Lê Thị Thu Trang tiếp tục giành 3 Huy chương Vàng giải vô địch cử tạ trẻ Quốc gia
HGĐT- Như Báo Hà Giang đã đưa về Lê Thị Thu Trang, một cô gái Hà Giang đã từng xuất sắc giành 9 huy chương bạc, đồng tại các giải vô địch cử tạ toàn quốc ở cấp độ trẻ, vô địch quốc gia và Đại hội TDTT toàn quốc. Vừa qua, Thu Trang lại tiếp tục tạo nên sự ngạc nhiên khi ghi thêm vào bảng thành tích “dầy cộm” của mình 3 tấm huy chương vàng ở giải vô địch cử tạ trẻ quốc gia tổ chức tại Hải Phòng.
Thấy tiềm năng của Trang, tỉnh Yên Bái đã “nhanh chóng” ký hợp đồng với em để tham gia các hoạt động thi đấu cho Yên Bái, trong đó có việc thi đấu tại Đại hội TDTT năm 2010, Trang đã xuất sắc giành về 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cho tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, tại giải vô địch cử tạ trẻ toàn quốc mới được tổ chức trung tuần tháng 6 này, ở hạng cân 69kg, mặc dù phải đối đầu với nhiều VĐV xuất sắc, đặc biệt là đoàn Hà Nội, nhưng Trang vẫn xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng, trong đó có 1 Huy chương Vàng nội dung cử giật, 1 ở nội dung cử đẩy và tổng 2 nội dung cử giật, cử đẩy, Trang giành tiếp tấm Huy chương Vàng thứ 3. Với năng khiếu và sự trưởng thành nhanh chóng, tháng 1.2010, Trang vinh dự được gọi vào Đội tuyển cử tạ trẻ Quốc gia, trở thành nguồn để kế cận các bậc đàn chị đi trước và sẵn sàng cho các giải thi đấu quốc tế.
Trao đổi với Trang, được biết khi tham gia tập luyện tại Trung tâm đào tạo của Trường Đại học Từ Sơn, Trang được hưởng chế độ 90.000đ tiền ăn và 50.000 đồng tiền lương/ngày. Và khi chuyển sang đội tuyển trẻ Quốc gia, Trang được hưởng theo chế độ cho VĐV cấp quốc gia là 150.000đ tiền ăn, sinh hoạt và 50.000đ lương/ngày. Cùng với đó là chế độ tiền lương 1,5 triệu đồng/tháng mà tỉnh Yên Bái trả cho em.
Trở về Hà Giang sau chuyến thi đấu đầy căng thẳng tại giải vô địch trẻ quốc gia tại Hải Phòng cũng như kỳ thi tốt nghiệp cấp III vừa qua, “cô gái vàng” của Hà Giang được đón chào trong tình cảm và sự hồ hởi của đại gia đình, bè bạn, hàng xóm. Thế nhưng, ít ai biết được đằng sau những thành công của Trang lại là những ngày tháng tập luyện cực kỳ vất vả. Trang tâm sự, ngoài ý chí tập luyện, thi đấu, môn cử tạ còn đòi hỏi sự đầu tư khá lớn không chỉ dụng cụ tập mà còn cả chế độ ăn uống, tập luyện cho vận động viên. Bởi, không chỉ là môn thể thao của sức mạnh, cử tạ cũng là một môn thể thao nguy hiểm. Nếu chỉ dựa vào năng khiếu mà chủ quan, thiếu tập luyện và tập trung, vận động viên sẽ phải trả giá bằng những chấn thương có thể chấm dứt sự nghiệp thi đấu.
Nhìn bộ huy chương các loại mà Trang giành được trong các kỳ thi đấu ở Bắc – Trung – Nam, nhưng không phải là huy chương mà Trang đại diện cho mầu cờ, sắc áo tỉnh nhà khiến tôi và các nhà báo có mặt tại gia đình Trang trong ngày em mang 3 Huy chương Vàng trở về cảm thấy không khỏi trạnh lòng. Bản thân anh Lê Văn Thiện, là bố của Trang cũng như Trang đều mong muốn có một ngày nào đó được ngành chức năng của tỉnh quan tâm để được thi đấu vì mầu cờ sắc áo của Hà Giang.
Đem câu chuyện về một VĐV Hà Giang có đẳng cấp phải đi đầu quân cho một địa phương khác trao đổi với đồng chí Hồ Thanh Lam, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, được biết, với trách nhiệm của mình, ngành VHTT&DL cũng rất quan tâm đến việc phát hiện, tuyển chọn và xây dựng các lớp VĐV năng khiếu để thi đấu các giải trong toàn quốc. Tuy nhiên, chế độ của tỉnh mà VĐV hiện hưởng thì còn khá thấp, từ năm 2003 đến nay, mỗi VĐV tập trung chỉ được hưởng 600.000 đ/tháng. Vừa qua, chúng ta cũng có lớp cử tạ nữ với khoảng chục em, nhưng vì sự đầu tư còn hạn chế, thi đấu không đạt hiệu quả nên không duy trì được. Và trong trường hợp của VĐV Thu Trang, với chế độ tập luyện và đãi ngộmà em đang được hưởng hiện nay thì ở điều kiện của tỉnh ta khó có thể đáp ứng. Do đó, chúng ta không thể tránh khỏi việc các địa phương, đơn vị có đầu tư và tiềm lực giành mất các VĐV có thành tích cao.
Ý kiến bạn đọc