chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguồn lực đầu tư có hạn. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với tỉnh nhà trong tận dụng sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng. Do đó, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề cần tập trung giải quyết.
Người dân xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang thực hiện mô hình trồng nấm rơm sau lớp đào tạo nghề ngắn hạn. |
Trước những yêu cầu đó, tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án tập trung nâng cao chất lượng LĐNT, tăng cường đầu tư, phát triển ĐTN; triển khai các chính sách khuyến khích, huy động, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào ĐTN. Quá trình triển khai đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thay đổi nhận thức về vai trò của việc học nghề tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Đồng thời, tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu ĐTN cho LĐNT, xác định danh mục nghề cũng như nhu cầu sử dụng LĐ qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động. Triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đối với các cơ sở dạy nghề công lập…
Huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác ĐTN cho LĐNT; các tổ chức đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… đã tích cực vận động, khuyến khích hội viên, đoàn viên tham gia các lớp ĐTN ngắn hạn, dài hạn để có việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, có sự tham gia tích cực của Đoàn Thanh niên các cấp trong vai trò là cầu nối tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn. Các cấp bộ đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp, việc làm, Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp. Đối với đoàn viên, thanh niên nông thôn, hàng năm tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề để tham mưu với các đơn vị liên quan mở lớp đào tạo nghề phù hợp. Qua đó, tạo điều kiện cho lực lượng LĐ trẻ có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng. Kết quả, từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho gần 20.000 đoàn viên, thanh niên; qua ĐTN đã giải quyết việc làm cho trên 11.000 đoàn viên, thanh niên nông thôn.
Song song với đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực cho phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề cho LĐNT. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với các đơn vị, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, HTX tham gia dạy nghề. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề không ngừng được nâng cao chất lượng chuyên môn. Nổi bật, tỉnh đã ban hành một số chính sách riêng trong việc hỗ trợ ĐTN. Cụ thể, những LĐ học nghề nhưng bị mất việc làm sẽ được xem xét, hỗ trợ học nghề mới để chuyển đổi việc làm. Thí điểm cơ chế đặc thù tại xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn và các huyện, thành phố động lực, LĐ học nghề được hỗ trợ thêm kinh phí. Mặt khác, có chế độ ưu đãi với cán bộ, giáo viên thường xuyên xuống thôn, bản để dạy nghề …
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp, công tác ĐTN cho LĐNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn từ 2010-2020, tổng số LĐNT được học nghề là trên 149.000 người; tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 54%. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình ĐTN có hiệu quả, như: Liên kết ĐTN may công nghiệp giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; ĐTN do các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; thành lập HTX, các tổ hợp tác nghề nghiệp… Số LĐNT có việc làm sau học nghề chiếm 84%, qua tham gia học nghề đã tiếp cận, cập nhật được kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc