Giải pháp để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm phát huy hiệu quả

12:34, 17/10/2023

BHG - Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng tạo cú hích lớn để tỉnh ta thực hiện thành công khát vọng phát triển nhanh, bền vững. Sau hơn hai năm triển khai, tuy đã tạo ra những thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Giai đoạn 2021-2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG (xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) trên địa bàn tỉnh là hơn 6,282 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách T.Ư trên 6 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 265 tỷ đồng.

Theo đó, năm 2022, tổng vốn được bố trí thực hiện các chương trình MTQG trên 2 nghìn tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển trên 1,557 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 504 tỷ đồng; năm 2023, tổng nguồn vốn được bố trí trên 3,335 nghìn tỷ đồng, gồm trên 1,554 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 1,781 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được UBND xã Yên Cường (Bắc Mê) công khai tại trụ sở UBND để người dân theo dõi, giám sát.
Kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được UBND xã Yên Cường (Bắc Mê) công khai tại trụ sở UBND để người dân theo dõi, giám sát.

Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG rất thấp, không như kỳ vọng. Cụ thể, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, năm 2022 chỉ giải ngân được trên 417 tỷ đồng, đạt 26,8% kế hoạch; năm nay, tổng số tiền thực hiện trên 2,693 nghìn tỷ đồng (vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trên 1,139 nghìn tỷ đồng và vốn năm 2023 trên 1,554 nghìn tỷ đồng) và đã phân bổ trên 2,449 nghìn tỷ đồng cho các đơn vị, UBND cấp huyện. Kết quả giải ngân đến cuối tháng 9 vừa qua được trên 1 nghìn tỷ đồng, đạt 44,9% kế hoạch vốn đã phân bổ. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, năm 2022 giải ngân được trên 178 tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch; dự toán thực hiện năm 2023 trên 2,107 nghìn tỷ đồng, gồm vốn kéo dài năm 2022 sang là 326,266 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến hết tháng 9.2023 được 527,926 tỷ đồng, đạt 25,1% kế hoạch.

Xác định việc triển khai các chương trình MTQG có ý nghĩa rất quan trọng nên tỉnh ta sớm thành lập Ban chỉ đạo, kịp thời kiện toàn tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dân thực hiện từ tỉnh đến cơ sở... Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân do khối lượng các quy định, văn bản hướng dẫn của T.Ư về tổ chức thực hiện các chương trình rất lớn (trên 120 văn bản tính đến thời điểm hiện tại), một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chồng chéo về cơ chế, thiếu chặt chẽ gây khó khăn trong triển khai thực hiện ở địa phương. Mặt khác, quá trình lựa chọn dự án và thực hiện các quy trình lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; một số nội dung chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp được giao kế hoạch vốn lớn hơn so với nhu cầu dẫn đến khả năng không giải ngân hết... Từ thực tế đó, tỉnh ta kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội từ năm 2024, T.Ư chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG, còn dự toán chi tiết đến từng dự án, nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động triển khai; đồng thời cho phép địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm giữa các dự án, tiểu dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn và khả năng giải ngân.

Mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình MTQG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện từ T.Ư đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn. Ngoài ra, còn có một số chính sách của chương trình MTQG không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh; công tác xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của các địa phương còn chậm.

Trước thực trạng trên, nhằm tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các chương trình MTQG. Quốc hội giao đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, tự quyết định hình thức mua sắm; tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án.

Về giao kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, giao danh mục dự án, công trình áp dụng cơ chế đặc thù đảm bảo mức vốn bố trí các dự án này không vượt quá tổng mức vốn trung hạn cho nhóm dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù. Đề xuất nữa của Chính phủ là cho phép các địa phương được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách tự cân đối của địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách. Từ đó để cho các đối tượng thuộc các chương trình MTQG vay vốn tín dụng ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết ngày 31.12.2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình MTQG chưa giải ngân hết trong năm 2023 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai.

Những đề xuất trên là giải pháp quan trọng, tháo được hàng loạt “điểm nghẽn” trong triển khai các chương trình MTQG thời gian qua.

Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
BHG - Để tháo gỡ “điểm nghẽn” gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân… Trong những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai chuyển đổi số doanh nghiệp và xây dựng nền tảng truyền thông 3D online trong hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương; hoàn thành xây dựng và thực hiện vận hành thí điểm hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách; tích cực triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)… Qua đó tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động.
17/10/2023
Đồng hành vì Hà Giang phát triển
BHG - Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp, doanh nhân Hà Giang đã và đang phát huy tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Năng động - Sáng tạo - Hội nhập và Phát triển”, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển mảnh đất địa đầu cực Bắc.
16/10/2023
Để nông dân thực sự là chủ thể xây dựng Nông thôn mới
BHG - Với trên 80% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh ta luôn xác định rõ quan điểm lấy người dân là chủ thể, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Qua đó, tạo sự đồng thuận, huy động nội lực sức dân, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn.
16/10/2023
Khẳng định vai trò chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường
BHG - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) ra đời năm 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách QLTT, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa. 66 năm qua, cùng với cả nước, Cục QLTT Hà Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vai trò chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
14/10/2023