Những tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi
BHG - Những người nông dân mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định; họ trở thành những nông dân tiêu biểu, là tấm gương để nhiều người học và làm theo.
Anh Triệu Chàn Phú, thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. (Ảnh chụp trước 25.4.2021) |
Nông nghiệp từ lâu được coi là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế gia đình, mang lại sự vững bền, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân. Có rất nhiều tấm gương nông dân đi đầu về phát triển kinh tế, làm giàu trên những mảnh vườn, đồi của gia đình mình. Trong đó, nổi bật có thể nhắc đến anh Chương Đình Chiến, tổ 7, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) là người đi tiên phong ở địa phương mở trang trại bán vịt giống; với hệ thống ấp trứng quy mô hiện đại, đạt 4.000 quả/ngày. Bên cạnh đó, có 160 chuồng nuôi vịt con giống, diện tích mỗi chuồng 2 m². Hiện nay, để đảm bảo cho công việc, anh Chiến thuê 5 lao động với mức lương tùy theo khả năng của từng người từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; vịt con giống được xuất đi các huyện trong tỉnh. Hệ thống vệ sinh chuồng trại luôn được anh đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ, sát khuẩn bằng vôi bột. Ngoài ra, anh Chiến còn nuôi cá, với diện tích ao nuôi 4.000 m², đa dạng các loại như: Chép, Rô phi, cá Chim… Vườn sau nhà được anh trồng các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương như: Bưởi Da xanh, Hồng xiêm, Chuối tiêu hồng… Lợi nhuận mỗi năm từ việc chăn nuôi, trồng trọt đạt 2 tỷ đồng.
Hệ thống ấp trứng và nuôi vịt giống hiện đại của anh Chương Đình Chiến, tổ 7, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). (Ảnh chụp trước 25.4.2021) |
Xã Yên Hà (Quang Bình) từ lâu vẫn được biết đến là vựa trái cây nổi tiếng của tỉnh, nơi đây là vùng đất trù phú với nhiều loại quả đặc trưng như: Cam, bưởi, ổi…; nhiều nhà vườn đã tận dụng sự ưu ái của thiên nhiên, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo đà phát triển kinh tế ở địa phương. Tiêu biểu là anh Đặng Xuân Hải, thôn Chàng Mới, trồng cam Vàng tiêu chuẩn VietGap từ năm 2014, với diện tích 5 ha, sản lượng 30 tấn/năm; nuôi các loại cá với diện tích mặt nước 3.000 m², trừ chi phí mỗi năm cũng đem lại cho gia đình anh 550 triệu đồng. Anh Hải thường xuyên giúp đỡ bà con trong xã cách chọn giống cây, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, định hướng phát triển thị trường ra các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Anh Đặng Xuân Hải, thôn Chàng Mới, xã Yên Hà (Quang Bình) chăm sóc vườn cam. (Ảnh chụp trước 25.4.2021) |
Anh Triệu Chàn Phú, thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) là 1 trong những nông dân tiêu biểu với hướng phát triển từ cây chè của địa phương. Hiện nay, đồi chè có diện tích 4 ha, chè hữu cơ búp tươi cung cấp cho Tổ hợp tác Vinh Sính, với sản lượng 16 tấn/năm. Anh nuôi 3 lồng cá với nhiều loại như: Lăng, Trắm, Chép…; sản lượng đạt 1 tấn/năm. Bên cạnh đó, anh Phú còn nuôi thêm 30 con lợn đen, mỗi con từ 90 - 120 kg/con; đàn trâu, bò được nuôi vỗ béo có 9 con. Diện tích rừng 9 ha, gồm: Mỡ, Quế, Bồ đề; ngoài ra, anh trồng thêm 12 ha Thảo quả... lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. Nhiều người dân trong và ngoài xã thấy được hiệu quả từ mô hình của anh Phú, cũng tìm đến học hỏi và được anh chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn.
Sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của những người nông dân chân chính, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã tạo đà phát triển nền nông nghiệp bền vững của tỉnh, từ đó hình thành nhiều vùng chuyên canh đặc sản của địa phương, quảng bá thương hiệu sản phẩm của Hà Giang ra các tỉnh bạn.
Bài, ảnh: Thái Khang
Ý kiến bạn đọc