Nhà trình tường - nét văn hóa đặc sắc của người Mông ở Đồng Văn
BHG - Người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn được biết đến với nhiều bản sắc phong tục, tập quán được lưu giữ từ ngàn đời. Từ xa xưa, nhà trình tường bằng đất của người Mông được biết đến là lối kiến trúc mang nhiều điểm khác biệt so với quần thể chung của các dân tộc khác nơi miền đá này. Du khách đến với Đồng Văn không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước sự tài tình của “kiến trúc sư” người Mông, tạo ra những kiệt tác nhà trình tường đầy độc đáo, vững bền theo năm tháng.
Nhà trình tường của người Mông xã Sủng Là. |
Sống nơi khí hậu lạnh trên những sườn núi, người Mông nơi đây sáng tạo ra những căn nhà trình tường bằng đất để chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt; với tường nhà bằng đất, lợp ngói âm dương; giữ ấm vào những ngày mùa Đông giá buốt và tạo không gian thoáng mát vào mùa Hè. Bên cạnh đó, còn là phương thức bảo vệ tránh thú giữ. Những ngôi nhà nơi đây thường được thiết kế theo khuân mẫu nhất định có 3 gian và 2 cửa. Trong đó, gian bên trái được dùng để nấu ăn và buồng ngủ của gia chủ; gian giữa để thờ tổ tiên, cũng là nơi ăn uống và tiếp khách; gian bên phải dùng để giường cho khách đến thăm ở lại, có bếp sưởi giữ ấm vào mùa Đông. Các căn phòng ngủ của người Mông được bố trí riêng, hợp lý cho các thành viên trong gia đình; trong nhà luôn có sàn gác mái để cất giữ đồ dùng, lương thực.
Trước khi xây dựng ngôi nhà, gia chủ chọn lựa kỹ trên những mảnh đất có dương khí tốt sẽ được tiến hành san nền, kê móng và trình tường làm nhà. Đất được chọn lựa ở những nơi tốt nhất, đảm bảo vừa dẻo, vừa có độ bám chắc chắn. Mỗi khi làm nhà, người dân trong các thôn cùng nhau góp công, góp sức, mỗi người 1 công đoạn từ đào đất, gùi đất, đắp khuân. Sau khi công việc đã hoàn thành bên ngoài, thì gia chủ sẽ lựa chọn vào 1 ngày đẹp nhất để làm lễ đặt cột. Những ngôi nhà trình đất không xây sát nhau, khi có đám tang thì những người tham gia tang lễ sẽ sử dụng các nhạc cụ truyền thống như: Khèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh ngôi nhà 3 lần để giúp xua đuổi các linh hồn xấu, để cho người đã khuất được thanh thản về cõi vĩnh hằng. Xung quanh ngôi nhà thường được xếp những phiến đá xanh tự nhiên với nhiều kích thước khác nhau, được nhặt trên những dãy núi cao, có khi phải mất từ 2 - 3 năm mới có thể hình thành nên những tường rào đá tự nhiên, không sử dụng chất kết dính mà vẫn vững chắc, kiên cố, phẳng dài theo thời gian. Chiếc cổng gỗ bên ngoài nhà được dán giấy đỏ, tạo nên điểm nhấn, mang lại sự ấm áp cho ngôi nhà. Chị Trần Hà Nhi, đến từ Hà Nội chia sẻ: Văn hóa của người Mông ở Đồng Văn rất nhiều nét đặc trưng, phong phú; với mình điểm lôi cuốn hấp dẫn nhất là nét kiến trúc nhà trình tường bằng đất được xây dựng tuy giản đơn, nhưng lại rất chắc chắn, thể hiện được sự tính toán trong kỹ thuật xây dựng từ cổ xưa truyền lại cho thế hệ ngày nay. Ngôi nhà thoáng đãng, tạo cảm giác được sống trong không gian cổ xưa đầy mê hoặc. Vào ngày Xuân, khi hoa lê, mận, mơ, đào khoe sắc thắm tạo thêm điểm nhấn cho ngôi nhà khi nhìn từ xa, không gian tĩnh lặng, đẹp nên thơ.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Dinh Chí Thành cho biết: Huyện luôn chú trọng gìn giữ các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông, những ngôi nhà trình tường đất luôn được bảo quản, lưu truyền qua các thế hệ, thể hiện ý chí mạnh mẽ, khát vọng tự vươn lên từ đá sỏi của người dân nơi miền biên viễn nhiều gian khó. Ngày nay, người Mông vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến ngôi nhà truyền thống cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh hoạt, lao động sản xuất. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hơn nữa phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng, homestay để quảng bá các sản phẩm truyền thống, ẩm thực, tinh hoa văn hóa của người Mông để du khách thập phương thấu hiểu, yêu mến, trải nghiệm thực tiễn những cảnh đẹp và sự chân tình, mến khách của người dân địa phương.
Bài, ảnh: Đức Ninh