Hà Giang

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh

09:38, 25/05/2021

BHG - Là ngân hàng giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, hiện nay, tại Agribank Hà Giang, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp các huyện trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Với 11 chi nhánh loại II và 9 phòng giao dịch hoạt động trên địa bàn 10 huyện, xã, tính đến 30.4.2021, tổng nguồn vốn của Agribank Hà Giang đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng nguồn vốn của ngành Ngân hàng trên địa bàn; tổng dư nợ đạt trên 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ của ngành Ngân hàng hàng trên địa bàn.

Lãnh đạo Agribank Hà Giang trao tủ sách và thiết bị học tập cho Trường THCS Vinh Quang (Hoàng Su Phì).
Lãnh đạo Agribank Hà Giang trao tủ sách và thiết bị học tập cho Trường THCS Vinh Quang (Hoàng Su Phì).

Agribank Hà Giang đã và đang triển khai các chương trình chính sách của ngành, của tỉnh và đều đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng dư nợ, là chương trình tín dụng chính sách được Agribank tập trung ưu tiên triển khai với kết quả cho vay tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã đưa ra những chính sách ưu đãi hơn đối với khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn như: Mức cho vay không bảo đảm đối với từng đối tượng khách hàng được nâng lên; lãi suất ngắn hạn được ưu đãi theo Thông tư 39 của NHNN;... góp phần đẩy mạnh đầu tư tín dụng trên địa bàn nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank tỉnh Hà Giang chia sẻ: Agribank tỉnh Hà Giang không chỉ phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, mà còn tiên phong cho vay các chương trình chính sách đặc thù của tỉnh như: Cho vay theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Kết quả: Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình trên 705 tỷ đồng với 1.875 khách hàng; dư nợ đến 30.4.2021 là 179 tỷ đồng. Việc chú trọng đầu tư cho vay theo các chương trình trọng điểm của tỉnh đã thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn hết, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã giúp người dân mạnh dạn mở rộng đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân tự vươn lên giảm nghèo.

Trong thời gian tới, Agribank Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang; duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng về quy mô phù hợp với cân đối vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; xử lý và kiểm soát nợ xấu có hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Thể hiện quyết tâm cùng ngành Ngân hàng đẩy lùi tín dụng đen, Agribank Hà Giang tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng cho vay qua tổ góp phần hạn chế tín dụng đen. Triển khai và cung ứng các dịch vụ công nghệ số đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt như lắp đặt và vận hành 25 máy ATM, trong đó có 1 máy chấp nhận giao dịch gửi, rút tiền mặt, 56 thiết bị POS, 20 điểm thanh toán qua QR code; đẩy mạnh phát triển ứng dụng thanh toán Agribank E-Mobile Banking trên điện thoại thông minh với trên 64 nghìn khách hàng; đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn;… 

Trong thời gian tới, Agribank Hà Giang tiếp tục phối hợp với các cấp Hội (Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ) thực hiện có hiệu quả thỏa thuận liên ngành đã ký; tích cực triển khai cho vay qua Tổ vay vốn/Tổ liên kết, áp dụng phương thức cho vay hạn mức tín dụng đối với gia đình sản xuất kinh doanh ổn định, có tư liệu sản xuất (đất canh tác, đất lâm nghiệp…) nhằm giảm tải và tăng hiệu quả làm việc của cán bộ tín dụng. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, phát triển khách hàng mới trong kinh doanh dịch vụ, tập trung triển khai các biện pháp nhằm hoàn thành tốt kế hoạch dịch vụ được giao.

Bên cạnh đó, Agribank Hà Giang tích cực cùng hệ thống ngành Ngân hàng vào cuộc quyết liệt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh; hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến 30.4.2021, chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ cho 63 khách hàng (lũy kế gồm 96 khách hàng), dư nợ được hỗ trợ trên 164 tỷ.

Agribank Hà Giang cũng xác định bên cạnh hoạt động kinh doanh hiệu quả, cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội như hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người khuyết tật mỗi dịp Tết đến, Xuân về; đặc biệt là chung tay cùng các cấp, ngành thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, Agribank Hà Giang còn thực hiện tài trợ các sự kiện quan trọng diễn ra tại tỉnh như giải Marathon, giải quần vợt, bóng bàn; tài trợ xây dựng trường học, nhà thư viện...

Tăng cường ưu tiên nguồn vốn thông qua các chương trình tín dụng chính sách cho thấy vai trò huyết mạch của vốn tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Agribank Hà Giang đã và đang nỗ lực chung tay cùng ngành Ngân hàng thực hiện tốt việc cung ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân với mong muốn tháo gỡ khó khăn, giúp người dân có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trong cuộc sống.

Chu Mạnh Hải (Agribank Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội Làm vườn vận động hội viên cải tạo vườn tạp

BHG - Nhằm giúp bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, Hội Làm vườn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên cải tạo vườn tạp. Qua đó, đông đảo hội viên làm vườn đã hưởng ứng phong trào, chuyển sang trồng thâm canh cây ăn quả, rau, đậu các loại giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

24/05/2021
Nuôi dê Bách Thảo trên đỉnh Nà Chõ

BHG - Người tiên phong đưa giống dê Bách Thảo về nuôi là anh Hoàng Văn Siểu, thôn Nà Chõ, xã Tân Nam (Quang Bình). Mô hình được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp anh Siểu vươn lên làm giàu bền vững trên vùng đất khó.

24/05/2021
Bông Sen Vàng tiên phong phát triển chuỗi giá trị dược liệu

BHG - Với dây chuyền nhà máy chế biến dược liệu hiện đại, chiến lược phát triển rõ ràng, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng (Công ty Bông Sen Vàng) đang tiên phong thực hiện mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn tỉnh.

23/05/2021
Cá bỗng Hà Giang được cấp chỉ dẫn địa lý

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang. Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

21/05/2021