Nghe người lính già kể chuyện về Bác Hồ trong dịp Người lên thăm Hà Giang

16:56, 25/05/2011

HGĐT- Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1948, khi mới 18 tuổi chàng trai dân tộc Tày Nguyễn Văn Thập từ biệt quê hương Việt Lâm (Vị Xuyên) gia nhập Đại đoàn 312 để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông được vinh dự kết nạp Đảng trên chiến trường và tham gia chiến đấu trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.


10 năm được tôi luyện trong quân đội, bác Thập được phục viên trở về Hà Giang. Vừa về đến quê, bác lại tiếp tục được trưng tập đi phục vụ chuẩn bị cuộc bầu cử Quốc hội khóa II. Hoàn thành nhiều nhiệm vụ ở địa phương, cho đến cuối năm 1959, bác Nguyễn Văn Thập được điều lên công tác tại Ty Công an Hà Giang. Bác Thập hài hước kể, lí do bác được lên công tác tại Ty Công an là ngoài việc từng tham gia 10 năm quân đội thì còn do bác là một trong số rất ít người ở tỉnh khi đó biết... lái xe ô tô, (Bác Thập đã từng có bằng lái do quân đội cấp). Lúc đó, tỉnh ta còn khó khăn lắm, Ty Công an cũng chỉ có duy nhất một chiếc xe xít-đờ-ca 3 bánh. Và khi Ty Công an có được một chiếc xe ô tô gap 69 thì bác Thập cũng chính là người lái xe đầu tiên của Ty. Lái xe được một thời gian, bác Thập được điều chuyển sang làm cán bộ bảo vệ thuộc Phòng Bảo vệ nội bộ của Ty Công an.


Tháng 3.1961, vinh dự lớn lao cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang được đón Bác Hồ lên thăm, dự Đại hội Đảng và Đại hội sản xuất của tỉnh. Khi ấy, bác Thập đã được lãnh đạo phân công trong đội làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Đó là một niềm vinh dự, may mắn cho bác Thập bởi không chỉ có cơ hội được trực tiếp trông thấy Bác, mà rất nhiều những câu nói, hình ảnh đẹp về Bác được bác Thập ghi nhớ.


Bác Thập kể, khi máy bay đưa Bác đỗ ở khu vực Cầu Mè thì bác cũng đã có mặt ở đây để làm nhiệm vụ bảo vệ Người. Bác Thập nhớ lại, lúc đón Bác Hồ, Văn phòng Tỉnh ủy đóng ở khu vực Mặt Trận Tổ quốc tỉnh hiện nay và còn sơ sài lắm. Sân Tỉnh ủy có căng một cái dù to và bầy bàn ghế để ngồi uống nước. Tối ngày 26.3, sau cuộc nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng, Bác Hồ trở về sân Tỉnh ủy ngồi uống nước cùng với các đồng chí lãnh đạo trong Đoàn công tác và tỉnh, có mặt lúc đó còn có đồng chí Chu Văn Tấn, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bác Thập tiếp tục được cử làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và đoàn công tác trong buổi tối. Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Xã đang làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Đang nói chuyện với mọi người, Bác nhìn xung quanh, nhìn lên ngọn núi Cấm, núi Mỏ Neo và hỏi đồng chí Nguyễn Văn Xã: Núi này là núi gì chú Xã? Đồng chí Xã: Thưa Bác, núi này là Núi Cấm, núi bên kia là núi Mỏ Neo ạ!. Bác liền hỏi tiếp: Núi này cao bao nhiêu mét? Trong lúc đồng chí Xã đang ngập ngừng không biết núi cao bao nhiêu thì Bác lại hỏi: Cán bộ Hà Giang có nhiều người biết tiếng địa phương không?. Đồng chí Xã trả lời: Thưa Bác, cán bộ Hà Giang toàn anh em ở dưới xuôi lên, chưa biết tiếng địa phương nên khi đi cơ sở vẫn phải nhờ anh em ở địa phương dịch hộ ạ!. Bác Hồ liền hỏi: Thế bây giờ học tiếng địa phương có được không?. Bác Xã liền trả lời: Được Bác ạ! Thế học bao lâu mới biết được? Bác hỏi. Đồng chí Xã thưa: Một năm Bác ạ! Lúc đó, Bác Hồ liền giơ 2 ngón tay lên và nói: Cho chú 2 năm. Khi đó, tất cả mọi người có mặt đều cười lên vui vẻ...


