Tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm
BHG - Là địa phương có trên 270 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu, lối mở; việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát; đặc biệt ở các chợ biên giới, dẫn đến nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta là rất lớn. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 một cách hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tăng cường kiểm soát các hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm trên toàn tỉnh; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân biên giới.
Anh Nguyễn Văn Vinh phun hóa chất tiêu độc khử trùng cho khu vực chuồng trại chăn nuôi gà của gia đình. |
Toàn tỉnh hiện có trên 4.525 nghìn con gia cầm được người dân nuôi bằng các hình thức tập trung trang trại và chăn thả tự do; bên cạnh đó, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã nhập 853.143 con gia cầm, 855.957 kg đùi gà đông lạnh và trên 234.000 quả trứng; hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra sôi nổi cả ở trong nội địa và các chợ biên giới. Thời gian qua, tuy trên địa bàn tỉnh không xẩy ra dịch cúm gia cầm, nhưng trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, UBND tỉnh và ngành chức năng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khẩn trương, đồng bộ nhằm phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách hiệu quả, trong đó việc kiểm soát các hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm được triển khai quyết liệt với mục tiêu không để gia cầm mang mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc vào địa bàn; cán bộ thu y cơ sở giám sát chặt chẽ đàn gia cầm tại địa phương, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện gia cầm mắc bệnh có biểu hiện bệnh cúm gia cầm; cấp phát hóa chất cho các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng theo quyết định phân bổ của UBND tỉnh; đặt chốt kiểm dịch động vật tại các địa phương giáp ranh với tỉnh bạn; tích cực tuyên truyền đến người dân về nguy cơ lây nhiễm của chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 và các chủng vi rút có độc lực cao khác gây tử vong cho người”.
Khảo sát việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Giang và nhiều hộ chăn nuôi gia cầm, chúng tôi ghi nhận các hộ chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia cầm tập trung đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Nhập gia cầm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết mổ, phun khử trùng tiêu độc khu vực nuôi nhốt. Anh Nguyễn Văn Vinh, tổ 8, phường Quang Trung (TP Hà Giang) cho biết: “Đàn gà của gia đình tôi luôn được chăm sóc và tiêm phòng dịch bệnh theo đúng lịch tiêm phòng; con giống được lựa chọn kỹ càng và có nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại, tôi đã ngừng bán và nhập gà giống để tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mỗi ngày, tôi đều theo dõi tình hình dịch bệnh cúm gia cầm đang diễn biến ở Trung Quốc trên các phượng tiện thông tin để nắm bắt thông tin và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Minh Khai (TP Hà Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn sử dụng gia cầm làm thực phẩm ăn hàng ngày, tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh có thể xảy ra hiện nay, tôi tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống và mua gia cầm có nguồn gốc”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc