Tháo “rào cản” trên đường về đích

14:45, 28/09/2023

BHG - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã đi được hơn nửa chặng đường, kết tinh nhiều thành tựu làm khởi sắc diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu quan trọng cho cả giai đoạn, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tháo gỡ “rào cản” để xây dựng NTM với nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Thành quả trân quý

Chương trình OCOP đã góp phần định vị thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình OCOP đã góp phần định vị thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với quan điểm xuyên suốt: “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”; cấp ủy, chính quyền tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, nghị quyết chuyên đề, quyết định về cơ chế chính sách, kế hoạch và các hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn được triển khai sâu rộng đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để hình thành diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Riêng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy vai trò chủ thể và sức mạnh nội lực trong nhân dân để tham gia xây dựng NTM. Chỉ từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tổ chức gần 1.700 lượt ra quân xây dựng NTM với gần 109.000 lượt người tham gia. Đặc biệt, nhân dân tự nguyện hiến trên 166.000 m2 đất, đóng góp hơn 257.000 ngày công lao động và số tiền gần 33 tỷ đồng để chung sức xây dựng NTM. Không những vậy, thực hiện chủ trương tỉnh hỗ trợ xi măng, kinh phí còn lại huy động từ xã hội hóa và nhân dân đóng góp, toàn tỉnh có thêm 868 km đường bê tông nông thôn các loại. Kết quả này không chỉ nâng tổng số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông lên 57/175 xã mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền...

Nhiều nội dung thành phần, chương trình chuyên đề về xây dựng NTM được tỉnh ta triển khai linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đã tạo dấu ấn quan trọng trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 1 đơn vị (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 48/175 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với 127 xã chưa đạt chuẩn NTM thì có 3 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 66 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 58 xã đạt dưới 10 tiêu chí trên tổng số 19 tiêu chí NTM. Ngoài ra, toàn tỉnh có 88 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM gồm: 37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc các xã vùng I và II.

Chung tay tháo gỡ “rào cản”

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu: 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM; cấp xã có thêm 35 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM lên 82/175 xã; có 7 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tỉnh ta đang đối diện không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Người dân xã Hữu Sản (Bắc Quang) chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.
Người dân xã Hữu Sản (Bắc Quang) chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh: Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM do T.Ư giao, tỉnh ta cần nhu cầu kinh phí rất lớn, lên đến gần 8.800 tỷ đồng. Đến nay, các huyện, thành phố mới huy động nguồn lực được gần 2.500 tỷ đồng, đạt 28,3% so với kế hoạch; trong khi đó, nguồn vốn của T.Ư phân bổ cho Chương trình NTM rất hạn chế, chỉ chiếm 6,7% trên tổng nhu cầu vốn, tương đương với 603,3 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh ta đề ra ngay từ đầu giai đoạn là tập trung thực hiện các tiêu chí thuộc 35 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025 nhưng khi T.Ư giao vốn lại chia đều cho các xã, không bố trí tập trung vào các tiêu chí đã đưa ra trong kế hoạch, dẫn đến thiếu vốn thực hiện các tiêu chí.

Không chỉ có khó khăn trên, việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 – 2025 đối với tỉnh ta cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ, khi có sự điều chỉnh tăng thêm 8 chỉ tiêu và yêu cầu chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM cao hơn so với giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đại đa số các xã, kể cả xã NTM đều tụt giảm tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều khó thực hiện; còn tiêu chí giao thông, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường có khối lượng cần thực hiện để đạt chuẩn là rất lớn. Điều này dẫn đến bình quân tiêu chí toàn tỉnh thấp, mới đạt 11,7 tiêu chí/xã, bằng 71,8% so với mục tiêu đề ra là 16 tiêu chí/xã. Mặt khác, đối với 35 xã trong kế hoạch đạt chuẩn NTM đến năm 2025, có 13 xã đạt từ 6 đến dưới 10 tiêu chí/19 tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao nên một số xã khó có khả năng hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Hiện, mới chỉ có 1 xã đạt chuẩn tiêu chí tỷ lệ nghèo đa chiều, có đến 26 xã phải phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 30 – 65%. Riêng với 48 xã NTM, mới có 7 xã đạt tiêu chí tỷ lệ nghèo đa chiều; 16 xã có tỷ lệ nghèo đa chiều vượt quy định từ 30 – 56%; tại các xã còn lại cũng rất khó để đạt được tiêu chí này.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đỗ Tấn Sơn: Để thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, ngoài sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân; tỉnh Hà Giang mong muốn T.Ư bổ sung kinh phí khoảng 400 tỷ đồng để tỉnh triển khai tăng thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM. Bởi, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay thì dự kiến đến hết năm 2025, tỉnh ta có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện hoàn thành chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM (không hoàn thành theo mục tiêu của Chính phủ giao có 2 huyện đạt chuẩn NTM). Đề nghị T.Ư xem xét cho tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn kinh phí thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư phát triển còn tồn do không có đối tượng thực hiện để tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xã NTM, thôn NTM của tỉnh...

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo sinh kế cho người lao động
BHG - Xác định nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh ta triển khai đồng độ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế để tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
28/09/2023
 "Bừng sáng" chiến khu xưa
BHG - Đường vào trung tâm xã Bằng Hành (Bắc Quang) khoác lên mình chiếc áo mới bằng cờ đỏ sao vàng. Cách đây 78 năm, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh Hà Giang do đồng chí Bế Triều, Lê Quảng Ba đã tập hợp nhân dân phất cờ khởi nghĩa giành chính quyền.
27/09/2023
Ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty Điện lực và BIDV Hà Giang
BHG - Chiều 25.9, tại Trụ sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Giang (BIDV Hà Giang) đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty Điện lực Hà Giang và BIDV Hà Giang.
25/09/2023
Hiệu quả chuỗi liên kết trồng gừng Trâu ở xã Nàn Ma
BHG - Gần 20 ha gừng Trâu của bà con nhân dân xã Nàn Ma (Xín Mần) đang bước vào vụ thu hoạch. Đây là năm đầu tiên gừng Trâu ở xã được trồng theo mô hình liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thu nhập cho người dân.
25/09/2023