Từ câu chuyện của Bác Thập, lần lại tư liệu lịch sử, trong bài nói chuyện với các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ, Đại hội sản xuất tỉnh ngày 26.3.1961, Bác cũng đề cập đến vấn đề học tiếng địa phương, Bác nói: “Cán bộ nơi khác đến, không biết tiếng địa phương thì phải học tiếng địa phương. Bởi vì không có thể cán bộ đi công tác đều phải có một người phiên dịch. Dù có người phiên dịch thì nói chuyện cũng khó khăn. Không biết tiếng thì nói chuyện với đồng bào dân tộc không được” (*)


Bác Thập kể tiếp, Học và làm theo lời Bác Hồ, từ sau Đại hội năm 1961, cán bộ đảng viên ai cũng có một quyển sổ tay phục vụ cho việc học tiếng địa phương. Tỉnh cũng xây dựng chương trình học tiếng dân tộc phát trên loa phóng thanh mỗi buổi tối. Việc học tập được xây dựng thành phong trào và kéo dài trong nhiều năm, giúp cho rất nhiều cán bộ biết được tiếng địa phương và giúp cho việc xuống cơ sở, tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc hiệu quả hơn. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh ta cũng đã quan tâm, tạo điều kiện cho việc mở các lớp học tiếng dân tộc. Từ tỉnh đến huyện, các ngành cũng đã mở được rất nhiều lớp học tiếng địa phương, nhiều cán bộ tỉnh, huyện là người dưới xuôi lên đã nói được nhiều thứ tiếng dân tộc, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên các bản làng biên giới... Từ đó, công việc của mỗi người cũng đạt được hiệu quả hơn, và mỗi cán bộ biết tiếng địa phương thực sự trở thành cầu nối quan trọng, đưa ý Đảng đến với lòng dân và ngược lại.


82 năm tuổi đời và 62 năm tuổi Đảng, người lính Điện Biên, người bảo vệ Bác Hồ năm xưa hiện đang sống trong ngôi nhà giản dị ở tổ 20, phường Minh Khai (TPHG) vẫn rõng giạc trong câu chuyện kể về Bác. Những chi tiết về cuộc nói chuyện giữa Bác Hồ với các cán bộ trong buổi tối 26.3 đã được bác Nguyễn Văn Thập ghi nhớ như là một bài học lớn không chỉ cho riêng thế hệ của bác mà còn cho các thế hệ sau này.

 

(*) Bác Hồ với Hà Tuyên, Xb 1986, trang 50 – 51.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng viên trẻ người Dao năng động
HGĐT- Với dáng vóc nhỏ bé, trên nét mặt không dấu nổi sự lam lũ của một chàng trai người Dao, bằng tinh thần vượt khó và sáng tạo của mình, Triệu Tà Vủi - một Đảng viên trẻ, Bí thư Chi đoàn thôn - nổi lên không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi mà còn là một cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết và năng động.
30/03/2011
Công an Xín Mần làm theo lời Bác
HGĐT- Đầu năm 2011 tôi về Xín Mần trong không gian mùa Xuân miền Tây ấm áp. Tết yên vui, no ấm và bình yên là nhận xét đánh giá của đồng bào trong mùa lễ hội đầu tiên trong năm mới. Chị Giàng Thị Xay, vợ của anh Sùng Nù Sấn, Trưởng Công an thị trấn Cốc Pài cho biết: Tết đến, Xuân về nhà nhà tụ hội đông vui còn chồng chị thì bám riết đêm ngày cùng lực lượng an ninh để cho Tết
28/03/2011
Chuyện của ...Tứ nông dân
HGĐT- Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông nơi đất Tổ Vua Hùng, cũng như bao thanh niên cùng trang cùng lứa, Nguyễn Đình Tứ xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đó là vào năm 1993 khi ấy Tứ vừa tròn 20 tuổi.
28/03/2011
Gặp Cựu chiến binh Tráng Văn Hảo
HGĐT- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tháng 9.2004, chàng trai Tráng Văn Hảo, sinh năm 1978, dân tộc Pu Péo xuất ngũ trở về Xóm Mới B, thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn) mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng anh trưởng thành.
27/04/2011