Giải “bài toán” xử lý nước thải nông thôn

09:14, 15/01/2024

BHG - Nước thải sinh hoạt hàng ngày, nước rửa thực phẩm, rửa chén bát, tắm giặt, nước thải gia súc qua bồn nhựa PE được xử lý với Module chế tạo sẵn và vi sinh vật lại có thể tái sử dụng để tưới rau, chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường là hiệu quả mà hệ thống xử lý nước thải quy mô hộ gia đình đang được triển khai thí điểm tại xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) và Vĩ Thượng (Quang Bình), góp phần quan trọng nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.

Hiện nay, tất cả các khu dân cư nông thôn của tỉnh nói chung và tại 2 xã Phương Thiện và Vĩ Thượng nói riêng hầu như chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt gia đình; phần lớn nước thải của các hộ dân không được xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường qua hệ thống cống, rãnh thoát nước sau đó ra ruộng, kênh mương, ao, hồ, sông. Các chất ô nhiễm tích tụ lâu ngày gây mất cảnh quan, làm cho môi trường bị ô nhiễm, có mùi hôi thối khó chịu. Tìm lời giải cho “bài toán” xử lý nước thải nông thôn hiệu quả, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình tại xã Phương Thiện và Vĩ Thượng với quy mô 130 hộ gồm: Các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ homestay, nhà nghỉ, hộ chăn nuôi và hộ gia đình tại khu trung tâm xã. Ông Mai Thế Độ, thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Từ trước đến nay, lượng nước thải từ sinh hoạt và chăn nuôi của gia đình đều thải trực tiếp ra mương, chảy xuống ruộng, khiến đất ruộng bị rửa trôi, ô nhiễm, bốc mùi, gieo trồng lúa không năng suất; nay được nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý nước thải này rất có ý nghĩa, bà con trong thôn cũng nhận thức được việc xử lý nước thải, phân loại nước thải tại nguồn là rất quan trọng nên có ý thức bảo vệ môi trường hơn”.

Lắp đặt thiết bị xử lý nước thải hộ gia đình tại xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang).

Theo chia sẻ của đơn vị thi công công trình, mô hình xử lý nước thải gia đình sử dụng bồn nhựa PE với Module chế tạo sẵn hợp khối thành một hệ thống xử lý hoàn chỉnh, ứng dụng nguyên lý của quá trình phân hủy kỵ khí các hợp chất hữu cơ, chất dinh dưỡng trong nước thải; các thiết kế kỹ thuật giúp dòng nước đảo chiều, tăng thời gian lưu nước thải trong hệ thống, tăng khả năng tiếp xúc giữa vi sinh vật kỵ khí với các chất ô nhiễm. Các thiết bị được bố trí các lớp giá thể vi sinh, nơi giúp mật độ vi sinh tăng lên nhiều lần, làm cho quá trình phân hủy sinh học các chất hữu cơ có trong nước thải trở nên triệt để hơn, giúp xử lý nước thải hiệu quả; công nghệ xử lý nước thải tại chỗ đảm bảo thu gom và xử lý nước thải đạt trên 90% lượng nước thải sinh hoạt. Đặc biệt, đây được xem là giải pháp phù hợp có thể được áp dụng rộng rãi để xử lý nước thải nông thôn ổn định bùn cặn có trong nước thải, các căn hộ biệt lập không có khả năng đấu nối với hệ thống thoát nước chung, không sử dụng điện năng, tiết kiệm, dễ vận hành, dễ lắp đặt, thời gian thi công nhanh, sản phẩm có tuổi thọ cao, chịu được biến dạng nhất định của nền địa chất yếu.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng Nguyễn Đình Tuyên cho biết: Sau khi có kế hoạch triển khai dự án xử lý nước thải của tỉnh, xã họp dân, tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia, đến nay có 80 hộ đăng ký triển khai; việc xử lý nước thải đảm bảo môi trường đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tích cực phối hợp thực hiện”.

Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Mai Thị Biên chia sẻ: “Mô hình xử lý nước thải hộ gia đình mang lại hiệu quả kép, vừa góp phần xử lý nước thải và bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm, giúp thay đổi hành vi, thái độ của cấp ủy, chính quyền và người dân trong bảo vệ môi trường sinh thái. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh”.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cán bộ nêu gương, nhân dân đồng thuận
BHG - Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn cùng phương châm xuyên suốt “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Hoàng Su Phì đã khơi dậy mạnh mẽ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đem đến diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của huyện.
31/08/2023
Bắc Mê tăng tốc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

BHG - Huyện Bắc Mê hiện đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: Giảm nghèo bền vững; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi và xây dựng Nông thôn mới với tổng số vốn là 328.810 triệu đồng. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn 2021 - 2025 để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể hóa các nội dung, huyện Bắc Mê đã triển khai nhiều giải pháp và tăng cường các nguồn lực trong việc thực hiện 3 chương trình nhằm tạo kỳ vọng, thay đổi vùng đồng bào DTTS.

29/11/2023
Tháo “rào cản” trên đường về đích
BHG - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã đi được hơn nửa chặng đường, kết tinh nhiều thành tựu làm khởi sắc diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu quan trọng cho cả giai đoạn, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tháo gỡ “rào cản” để xây dựng NTM với nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
28/09/2023
 "Bừng sáng" chiến khu xưa
BHG - Đường vào trung tâm xã Bằng Hành (Bắc Quang) khoác lên mình chiếc áo mới bằng cờ đỏ sao vàng. Cách đây 78 năm, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh Hà Giang do đồng chí Bế Triều, Lê Quảng Ba đã tập hợp nhân dân phất cờ khởi nghĩa giành chính quyền.
27/09/2023