Người nuôi chó, mèo cần hiểu bệnh dại và chủ động phòng, chống
HGĐT- Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do Virus gây ra. Khi chó, mèo bị dại cắn hoặc cào (do móng chân dính nước bọt) vào người làm xước da chảy máu, Virus sẽ xâm nhập qua vết thương, người lên cơn dại và tử vong nếu cứu chữa không đúng cách và kịp thời.
Mặc dù hàng năm Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng chống (năm nay là Công văn số 438/CV- BCĐ ngày 14.6. 2011); ngành Thú y đã tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo; các ngành cũng tích cực vận động nhân dân quản lý chó, mèo đề phòng bệnh dại; ngành Y tế đã tích cực cứu chữa những người bị chó, mèo cắn. Nhưng gần đây số người chết vì bệnh dại do chó, mèo gây ra trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, nhất là khi trời nóng bức. Về nguyên nhân: Có thể do việc chỉ đạo phòng chống ở các cấp chưa triệt để và đồng bộ; tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng dại chưa cao; việc quản lý chó, mèo của các gia đình chưa tốt.
Chó, mèo là loài vật nuôi có ích, rất gần gũi với con người. Nhưng nuôi làm sao không gây hiểm hoạ cho con người, mới là việc đáng quan tâm và chính chủ nuôi phải làm tốt việc này, cụ thể là: Không thả rông chó ra ngoài đường; cần buộc dây xích hoặc làm chuồng nhốt chắc chắn; ở thành phố, thị trấn và nơi đông dân cư, tuyệt đối không thả chó ra ngoài đường, vì chúng có thể cắn người hoặc chạy qua đường gây tai nạn giao thông cho người đi xe đạp, xe máy, mất vệ sinh. Khi cho chó đi vệ sinh phải đeo rọ mõm; khi tắm cho chúng phải đeo rọ mõm và người tắm cho chúng phải đeo găng tay cao su. Kể cả người lớn và trẻ con, không nên tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo vì chúng có bọ và thường xuyên rụng lông, phân của chúng có trứng giun sán. Phải tiêm phòng dại cho chúng theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
Khi bị chó, mèo cắn, phải bình tĩnh xác định bị cắn trong trường hợp nào: Chó đang nuôi con nhỏ; chó dữ bị xổng mà ta là người lạ mới đến; ta đang giữ con mèo bỗng nhiên có con chó xuất hiện, mèo sợ quay lại cắn vào tay ta; chó gầy ốm hay do ta trêu chọc nó...xác định rõ chó của nhà nào thì yêu cầu nhà đó phải xích hoặc nuôi nhốt trong chuồng khoảng 10- 15 ngày để theo dõi. Không được giết mổ con chó hay mèo đang theo dõi hoặc chó, mèo ốm, vì nước bọt của nó có thể nhiễm vào các vết trầy sứt trên tay người mổ thịt...sau đó phải tự xử lý vết thương bằng cách: Dội, rửa vết thương nhiều lần bằng nước muối và nước xà phòng đặc; sau đó dùng cồn iốt 1% hoặc cồn 70 độ để sát khuẩn; đến ngay cơ sở Y tế khám, để có hướng điều trị (chú ý thuật lại tỷ mỷ bị cắn trong trường hợp nào và tình trạng con chó, mèo hiện tại có biểu hiện gì và đang nuôi nhốt theo dõi ở đâu); không nên tự chữa bằng thuốc nam hay kinh nghiệm dân gian, khi cảm thấy không ổn mới đến cơ sở Y tế khám thì có khi quá muộn. Tốt nhất hãy phòng cho mình cũng là phòng cho mọi người.
Ý kiến bạn đọc