Sản xuất công nghiệp, thương mại tăng tốc
BHG - Những ngày đầu Xuân mới, không khí thi đua lao động, sản xuất ở khắp nơi trong tỉnh như bừng lên, hồ hởi trong niềm tin tưởng, kỳ vọng. Hòa chung khí thế đó, ngành Công thương tỉnh đang khẩn trương “tăng tốc” ngay từ đầu năm, đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Sản xuất, chế biến chè ở HTX chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì). |
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Công thương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai các giải pháp ổn định thị trường cung - cầu hàng hóa, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh từng bước khôi phục. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư tái sản xuất, thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu mới, lượng hàng tồn kho lớn… Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ số phát triển của toàn ngành.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp ước thực hiện cả năm 2020 so với cùng kỳ năm trước giảm 9,16%; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước thực hiện cả năm đạt 6.181,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,08%. Hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 242 triệu USD, giảm 38,38% so với cùng kỳ. Doanh thu các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đều giảm so với năm trước.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như: Tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại của tỉnh còn hạn chế, chưa đồng bộ; tính liên kết trong sản xuất và kết nối cung – cầu còn hạn chế; hiệu quả đầu tư các khu, cụm công nghiệp chưa cao; hệ thống lưới điện phục vụ đấu nối và truyền tải cho các nhà máy thủy điện đầu tư chậm; các chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, khó thu hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư…
Xác định năm 2021 là năm “bản lề” trong thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, ngành Công thương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo động lực bứt phá tăng trưởng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thực hiện quyết liệt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ngành Công thương, tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Mục tiêu tổng quát của ngành là xây dựng và phát triển theo hướng bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; phát triển kinh tế biên mậu và thương mại, dịch vụ phù hợp với mục tiêu, định hướng quy hoạch phát triển KT – XH của tỉnh. Riêng trong năm 2021, ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% so với 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,8% so với 2020; tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 270 triệu USD; tỷ lệ thôn biên giới có điện đạt tiêu chí Nông thôn mới 85%.
Để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra, ngành xác định lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá. Trong đó, những nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên thực hiện là: Tiếp tục cơ cấu lại và phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh; phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch; tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Xây dựng các giải pháp tạo động lực để bứt phá tăng trưởng đối với các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp sản xuất điện; phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ thương mại; hỗ trợ liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường. Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới. Tập trung chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường nắm bắt tình hình trao đổi hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Cục Thương vụ châu Văn Sơn (Trung Quốc) để có phương án thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP – AN. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác liên kết phát triển vùng và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc